Ngành học đón đầu nhu cầu nhân lực
Nhu cầu nhân lực của các ngành xuất bản, thể dục - thể thao, kỹ nghệ thực phẩm, dược, thủy sản… đến năm 2020 sẽ rất cao. Thí sinh đón đầu các ngành học này sẽ có nhiều cơ hội việc làm.
Theo quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, đến năm 2020, phấn đấu 70% tỉnh, thành phố có ít nhất 1 trung tâm phát hành xuất bản phẩm hiện đại; mỗi quận, huyện có ít nhất 1 cơ sở phát hành xuất bản phẩm. Mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 điểm cung cấp xuất bản phẩm.
Để đáp ứng các mục tiêu nói trên, cần nghiên cứu mở mã ngành đào tạo, dạy nghề về xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm.
Năm 2015, nhân lực trực tiếp làm việc trong lĩnh vực thể dục, thể thao (ngoài lực lượng vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài; giáo viên, giảng viên thể dục, thể thao) khoảng 22.000 người, năm 2020 khoảng 29.000 và năm 2030 sẽ đạt khoảng 38.000 người. Số nhân lực có trình độ ĐH trở lên phải đạt 50% vào năm 2015, trên 60% năm 2020 và đạt trên 80% vào năm 2030. Riêng giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, phấn đấu đạt tỉ lệ giáo viên, giảng viên thể dục, thể thao trên số học sinh, sinh viên tiểu học đạt 1/450 vào năm 2015, 1/400 năm 2020 và 1/350 vào năm 2030. Trung học cơ sở và trung học phổ thông: đạt 1/400 vào năm 2015, 1/350 năm 2020 và 1/300 vào năm 2030.
Cũng theo quy hoạch phát triển đến năm 2020, tỉ trọng giá trị sản xuất công nghiệp ngành kỹ nghệ thực phẩm chiếm khoảng 1,85% trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp. Nhân lực ngành này sẽ được chú trọng phát triển trên cơ sở xác định nhu cầu về lao động gắn liền với định hướng phát triển từng giai đoạn.
Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, nhấn mạnh sẽ ưu tiên đào tạo cán bộ khoa học chuyên ngành công nghệ sinh học, các ngành ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu biển và kỹ thuật, công nghệ khai thác hải sản tiên tiến. Đặc biệt, sẽ có chính sách ưu đãi cho con em ngư dân, học sinh, sinh viên, cán bộ trẻ trong ngành thủy sản đi đào tạo trình độ ĐH và sau ĐH tại các trường trong nước và ở các nước có trình độ tiên tiến.
Nhu cầu nhân lực của ngành dược cũng sẽ rất lớn trong thời gian tới. Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới trang thiết bị trong nghiên cứu chọn tạo giống, trồng trọt, chế biến, chiết xuất, chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới.
Tốt nghiệp là có việc làm Ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay trong nhiều ngành học của trường, công nghệ thực phẩm vẫn là ngành có sức hút đối với các doanh nghiệp. “Dù kinh tế khủng hoảng thì ngành này vẫn liên tục phát triển và liên tục có nhu cầu nhân lực. Con người ngày càng có nhu cầu nhiều hơn về chất lượng, sự an toàn cũng như độ đa dạng về thực phẩm. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp ngành học này đều có việc làm ngay” - ông Sơn cho biết. Theo ông Nguyễn Duy Quyết, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội, nhu cầu xã hội đối với ngành thể dục - thể thao hiện nay chủ yếu thiếu ở khối tiểu học, trung học cơ sở. “Những năm trước, tỉ lệ chọi vào trường rất cao, khoảng 1 chọi 15-20 nhưng hiện nay, tỉ lệ này chỉ còn khoảng 1 chọi 5” - ông Quyết nói. |
HOÀNG LAN
Nguồn: nld.com.vn