Xét NV3: ĐH Ngoài công lập lại “khóc” vì bị vét hết thí sinh
Xét NV3: ĐH Ngoài công lập lại “khóc” vì bị vét hết thí sinh
Kết thúc đợt xét tuyển NV2, hàng loạt các trường ĐH công lập lẫn ngoài công lập “buộc” phải xét tuyển NV3 do vẫn thiếu hàng ngàn chỉ tiêu tuyển sinh…
ĐH công lập cũng thiếu và... đang "vét"
Trong đợt xét tuyển NV3 này, Trường ĐH Đà Lạt dành hơn 1.000 chỉ tiêu xét tuyển cho 30 ngành, đa số các ngành mà trường này xét tuyển NV3 điều bằng điểm sàn. Tuy là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho khu vực Tây Nguyên, song chưa năm nào trường ĐH Đà Lạt tuyển đủ chỉ tiêu.
Riêng năm 2010, trường này buộc phải đóng cửa 3 ngành học do không tuyển được thí sinh nào. Tương tự, ĐH Văn Hóa TP.HCM năm nay cũng xét tuyển NV3 với 7 ngành (hệ ĐH 342 CT; CĐ chỉ xét tuyển một ngành với 21 chỉ tiêu).
Đặc biệt là ngành Văn hóa Dân tộc Thiểu số Việt Nam luôn nằm trong tình trạng không tuyển sinh được. ĐH Đà Nẵng cũng dành 200 chỉ tiêu NV3, đa số trường xét tuyển NV3 là các ngành sư phạm.
Trường ĐH Đồng Tháp sau khi công bố điểm chuẩn NV1 cũng đã xin vận dụng điều 33, nhưng cuối cùng các ngành sư phạm kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp vẫn phải đóng cửa do không tuyển được thí sinh. Trường ĐH Trà Vinh cũng dành 1.500 chỉ tiêu cho NV3. Tuy nhiên, với mức chỉ tiêu như thế cho dù… “vét” hết thí sinh khu vực ĐBSCL cũng khó mà tuyển đủ với hàng ngàn chỉ tiêu.
Đáng ngại nhất, đây là năm đầu tiên ĐH Ngân Hàng TP.HCM lại xét NV3 với 65 chỉ tiêu ngành Hệ thống Thông tin Quản lý. Trao đổi với PV, TS. Ngô Hướng, cho biết: “Chưa năm nào trường tôi rơi vào tình cảnh xét NV3, năm nay lại xét NV3, dù điểm xét NV3 của trường tôi rất cao, rất khó để có đủ thí sinh có số điểm cao như vậy để xét NV3 vào trường”.
ĐH ngoài công lập: “Cuộc chiến” dành thí sinh
Dự kiến, trong đợt xét tuyển NV3, “cuộc chiến” dành thí sinh của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập sẽ diễn ra rất khốc liệt. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tuyển sinh, thí sinh rất ít chọn các trường ngoài công lập, bởi đứng trước sự lựa chọn trường xét tuyển với mức điểm bằng nhau, thí sinh sẽ nghiêng về phía các trường công lập bởi học phí thấp hơn.
Chính vì vậy, các trường ngoài công lập tìm mọi cách xé rào để tìm kiếm thí sinh, còn trường ngoài công lập thì chỉ còn biết… khóc.
Các ngành sư phạm Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) chỉ xét tuyển NV1, NV2 đối với thí sinh có hộ khẩu tại Bình Dương. Tuy nhiên do số thí sinh trúng tuyển chẳng được bao nhiêu nên đến NV3 trường này đã mở rộng vùng tuyển ra phạm vi cả nước, với số lượng gần 100 chỉ tiêu/ngành với điểm xét tuyển bằng điểm sàn.
ĐH Tây Đô xét tuyển với 12 ngành hệ ĐH , CĐ với 4 ngành, điểm lấy bằng điểm sàn của bộ. Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM thông báo xét tuyển 500 chỉ tiêu NV3 vào các ngành: tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, marketing, kinh doanh quốc tế, quản trị du lịch - khách sạn, kế toán kiểm toán... hai khối A và D với điểm sàn bằng điểm sàn chung.
Tương tự, Trường ĐH Phan Thiết cũng cho biết trường sẽ xét tuyển hơn 300 chỉ tiêu NV3 ở hai bậc ĐH và CĐ đối với thí sinh dự thi hai khối A và D1 vào các ngành: tài chính - ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh (quản trị kinh doanh tổng hợp và quản trị khách sạn nhà hàng), công nghệ thông tin và tiếng Anh.
Điểm sàn xét tuyển tất cả các ngành học bằng điểm sàn chung. ĐH Tây Đô, ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu, ĐH Quang Trung, ĐH Hùng Vương, ĐH Hà Tĩnh, ĐH Quảng Nam… các trường dành hàng trăm chỉ tiêu xét NV3, điểm xét tuyển NV3 điều bằng điểm sàn của bộ.
Thanh Tàu
23/09/2011 – giaoduc.net.vn