Chọn nghề hay để nghề chọn?

Chọn nghề hay để nghề chọn?

587
  Tải tài liệu

Bước sang đầu học kỳ II là thời điểm mà phụ huynh (PH), học sinh (HS) năm cuối cấp THPT chộn rộn với câu chuyện chọn ngành, chọn nghề, chọn trường để đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ. Chọn ngành, nghề yêu thích hay chọn ngành, nghề đang thời thượng của xã hội là nỗi băn khoăn của không ít HS và PH có con em đang theo học lớp 12.

Số HS xác định ngay từ đầu ngành, nghề yêu thích, quyết tâm dấn thân theo đuổi đến cùng không nhiều. Vì chưa xác định được ngành nghề yêu thích, nhiều em đã được cha mẹ, thầy cô tư vấn nên đăng ký dự thi những ngành, nghề có tổ hợp môn phù hợp với năng lực học tập của mình để nắm chắc phần đỗ ĐH, CĐ nguyện vọng 1 với quan niệm: "Miễn vào được ĐH rồi tính tiếp". Đến lúc bước chân vào giảng đường ĐH với môi trường học tập hoàn toàn khác THPT, các em mới nhận ra đã chọn sai ngành nghề, rằng chỉ vì sĩ diện bản thân và gia đình muốn có cái "mác ĐH" cho bằng bạn, bằng bè…

Mùa tuyển sinh năm 2017 vừa qua, có không ít SV đang theo học năm thứ nhất, thứ hai đã lén gia đình đăng ký thi lại để được học đúng ngành, nghề, trường mà mình yêu thích. Chuyện SV đang học ĐH quyết định thôi học, "tạt ngang", "tạt xuống" học nghề yêu thích để lập nghiệp không còn là hiện tượng hiếm trong đời sống hiện nay. Qua tham khảo, một số SV tâm sự, nếu học 4 năm ĐH ra trường không có việc làm, phải đi làm những công việc không đúng chuyên ngành đào tạo thì thà vào đời lập nghiệp trước để tích lũy kinh nghiệm, vốn sống, tài chính rồi học tiếp vẫn chưa muộn. Bởi sự học là suốt đời. Cũng có không ít SV tâm sự, họ cảm thấy hụt hẫng, thất vọng với môi trường đào tạo ở bậc ĐH, CĐ bởi kiến thức nặng về lý thuyết, hàn lâm, thiếu thực hành, thực tế, có những môn học không cần thiết với chuyên môn mà các em muốn học...

T. từng là SV ngành Kinh tế du lịch hệ CĐ của một trường ĐH tư trên địa bàn TP Đà Nẵng, cho biết: Sau khi tốt nghiệp, không tìm được việc làm, cô xin vào làm phục vụ tại nhà hàng. Tại đây, cô đã phát hiện ra nghề mình yêu thích chính là pha chế thức uống và nấu ăn. T. tâm sự: "Khi học lớp 12 em vẫn chưa xác định mình yêu thích, muốn làm nghề gì. Nghe mọi người khuyên nên đăng ký dự thi ngành kinh tế du lịch ra trường dễ xin việc làm, vì Đà Nẵng đang phát triển ngành du lịch, thế là đăng ký thôi. Đến khi bước vào môi trường học tập mới, em mới nhận ra đó không phải là nghề mình yêu thích, nhưng vẫn phải theo học để cha mẹ không buồn lòng. Học xong, ra trường chạy đôn chạy đáo vẫn không xin được việc làm, em xin vào làm phục vụ tại một nhà hàng, rồi phát hiện ra được nghề mình muốn theo đuổi… Tuy nhiên, em cũng không hối tiếc những năm tháng ngồi trên giảng đường, bởi lẽ kiến thức là vô tận, hiểu biết thêm một ngành, nghề nào đó cũng rất tốt. Dù vậy, em vẫn nghĩ, tốt nhất là nên học đúng ngành nghề mình yêu thích để đỡ tốn tiền của, công sức và thời gian!".

Vẫn biết ở nước ta, câu chuyện bằng cấp còn được đặt nặng trong khâu tuyển dụng lao động, tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, xã hội hiện rất cần những lao động có tay nghề giỏi, có kỹ năng mềm tốt. Trước khi đăng ký dự thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, HS khối lớp 12 hãy cân nhắc, chọn học đúng ngành nghề yêu thích để không phải hối tiếc sau này!

KHÁNH YÊN
Nguồn: cadn.com.vn – 01/01/2018

Bài viết liên quan

587
  Tải tài liệu