Tuyển sinh đại học 2020: Rà soát lại những ngành học khó tuyển

Theo số liệu thống kê vừa được Bộ GDĐT đưa ra trong báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2019 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2020: Tổng số thí sinh trúng tuyển nhập học năm 2019 bằng các phương thức xét tuyển đạt 77,7%. Trong đó, có gần 50%  số trường đạt trên trên 70%, có 66,2% số trường đạt trên 50% chỉ tiêu. Đáng lưu ý có 5 nhóm ngành có tỉ lệ thí sinh nhập học thấp.

391
  Tải tài liệu

Cần cơ chế đặt hàng

Cụ thể, 5 nhóm ngành ĐH có tỉ lệ tuyển sinh thấp nhất trong toàn hệ thống được chỉ ra gồm: Nhóm ngành Nông lâm nghiệp và Thủy sản, tỉ lệ nhập học đạt 32,6%; nhóm ngành Khoa học tự nhiên đạt 34,58%; Môi trường và bảo vệ môi trường đạt 45,28%; Dịch vụ xã hội đạt 45,71% và Khoa học sự sống đạt 50,04%.

Thực tế cho thấy, những mùa tuyển sinh vừa qua  một số ngành của các trường ĐH đang trong tình trạng khó tuyển sinh. Nếu tiếp tục đào tạo, các trường sẽ phải bù lỗ kinh phí cho những ngành khó tuyển sinh, còn nếu tạm thời đóng cửa, dừng tuyển sinh sẽ là một điều đáng tiếc bởi đây là những ngành truyền thống, có thế mạnh về đào tạo. Vì thế, nên đóng cửa ngành hay tiếp tục tuyển sinh là bài toán đau đầu với lãnh đạo nhiều trường hiện nay.

Đơn cử như trong phương án tuyển sinh 2020 đã công bố, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM quyết định ngưng tuyển sinh 2 ngành Công nghệ vật liệu dệt may và Kỹ thuật nữ công. Hay Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng quyết định tạm dừng tuyển sinh một vài ngành trong năm tới như Ngôn ngữ Pháp, Xây dựng cầu đường... Lý do những năm gần đây các ngành này khó tuyển.

Tại Hội nghị trực tuyến công tác tuyển sinh ĐH, CĐ 2020 do Bộ GDĐT vừa  tổ chức, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, Bộ GDĐT cần rà soát những ngành khó tuyển nhưng xã hội đang cần nhân lực để đề xuất chủ trương, nhằm khắc phục bất cập trong đào tạo ở 5 nhóm ngành trên. Theo đó, những ngành mà xã hội cần nhân lực phải có cơ chế “đặt hàng” các cơ sở đào tạo hoặc có chính sách hỗ trợ.

Phân tích tại Hội nghị, các ý kiến khác cũng cho rằng, nguồn tuyển khan hiếm là một trong những cản trở để duy trì, nâng chất lượng đối với các nhóm ngành đào tạo này.

Chú trọng xây dựng đề án tuyển sinh

Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác tuyển sinh 2020, theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ: Khi xây dựng phương án tuyển sinh, các cơ sở đào tạo cần phải tính toán kĩ việc mở ngành, tránh tình trạng chỉ căn cứ vào một số nhu cầu nhất thời của một số đơn vị mà mở ra một ngành mới; không đưa ra tổ hợp xét tuyển thiếu cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn. Thực trạng có trường xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh trong phương án tuyển sinh chưa sát với thực tiễn, dẫn đến nhu cầu người vào học ít, một số trường căn cứ vào đó để hạ ngưỡng đầu vào.

Theo đó, việc một số cơ sở giáo dục ĐH đưa ra những tổ hợp xét tuyển không phù hợp với ngành đào tạo, dẫn đến băn khoăn, bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục ĐH cũng được yêu cầu không để lặp lại trong năm 2020.

Ông Nhạ đề nghị Vụ Giáo dục ĐH phối hợp với các vụ, cục khác hỗ trợ các trường ngay từ khâu hướng dẫn xây dựng đề án tuyển sinh (không phải có đề án xong mới báo lên để thẩm định), để từ đó có được phương án tuyển sinh tốt. Cùng với đó, mọi thông tin liên quan đến đề án tuyển sinh phải minh bạch. Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan kiểm tra giữa thông tin được kê khai trong phương án tuyển sinh với thông tin đăng mạng. Cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm về tính trung thực để người đăng ký dự thi nghiên cứu, tham khảo.

Riêng với một số ngành đặc thù, Quy chế tuyển sinh vẫn tiếp tục phải bảo đảm chất lượng, nên có ngưỡng điểm sàn cho ngành sư phạm. Ông Nhạ nhấn mạnh: Bây giờ không phải là tiếp cận theo hướng nhất quyết phải tuyển đủ chỉ tiêu, đông người học mà là tuyển người học có chất lượng không. Người học đông nhưng chất lượng đầu ra không đảm bảo thì cũng sẽ khó được thị trường lao động chấp nhận.

Hội nghị trực tuyến nói trên nhằm ghi nhận những ý kiến đóng góp, hoàn thiện Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2020. Hi vọng những bất cập, hạn chế trong thực tiễn tuyển sinh sẽ sớm được bổ sung, sửa đổi cho sát với thực tiễn. Từ đó, người học cũng đang đặt nhiều nhiều kỳ vọng về mùa tuyển sinh mới với những thay đổi lớn hướng tới chất lượng đào tạo.

Chú trọng chấm thi trắc nghiệm 

Tại Hội nghị, góp ý vào dự thảo Quy chế tuyển sinh 2020, GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: Cần chú trọng công tác chấm thi, nhất là chấm bài thi trắc nghiệm. Thực tế cho thấy, các địa phương sử dụng máy quét bài thi trắc nghiệm khác nhau nên việc tổ chức tập huấn là cần thiết. Ngoài ra, việc hướng dẫn thí sinh đăng ký cũng rất cần các Sở GDĐT và trường THPT hỗ trợ, tránh sai sót hoặc nhầm lẫn, dẫn đến phiền phức cho thí sinh sau này. Mặt khác, cần nâng cao hơn nữa phần mềm liên hệ giữa Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) với các trường ĐH.

Minh Quang
daidoanket.vn – 15/02/2020

Bài viết liên quan

391
  Tải tài liệu