Tuyển sinh trường nghề: Sinh viên theo học vì cam kết không thất nghiệp
Đến thời điểm này, nhiều trường đại học (ĐH) vẫn đang tiếp tục xét tuyển bổ sung thí sinh thì một số trường cao đẳng (CĐ) nghề đã tuyển đủ học sinh và tổ chức khai giảng sớm. Chất lượng đào tạo và cam kết không để sinh viên thất nghiệp chính là yếu tố giúp các trường nghề thu hút học viên.
Những tín hiệu vui
Năm nay tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường CĐ cơ điện Hà Nội là 1500 học sinh. Hiện đã có 1900 hồ sơ đăng ký nhập học, vượt 400 chỉ tiêu. Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau đợt 1 xét tuyển đã có 800 thí sinh nhập học và đào tạo chuyên môn ngay. Dự kiến đầu tháng 9 trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt 2 xét tuyển. Năm ngoái khoảng 33 tỉnh thành có sinh viên học tập tại trường. Năm nay, có 39 tỉnh với những sinh viên đến từ miền Trung, miền Nam, thậm chí cả miền Tây. Phổ điểm về cơ bản cao hơn một chút, mọi năm khoảng 15 điểm hoặc dưới một chút. Điểm trung bình khoảng 16 điểm.
Còn tại Trường CĐ nghề Bách khoa, nhiều ngành có điểm đầu vào vượt cả điểm sàn ĐH. Ông Dương Đức Hồng- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường quy định điểm sàn từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019 cho các ngành kỹ thuật là 5.4 điểm/môn. Tức điểm đầu vào trên 15. Tuy nhiên, nhiều thí sinh trúng tuyển với số điểm từ 18 đến 21.
Bà Phạm Thị Lan Phương- Hiệu trưởng Trường Cơ khí nông nghiệp (huyện Vĩnh Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, năm nay tuyển sinh trường nghề có những tín hiệu đáng mừng bởi các em đã có định hướng ngay từ đầu chứ không phải chờ rớt ĐH mới đi học nghề. Cụ thể, nhiều thí sinh đã nộp hồ sơ vào trường nghề trước khi có kết quả xét tuyển vào ĐH.
“Đến thời điểm này nhà trường đã tuyển được 80% so với chỉ tiêu đề ra, đạt 1.000 sinh viên so với 1.300 chỉ tiêu. Năm nay người học có nhận thức rõ ràng hơn về mục tiêu của mình. Trong đợt nhập học này số lượng học sinh sinh viên đông nhất từ trước đến nay”- bà Phương cho biết.
Không để sinh viên thất nghiệp
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN- Bộ LĐTBXH), trong 2 năm 2018, 2019 kế hoạch tuyển sinh đào tạo nghề đều vượt kế hoạch đề ra. Ông Trương Anh Dũng -Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, trước đây các trường ĐH tuyển sinh xong mới đến các trường nghề. Những em không đỗ ĐH mới vào trường nghề học. Mấy năm trở lại đây đã có sự thay đổi. Tính đến hết tháng 8 này các trường nghề đạt vượt 10% so với chỉ tiêu tuyển sinh của năm trước. Nhiều trường nghề đã tuyển đủ học sinh. Nhiều trường nghề đã tổ chức khai giảng sớm, có sự phân hóa trong ngành nghề đào tạo rất rõ. Những ngành liên quan đến kinh tế mũi nhọn của đất nước như công nghệ thông tin du lịch đông học sinh hơn. Những ngành nghề kinh tế kinh doanh, quản trị kế toán trong hệ đào tạo cao đẳng trung cấp giảm rất nhiều. Giữa các trường CĐ cũng có sự phân cấp với nhau.
Trong khi nhiều trường ĐH hạ điểm chuẩn để vét thí sinh thậm chí phải tuyển bổ sung hàng nghìn chỉ tiêu thì công tác tuyển sinh của nhiều trường nghề khởi sắc với số lượng đầu vào tăng từ 20-30% so với mọi năm. Tại nhiều trường CĐ có thương hiệu, điểm trúng tuyển ngang bằng với các trường ĐH.
Lý giải nguyên nhân để trường tuyển sinh tốt, bên cạnh công tác truyền thông thì nhờ có những đổi mới trong tuyển sinh, năm nay Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội cũng dồi dào nguồn tuyển. Cụ thể, trường tiếp tục nhận hồ sơ tới hết tháng 9 nhưng hiện đã có 800 thí sinh nhập học trên 1.100 chỉ tiêu tuyển sinh. Điểm xét tuyển học bạ của các ngành cao hơn so với năm ngoái với nhiều em đạt 17 điểm. Có những thí sinh có điểm thi THPT quốc gia 2019 từ 22 đến 24 điểm vẫn nộp hồ sơ vào trường.
Theo ông Đồng Văn Ngọc, thương hiệu mỗi trường chính là yếu tố thu hút học sinh. Nhưng để làm nên thương hiệu thì chất lượng đào tạo và cam kết đầu ra cho sinh viên là nguyên nhân chính. Tôi là người trực tiếp ký cam kết việc làm là không để sinh viên nào thất nghiệp. Nếu thất nghiệp chúng tôi trả lại học phí. Nhưng câu chuyện này không bao giờ xảy ra vì chúng tôi quản trị rất tốt hoạt động nhà trường hợp tác với doanh nghiệp. Nhiều trường hợp năm nay chúng tôi áp dụng chính sách kiểm sinh kèm tuyển dụng. Như nghề hàn, khi sinh viên vào thì biết ngay doanh nghiệp nào đỡ đầu và họ sẵn sàng tài trợ tiền học phí và sinh viên phải ký cam kết với doanh nghiệp là sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc cho doanh nghiệp 5 năm. Với chính sách đó, sẽ làm tăng cường thêm cho nhà trường.
Trong năm 2019, số thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp chiếm đến 27,8%, cao hơn nhiều so với 2 năm trước. Bên cạnh số thí sinh trực tiếp tham gia ngay thị trường lao động không qua đào tạo thì nhiều em tự lựa chọn học nghề. Tuy nhiên, sự khởi sắc trong tuyển sinh trường nghề không phải là bức tranh chung ở tất cả các trường CĐ. Điều đó cho thấy sự phân hóa rõ nét giữa các cơ sở GDNN và càng khẳng định, chất lượng đào tạo và danh tiếng của mỗi nhà trường là điều quan trọng trong tình hình tuyển sinh ngày càng cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Thu Hương
daidoanket.vn – 03/09/2019
Bài viết liên quan
- Tuyển sinh đại học: Không thể dựa hoàn toàn vào kỳ thi trung học phổ thông
- Đổi mới tuyển sinh vào các trường CAND: Sẽ hạn chế tuyển đầu vào với HS phổ thông?
- Tuyển sinh đại học 2019: Bộ siết đầu vào, khối ngành y dược lao đao
- Xét tuyển đợt 2 đại học: Thí sinh không còn cửa vào trường Top
- Tuyển sinh cao đẳng nghề: Điểm trúng tuyển ngang đại học