Lãng phí đầu tư trường nghề: Bộ trưởng LĐ-TB&XH nói gì?
Lãng phí đầu tư trường nghề: Bộ trưởng LĐ-TB&XH nói gì?
Các bộ, ngành, địa phương đầu tư ngân sách thành lập trường dạy nghề, nhưng xác định không đúng nhu cầu, thiết bị mua về sử dụng không hiệu quả. Điều này dẫn tới nhiều trường không tuyển được học viên, gây lãng phí.
Trước thực tế này, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đã chất vấn riêng Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền về tình trạng lãng phí trong thành lập, xây dựng cơ sở vật chất các trường dạy nghề và trong đào tạo nghề. Đặc biệt, khi trường được thành lập nhưng không tuyển đủ học sinh, sinh viên, phải ngừng hoạt động; học sinh, sinh viên tốt nghiệp không có việc làm do đào tạo không phù hợp nhu cầu xã hội.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, bộ nhận thấy còn tình trạng cơ sở dạy nghề được thành lập, đầu tư xây dựng nhưng không tuyển đủ học sinh, sinh viên. Thậm chí, có trường hợp thành lập nhưng chưa tuyển sinh được, gây lãng phí (tập trung nhiều ở các trường tư thục).
Bộ trưởng Chuyền dẫn chứng, giai đoạn 2011-2015, cả nước có 14 trường cao đẳng (CĐ) nghề thành lập, nhưng chưa tuyển được học sinh học nghề trình độ CĐ, trung cấp nghề (trong đó có 5 trường công lập).
Đặc biệt, trường CĐ Nghề Đại An, Công nghệ Licogi và Nghề Hàng hải Vinalines (đều tư thục) thành lập từ năm 2008 tới nay chưa đi vào hoạt động, do kinh tế khó khăn, chủ đầu tư không bố trí được nguồn lực đầu tư theo cam kết.
Ngoài ra, Trung ương Hội Nông dân và 9 tỉnh thành (Bắc Kạn, Bắc Giang, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Nghệ An, Quảng Nam, Đồng Tháp) xác định chưa chính xác nhu cầu dẫn tới nhiều thiết bị đã mua sắm đào tạo nghề sử dụng không hiệu quả, do không phù hợp thực tế. “Bộ LĐ-TB&XH sẽ chỉ đạo kiểm tra cụ thể với từng đơn vị để cùng các bộ ngành, địa phương có phương án quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị đã đầu tư”, bà Chuyền cho biết.
Ngoài ra, theo bà Chuyền, bộ đã có văn bản đề nghị các bộ ngành, địa phương căn cứ nhu cầu nhân lực và thực trạng của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn để rà soát, kiểm tra, đánh giá các cơ sở dạy nghề thuộc phạm vi quản lý.
Từ đó có phương án sắp xếp lại các cơ sở dạy nghề, như sáp nhập, giải thể các cơ sở hoạt động không hiệu quả; không thành lập thêm các cơ sở công lập (chỉ xem xét thành lập, nâng cấp từ trung cấp lên CĐ nghề đối với các cơ sở tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư).
Một số tỉnh thành đã thống nhất sáp nhập các trường nghề hoạt động kém hiệu quả vào các trường tốt hơn, như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Đồng Nai, Hậu Giang, Cần Thơ…
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước có 190 trường CĐ nghề (142 trường công lập); 280 trường trung cấp nghề (178 trường công lập); 997 trung tâm dạy nghề (653 trung tâm công lập).
Riêng giai đoạn 2011-2015, cả nước đã thành lập mới 16 trường CĐ, 19 trường trung cấp nghề. Công tác dạy nghề thời gian qua đã được nâng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho nền kinh tế.
Lê Hữu Việt
(tienphong.vn)