“Háo danh chứ không phải hiếu học”

“Háo danh chứ không phải hiếu học”

757
  Tải tài liệu

Đó là nhận định của nhà giáo lão thành Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội khi nói về sự “hiếu học” trong xã hội ngày nay.

Ông Văn Như Cương nói: Thích học, hiếu học là truyền thống lâu đời của dân ta và là một truyền thống tốt đẹp. Bên cạnh đó là truyền thống tôn sư trọng đạo. Thời phong kiến, phụ huynh cho con đi học chủ yếu mong muốn con biết chữ để biết nghĩa, biết cách sống, biết đối nhân xử thế, tuy cũng có một bộ phận nhỏ học để làm quan. 

Hết thời phong kiến, dân tộc ta chuyển sang chủ nghĩa lý lịch, lúc đó bằng cấp cao không được ưu tiên. Nhưng gần đây khi chuyển sang cơ chế thị trường,  hiếu học nhuốm một màu sắc khác, hiếu học mang chủ nghĩa bằng cấp. Đây chính là nguyên nhân đẩy tính hiếu học sang hướng khác.

Hiếu học nhuốm màu sắc khác! Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Tôi nói vậy vì hiện nay, ai cũng muốn học ĐH. Ở các nước khác ví dụ như  Đức, học hết THCS có thể chọn  phổ thông có dạy nghề  hoặc THPT tinh hoa để đi tiếp lên ĐH. Cả xã hội không phải đau khổ để vào ĐH vì học xong THPT nghề ra trường sớm hơn, có việc làm nhanh hơn, kiếm tiền sớm hơn. Còn ở Việt Nam học hết THCS phải lên THPT, học xong THPT phải lên ĐH. Gia đình khó khăn đến mấy cũng phải bán nhà, bán đất để cho con vào ĐH. Học xong ĐH thất nghiệp vẫn cứ học. Vậy sự hiếu học đó là lạc hậu!

Không những thế, học ngành không thích nhưng vẫn mong vào ĐH còn mục tiêu học để làm gì không cần quan tâm. Nên mới có chuyện vào ĐH chọn ngành chọn nghề rất lạ. Quy định của Bộ GD&ĐT năm nay cho phép thí sinh chọn một trường có 4 nguyện vọng vào khoa này khoa kia, chứng tỏ ngay trong quan niệm của Bộ cũng chỉ cần vào được ĐH. Tại sao không phải là chọn ngành, chọn một nghề yêu thích? Mục tiêu cuối cùng chỉ là vào ĐH để có bằng.  Đó là một cách tư duy rất lạc hậu. Trong khi đó, ai cũng biết ĐH không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp.

Điều đó có thể hiểu là gì, thưa ông?

Là mục đích của hiếu học để có danh hão. Quan niệm này tôi không biết có từ khi nào. Giới thiệu đại biểu mà quên không kèm giáo sư, tiến sĩ là rất phiền. Cardvisit cũng phải đủ chức danh. Đây là  háo danh chứ không phải hiếu học. Đi học vì cái danh đó. Đi học ĐH, thậm chí cao hơn là để oai, không phải để cải thiện đời sống, nâng cao kiến thức. Mục đích học không ổn. Đó là quan niệm của dân nhưng cấu trúc hệ thống giáo dục cũng làm người dân củng cố được chuyện đó! ĐH mọc ra như nấm, đôi lúc biết trường ĐH đó chất lượng không tốt nhưng cứ tặc lưỡi mà học. Đến khi ra trường, vấp phải sự phản đối của đơn vị sử dụng lao động thì xã hội lại lên án. Chính vì vậy, con số thất nghiệp ngày càng tăng.

Ông có  tin vào con số thất nghiệp được công bố hiện nay không, thưa ông?

Tôi không trực tiếp thống kê nhưng tôi nghĩ con số đó là thực.

Xã hội phải gánh hậu quả gì với bệnh háo danh này, thưa ông?

Hậu quả rõ nhất là năng suất thấp, không làm được việc. Tôi không ngạc nhiên là lương của Singapore cao hơn chục lần vì năng suất lao động của người Việt thấp hơn họ 15 lần. Chưa nói đến trình độ, thái độ làm việc của lao động Việt Nam cũng chưa ổn. Nói sáng vác ô đi tối vác về là rất đúng. Những người ngồi ở bộ phận hành chính sự nghiệp một ngày làm được mấy công việc?

Tư tưởng đó xuất phát từ đâu, thưa ông?

Do cách bổ nhiệm, sử dụng cán bộ. Một thời gian dài chúng ta tuyển dụng của cán bộ không có phỏng vấn. Chỉ xét hồ sơ đưa lên.

Sự hiếu học lạc hậu như ông nói có biểu hiện ở bậc phổ thông không?

Nó được thể hiện trong ý thức của mỗi phụ huynh. Họ muốn con em mình học hết tiểu học sẽ lên THCS, học hết THCS phải lên THPT, học hết THPT phải vào ĐH. Như vậy, tư tưởng toàn xã hội là đi một đường thẳng từ lớp 1 đến ĐH cho có bằng cử nhân. Nếu có bằng cử nhân mà chưa có việc thì học thạc sĩ cho oai!

Tư tưởng này làm công tác phân luồng rất khó?

Đúng là rất khó. Bộ GD&ĐT đưa ra phần luồng nếu không cẩn thận vẫn không thực hiện được. Thay đổi quan điểm hiểu học một cách tiến bộ của dân quả thực không dễ.

Ông có hiến kế như thế nào để giải quyết được thực trạng này?

Một là phải tổ chức hệ thống trường dạy nghề quy củ, bài bản, hiệu quả. Phải có chính sách đãi ngộ để cho người học từng bước thay đổi quan niệm việc học. Ngoài ra, để thay đổi tư duy này, đôi lúc cũng phải áp đặt và ở cấp THPT phải có sự phân nhánh và có sự phân loại học sinh. Hệ thống  các trường cũng phải linh hoạt hơn.

Có cần cấu trúc lại hệ thống giáo dục phổ thông, thưa ông?

Tôi nghĩ cần phải cấu trúc lại. Đổi mới chương trình SGK hiện nay mới chỉ tập trung phân hóa học sinh, không phải phân luồng, nó chỉ là một nhánh của phân luồng. Do đó tôi đề nghị lên THPT phải phân nhánh và lên ĐH phải làm quyết liệt hơn, chỉ một số trường đào tạo nghiên cứu còn lại phải là đào tạo ứng dụng, đào tạo nghề nghiệp. Hiếu học là tốt, phát huy tinh thần này nhưng mục tiêu lạc hậu thì cần phải thay đổi.

Tôi rất muốn những người được đào tạo sống tốt với nghề của mình. Chúng ta phải có những người thợ tốt thì mới hội nhập được. Hiện nay, chúng ta thợ đào tạo cũng không ra thợ. Đó là bất lợi của Việt Nam khi hội nhập với ASEAN. Với cách đào tạo thầy không ra thầy, thợ không ra thợ, chỉ một thời gian nữa, lao động của Việt Nam chỉ làm những công việc đơn giản, còn lại thợ bậc cao cũng phải thuê.

Cảm ơn ông,

Hoa Ban (thực hiện)
Nguồn: tienphong.vn – 19/12/2015

Bài viết liên quan

757
  Tải tài liệu