Hơn 80% giới trẻ không dám dấn thân vào đời
Hơn 80% giới trẻ không dám dấn thân vào đời
Hơn 80% học sinh, sinh viên Việt Nam lạc quan và có nhiều ước mơ đẹp cho tương lai, nhưng lại thiếu hẳn khả năng hoạch định tương lai, đặc biệt là kỹ năng mềm và thái độ dám dấn thân vào đời.
Đó là kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TPHCM) công bố ngày 9/10 về nghiên cứu “Nhận thức & thái độ của học sinh/ sinh viên về định hướng tương lai” thực hiện trên 2.000 học sinh THPT và Sinh viên tại 4 thành phố lớn bao gồm TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Dung Viện nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TPHCM) người trực tiếp khảo sát nghiên cứu đề tài này cho biết: “Nghiên cứu này xuất phát từ kết quả nghiên cứu của công ty Research International về chỉ số tập trung của giới trẻ châu Á. Theo đó, chỉ 28% bạn trẻ Việt Nam được phỏng vấn cho biết có thể tập trung hoàn toàn trong những hoạt động hàng ngày, 72% còn lại cho biết cảm thấy khó khăn khi phải tập trung vào các việc như học hành và ngay cả trong giao tiếp".
Trong khảo sát nghiên cứu của Viện nghiên cứu giáo dục cho thấy, hơn 80% HSSV Việt Nam lạc quan và có nhiều ước mơ đẹp cho tương lai nhưng lại thiếu hẳn khả năng hoạch định tương lai, đặc biệt là kỹ năng mềm và thái độ dám dấn thân vào đời. Thay vào đó, 75,4% các em vẫn mong muốn tiếp tục học lên và 23,2% mong muốn đi du học như một cách để trang bị cho tương lai. Thực tế ấy đã ảnh hưởng không ít đến việc phát huy tiềm năng, định hướng nghề nghiệp và thực hiện ước mơ của các em.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy hầu hết HSSV Việt Nam vẫn còn mơ hồ về hướng đi và mục tiêu phấn đấu của mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điển hình như để chuẩn bị cho sự nghiệp các em còn nhận thức mơ hồ về các yêu cầu mà việc làm đòi hỏi; chỉ biết tập trung vào học các kiến thức chuyên môn, chưa coi trọng các kỹ năng mềm. Thể hiện là hơn 83% HSSV cho biết dự định tương lai của mình là học giỏi các môn học tại trường, 92% cho biết cần học giỏi ngoại ngữ, 86% học vi tính, 83% theo dõi phương tiện thông tin đại chúng để tìm việc làm. Các em chưa đánh giá cao việc tham gia các câu lạc bộ đội nhóm hay những hoạt động xã hội giúp phát triển kỹ năng mềm.
Trong nghiên cứu này, phần lớn HSSV thừa nhận vai trò của nhà trường, giáo viên trong việc định hướng nghề nghiệp là rất ít. Chủ yếu các em chịu tác động từ gia đình. Do vậy, việc nhà trường tham gia vào dạy những kỹ năng mềm quan trọng là điều cần thiết hiện nay - TS Nguyễn Kim Dung, khẳng định.
Về việc dạy kỹ năng phần mềm cho học sinh, theo Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, ông Nguyễn Tùng Lâm, cho biết: “Hệ thống tư vấn của các trường hiện nay rất kém, thậm chí chính giáo viên cũng không biết mình phải tư vấn gì cho các em. Vì vậy, ngoài việc trang bị cho giáo viên những kiến thức kỹ năng mềm thì phải có các hoạt động cho HSSV cọ xát với thực tế, tham gia sinh hoạt trong cộng đồng chứ không phải là các bài giảng khô cứng, gây quá tải về kiến thức cho các em hiện nay”.
Còn TS. Hồ Thiệu Hùng - nguyên Giám đốc Sở GD & ĐT TPHCM cho rằng: “Bạn trẻ nào cũng có ước mơ, và để giải mã “hộp đen” ước mơ ấy ngoài việc cần dấn thân cho ước mơ các em cần được trang bị các kỹ năng mềm cần thiết cho nghề nghiệp tương lai. Đã đến lúc cần sự hỗ trợ & quan tâm đúng mức của toàn xã hội để thắp sáng ước mơ của các em bằng hành động cụ thể”.
Ông Hùng băn khoăn đặt câu hỏi, trường học chúng ta trang bị thứ gì cho học sinh? Ông dẫn dụ, thông thường giáo viên và xã hội bao giờ cũng đánh giá cao khả năng của những học sinh học giỏi toán, giỏi văn. Thầy cô thường tiên đoán các em này có tương lai hơn, thành đạt hơn so với những em không giỏi các môn ấy. Điều tiên đoán này thường khiến giáo viên có sự đánh giá “không công bằng” với các em thuộc diện sau, dù các em này có giỏi thể dục thể thao, nghệ thuật hay giỏi trong ứng xử hay có “tài vặt” nào đó.
Ông Hùng cho rằng: “Thực tế cho thấy những em học sinh xuất sắc về các môn học được coi trọng ấy thì sau này ra đời thường là người thành đạt (ở các cấp độ cao thấp khác nhau) trong nghiên cứu khoa học, trong giảng dạy. Một xã hội văn minh đòi hỏi có nhiều người thành đạt ở các cấp độ khác nhau trong các mặt hoạt động khác nhau của xã hội, từ buôn bán đến sản xuất, từ bóng đá đến âm nhạc, từ báo chí đến nấu ăn, từ triết học đến quản lý xã hội…Biết bao lĩnh vực đã có những người thành đạt, thậm chí rất thành đạt, song ta hãy để ý - những người này thời còn trên ghế nhà trường vốn là học sinh không thuộc loại xuất sắc”.
Điều này chứng tỏ trường chúng ta còn dạy thiếu một cái gì đó, cách đánh giá về trình độ học sinh còn có khiếm khuyết gì đó. Có thể đó là do mải trang bị năng lực mà chúng ta bỏ qua trang bị cho học sinh quyết tâm và cách tìm cơ hội - ông Hùng cho hay.
Hồng Hạnh (dantri.com.vn)