Tuyển sinh đại học 2019: Bộ siết đầu vào, khối ngành y dược lao đao

Dù đã kết thúc xét tuyển đại học đợt một nhưng nhiều trường đào tao khối ngành y dược vẫn đang chật vật xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên, nguồn tuyển cũng khá khan hiếm khi năm nay, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo áp quy định về điểm sàn riêng cho khối ngành này với mức điểm tối thiểu từ 18 điểm trở lên.

538
  Tải tài liệu

Dưới 18 điểm, không có cửa đỗ trường y

Điểm mới đáng lưu ý nhất trong mùa tuyển sinh đại học năm 2019 với thí sinh và các trường có đào tạo khối ngành y dược là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lần đầu tiên đưa quy định áp quy định điểm sàn riêng cho khối ngành này.

Theo đó, với phương thức xét tuyển theo điểm thi Trung học phổ thông quốc gia, điểm sàn của ngành Y khoa 21 là điểm; Răng Hàm Mặt là 21 điểm; Y học cổ truyền 20 điểm; Dược học 20 điểm. Các ngành Y học dự phòng, Hộ sinh, Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng là 18 điểm. Mức điểm sàn này áp dụng cho tất cả tổ hợp xét tuyển. Mức điểm tối thiểu không nhân hệ số của thí ở khu vực 3 đối với mỗi tổ hợp xét tuyển gồm ba môn thi, bài thi.

Việc áp sàn riêng của Bộ dựa trên kiến nghị của Hiệp hội Hiệu trưởng các trường y dược và đề xuất của Bộ Y tế, nhằm chấm dứt tình trạng nhiều trường đại học nhóm dưới ồ ạt mở ngành y và lấy điểm chuẩn rất thấp. Theo lãnh đạo các trường đại học y và đại diện Bộ Y tế, y học là ngành đặc thù, liên quan trực tiếp đến tính mạng người dân. Vì thế, chất lượng đào tạo nhân lực ngành y có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, do theo quy định của Chính phủ, đây là nhóm ngành được thu học phí cao nên rất nhiều trường đã tham gia đào tạo và lấy điểm chuẩn thấp để thu hút thi sinh.

Năm 2018, điểm chuẩn ngành Điều dưỡng, Dược học của Đại học Kinh doanh và công nghệ chỉ 16 điểm. Đây cũng là mức điểm chuẩn ngành Dược học của Đại học Nguyễn Tất Thành. Tại Đại học Điều dưỡng Nam Định, điểm chuẩn các ngành Y tế công cộng và Dinh dưỡng chỉ 15 điểm, ngành Hộ sinh nhỉnh hơn với 15,75 điểm. Điểm chuẩn ngành Điều dưỡng của Đại học Duy Tân thậm chí chỉ ở mức 13 điểm, đồng nghĩa với việc thí sinh chỉ cần đạt hơn 4 điểm/bài thi, thậm chí chỉ hơn 3 điểm/bài thi nếu thí sinh được cộng điểm ưu tiên, là đủ điểm đỗ.

Không chỉ năm 2018, điểm chuẩn khối ngành y, dược thấp là tình trạng diễn ra trong nhiều năm, khiến dư luận không khỏi lo ngại về chất lượng nhân lực ngành y, những người có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng người dân.

Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định siết chặt đầu vào khối ngành y dược bằng việc áp điểm sàn riêng cho từng ngành cụ thể với mức sàn từ 18 điểm trở lên, chấm dứt tình trạng 4 hay 5 điểm/môn cũng đủ đỗ trường y.

Trường đại học “đói” sinh viên

Việc buộc phải lấy điểm chuẩn từ 18 điểm trở lên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lập tức khiến các trường đại học có đào tạo khối ngành y dược lao đao vì không tuyển được sinh viên, đặc biệt là các trường nhóm dưới. Kết thúc xét tuyển đợt một, hàng loạt trường đã phải công bố xét tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu, trong đó có cả các trường công và trường tư.

Ở khối công lập, dù có mức học phí thấp hơn nhưng nhiều trường vẫn “đói” thí sinh. Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương tuyển bổ sung 50 chỉ tiêu cho ngành Điều dưỡng. Đại học Y khoa Vinh (Nghệ An)  tuyển bổ sung 265 chỉ tiêu cho hai ngành hệ đại học là Y học dự phòng và Điều dưỡng; ba ngành hệ cao đẳng là Điều dưỡng và Dược học, Kỹ thuật hình ảnh y học. Đại học Điều dưỡng Nam Định tuyển bổ sung 253 chỉ tiêu.

Với các trường ngoài công lập, vốn có mức học phí cao hơn và thương hiệu thấp hơn, tình trạng trống chỉ tiêu sau đợt một còn lớn hơn nhiều. Đại học Phenikaa vẫn chỉ tuyển được một phần ba chỉ tiêu cho ngành Dược học và Điều dưỡng. Tổng chỉ tiêu mỗi ngành là 300 sinh viên, nhưng trường phải công bố xét tuyển bổ sung 200 chỉ tiêu mỗi ngành, cao gấp 4 lần số chỉ tiêu bổ sung của các ngành học khác.

Đại học Nguyễn Tất Thành có 7 ngành khối sức khỏe thì cả 7 ngành đều thiếu chỉ tiêu sau đợt bột và phải xét tuyển bổ sung. Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam cũng phải tuyển bổ sung cho cả 5 ngành đào tạo. Đại học Tân tạo tuyển bổ sung ngành Y khoa, Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm Y. Đại học Quốc tế Hồng Bàng tuyển bổ sung 5 ngành là Răng Hàm Mặt, Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học, Kỹ thuật Phục hồi chức năng và Dược học. Đại học Phan Châu Trinh tuyển bổ sung ngành Y khoa, Điều dưỡng và Kỹ thuật Xét nghiệm Y học. Đại học Duy Tân tuyển bổ sung khối ngành sức khỏe gồm ngành Y khoa, Răng-hàm-mặt, Dược học và Điều Dưỡng.

Tuy nhiên, lãnh đạo các trường cũng băn khoăn vì dù xét tuyển bổ sung, điểm chuẩn vẫn phải tuân thủ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là từ 18 điểm. Trong khi đó, với mức điểm này, các thí sinh có rất nhiều lựa chọn. Vì thế, việc đủ chỉ tiêu sau khi xét bổ sung cũng là một bài toán khó.

Tuyết Mai
ngaynay.vn – 29/08/2019

Bài viết liên quan

538
  Tải tài liệu