Năm 2020, trường đại học ngừng tuyển sinh cao đẳng

Sau quá trình giảm dần mỗi năm 30% chỉ tiêu, từ năm 2020, các trường đại học sẽ không còn tuyển sinh hệ cao đẳng.

754
  Tải tài liệu

Theo quy định từ Bộ GD&ĐT, từ năm 2020, các cơ sở đại học (ĐH) sẽ không còn tuyển sinh và đào tạo hệ cao đẳng (CĐ). Do đó, nhiều trường cũng đã chủ động ngừng tuyển sinh từ năm 2019 hoặc trước đó. Hiện nay, một số trường cũng đã thông báo sẽ không tuyển hệ này cho năm 2020.

Chủ động dừng vì khó tuyển

Trước đó, cuối tháng 7-2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp của Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản đề nghị dừng tuyển sinh mới trình độ CĐ, trung cấp kể từ ngày 1-7-2019 đối với 45 cơ sở giáo dục ĐH đã được tổng cục này cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Sau đó, do nhiều đơn vị phản ứng vì thông báo đột ngột khiến các trường bị động, Tổng cục đã rút lại văn bản này và cho phép các trường tiếp tục tuyển sinh năm 2019.

Thế nhưng một số trường cũng đã chủ động dừng tuyển sinh hệ này để tập trung đào tạo cho bậc ĐH.

Như Trường ĐH Tân Trào (Tuyên Quang) ngay lập tức thông báo dừng tuyển sinh bảy ngành ngoài sư phạm gồm kế toán, quản lý đất đai, tiếng Anh, quản lý văn hóa, quản trị văn phòng, khoa học cây trồng, khoa học thư viện. Riêng các ngành hệ CĐ sư phạm vẫn tuyển sinh bình thường.

Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn cũng thông báo dừng tuyển sinh và đào tạo CĐ kể từ năm 2019 đối với tám ngành, nghề mới cấp phép từ năm 2017 như công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin... Riêng đối với các khóa đào tạo đã tuyển sinh trước ngày 1-7, trường vẫn tiếp tục đào tạo cho đến khi kết thúc khóa học và cấp bằng tốt nghiệp.

Dù không nằm trong danh sách 45 trường này nhưng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng cho biết đã ngưng tuyển sinh hệ CĐ từ năm 2019.

Bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh của trường, cho biết trước đây trường đào tạo CĐ khá lớn với 15-18 ngành, tùy nhu cầu mỗi năm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, xu hướng lựa chọn của HS vào trường chủ yếu chọn ĐH, số lượng tuyển sinh cho hệ CĐ ngày càng thu hẹp hơn, thậm chí có một số ngành không có người học. Do đó, trường chủ trương không tuyển hệ CĐ nữa để tập trung ưu tiên đào tạo hệ ĐH sao cho chất lượng.

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng có kế hoạch sẽ dừng tuyển sinh hệ CĐ từ năm 2020 để tập trung đổi mới và đào tạo cho hệ ĐH. Được biết những năm qua trường cũng đã có lộ trình giảm dần chỉ tiêu hệ này mỗi năm 25% để tiến tới bỏ hẳn đào tạo CĐ. Như năm 2019, trường cũng chỉ còn tuyển hơn 400 em cho hệ này, tập trung vào các ngành khối kỹ thuật và công nghệ.

Lo giảm nguồn thu của trường

Ngay trong dịp khai giảng đầu năm học mới 2019-2020, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã công bố thông tin sẽ dừng tuyển sinh hệ CĐ từ năm 2020. Riêng năm 2019, nhà trường tuyển được 10.200 sinh viên mới, đạt 104% chỉ tiêu, trong đó có 7.800 em bậc ĐH, còn lại là CĐ.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo của trường, cho rằng trường mới dự kiến và chưa có quyết định chính thức dừng tuyển hệ CĐ.

Tuy nhiên, theo ông Nhân, vì trường tự chủ tài chính nên việc dừng đào tạo CĐ sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của trường, việc bố trí giảng dạy cho đội ngũ cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.

“Nếu phải ngưng đào tạo, hơn 100 giảng viên chưa đạt chuẩn của trường phải đi học và bồi dưỡng chuyên môn để có thể qua dạy ĐH trở lên. Trường cũng đầu tư lại các phòng thực hành, thí nghiệm để đáp ứng cho bậc ĐH” - ông Nhân nói.

Theo ông Nhân, việc dừng đào tạo hệ CĐ trong trường ĐH cần tính toán lại. Bởi lẽ nhu cầu học CĐ của HS vào trường còn rất lớn, khi chưa cắt giảm chỉ tiêu, mỗi năm trường tuyển hơn 4.000 em.

“Nhiều ngành học như ô tô, điện tử, cơ khí... chỉ mở tuyển trong một tuần là phải dừng nhận hồ sơ vì quá đông học sinh đăng ký. Chưa kể nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cho hệ này cũng rất lớn nhưng các cơ sở dạy nghề khác chưa đáp ứng được. Trong khi trường ĐH có đội ngũ lớn, cơ sở vật chất được đầu tư, điều kiện thực hành cho các em tốt hơn” - ông Nhân phân tích.

Tuy nhiên, trước đó, trả lời báo chí, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết mục tiêu việc ngừng đào tạo CĐ trong trường ĐH không phải vì cạnh tranh nguồn tuyển. Nhưng ĐH và CĐ phải tách bạch quản trị, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn giảng viên, điều kiện đảm bảo chất lượng... để đáp ứng từng phân khúc nhu cầu.

Thứ trưởng Quân cũng cho rằng từ đây nguồn tuyển của giáo dục nghề nghiệp sẽ được mở rộng hơn chứ không chỉ từ nguồn cạnh tranh trực tiếp với giáo dục ĐH. Ngoài ra, với đề xuất mô hình đào tạo 9+ sẽ dần nâng chỉ tiêu phân luồng trong năm năm tới lên 30% học sinh hết THCS vào học nghề.

“Có thể điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ trường ĐH tốt hơn nhưng đó chỉ là một phần của chất lượng. Trong thời gian tới, trường ĐH muốn đào tạo CĐ có thể xây dựng đề án thành lập trường CĐ độc lập với các tiêu chuẩn theo quy định của giáo dục nghề nghiệp” - Thứ trưởng Quân nói.

Trường ĐH phải dừng tuyển sinh CĐ trước năm 2020

Cơ sở giáo dục ĐH không được đào tạo CĐ, trung cấp trừ các cơ sở giáo dục ĐH thuộc khối ngành II (nghệ thuật) và các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương không có cơ sở đào tạo CĐ, trung cấp khối ngành I (giáo dục và đào tạo giáo viên).

Cơ sở giáo dục ĐH đang đào tạo CĐ mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo CĐ ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015 để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2020. Cơ sở giáo dục nào đang đào tạo trung cấp phải dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017.

 (Theo Điều 6 Thông tư số 32/2015 của Bộ GD&ĐT về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục ĐH) 

PHẠM ANH
plo.vn – 07/10/2019

Bài viết liên quan

754
  Tải tài liệu