Liên thông đại học nhiều gian truân
Ngót 15 năm thực hiện đào tạo liên thông (từ trung cấp (TC) lên cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) và từ CĐ lên ĐH) nhưng nhiều quy định từ cơ quan chủ quản đã tác động không tốt đến hệ đào tạo này...
Đến nay, khi hệ thống giáo dục sau THPT được xẻ đôi thành 2 hướng: giáo dục nghề nghiệp (TC, CĐ) và giáo dục ĐH (ĐH, sau ĐH) thì quyết định mới về liên thông lại tiếp tục ảnh hưởng đến hệ đào tạo này. Và xa hơn, quy định này làm cho công tác phân luồng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Liên thông phải thi, ĐH được xét tuyển
Từ năm 2003, các trường được tuyển sinh liên thông (từ TC, CĐ lên ĐH). Tuy nhiên, nhìn lại các quy định đối với hệ đào tạo này trong hơn 15 năm qua có quá nhiều thay đổi ảnh hưởng đến cơ hội học tập của nhiều người, cũng như đối với các cơ sở đào tạo.
Sau “sóng gió” của Thông tư 55, đến nay các cơ sở đào tạo và người học muốn học liên thông lại bị ảnh hưởng bởi Quyết định 18 về liên thông giữa trình độ TC, CĐ lên ĐH. Trước tiên, phải nói rằng Quyết định 18 có nhiều điểm thay đổi với mục đích nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đối với hệ đào tạo liên thông. Trong đó, đáng chú ý nhất là siết quy định liên thông ở nhóm ngành sức khỏe và thí sinh TC liên thông lên ĐH.
Tuy nhiên, ngoài nhóm ngành sức khỏe, những nhóm ngành còn lại bị ràng buộc người có trình độ TC muốn liên thông thẳng lên ĐH bắt buộc phải dự tuyển sinh cùng thí sinh tốt nghiệp THPT quốc gia (hiện nay là kỳ thi THPT quốc gia). Thí sinh liên thông một bậc, từ TC lên CĐ, hay từ CĐ lên ĐH thì mới tham dự kỳ thi do các trường tự tổ chức.
Trong khi đó, hiện nay có khoảng 100 trường ĐH dùng phương án xét tuyển ĐH bằng kết quả học bạ THPT. Như vậy, người học TC, CĐ cũng yêu cầu tốt nghiệp THPT nhưng sau 2, 3 năm học. Tốt nghiệp rồi lại đặt ra yêu cầu cao hơn cả học sinh lớp 12 vừa tốt nghiệp THPT là điều nghịch lý.
Một chuyên gia tuyển sinh phân tích: “Để nâng cao chất lượng không phải chỉ siết đầu vào là được. Chúng ta đã có khung trình độ quốc gia, mỗi cấp học đều quy định đạt bao nhiêu tín chỉ, có danh mục ngành nghề thì tại sao giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH lại có những quy định tréo ngoe làm khó người học như vậy. Nếu người học đã qua cấp học 1, cùng nhóm ngành/nghề và thỏa mãn các điều kiện tối thiểu thì hãy cho người ta học liên thông cấp học 2. Muốn nâng chất lượng thì phải thay đổi chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra chứ không phải tìm cách chặn đầu vào như hiện nay”.
ThS Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho biết: Hiện tại số lượng thí sinh dự thi học liên thông từ CĐ lên ĐH đã giảm rất nhiều, đồng thời chỉ tiêu cho hệ này cũng phải giảm theo, chiếm khoảng 20% so với tổng chỉ tiêu hàng năm. Lý do có nhiều, nhưng rõ nhất là số lượng sinh viên học hệ CĐ hiện giảm rất nhiều.
Nhóm ngành sức khỏe gặp khó
Thực tế, nhóm ngành sức khỏe của các cơ sở đào tạo bị ảnh hưởng từ Quyết định 18 nhiều nhất, bởi những quy định rất khắt khe. Cụ thể là những quy định ở Điều 6 về tuyển sinh liên thông. Theo đó, đối với đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe, chỉ áp dụng thi tuyển sinh liên thông riêng đối với người có chứng chỉ hành nghề và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với điểm mỗi môn thi phải đạt từ 5 điểm trở lên theo thang điểm 10.
Hiện tại, nhiều trường có đào tạo nhóm ngành sức khỏe như các trường ĐH: Nguyễn Tất Thành, Quốc tế Hồng Bàng, Lạc Hồng, Công nghệ TPHCM… số thí sinh đăng ký thi tuyển sinh liên thông từ TC lên ĐH vắng bóng còn liên thông từ CĐ lên ĐH các ngành điều dưỡng, dược phải có chứng chỉ hành nghề.
Trong khi đó, nhiều trường TC có đào tạo nhóm ngành sức khỏe đang ngao ngán: Sau Thông tư 55, các trường rơi vào cảnh khó khăn và đến nay Quyết định 18 khiến cho tuyển sinh lại càng khó hơn. Với điều kiện liên thông khó khăn như vậy, nhiều học sinh muốn học TC để đi “đường vòng” lên CĐ, ĐH nản chí. Những quy định này không chỉ làm cho hệ thống trường giáo dục nghề nghiệp gặp khó mà ảnh hưởng rất lớn đến công tác phân luồng.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH lớn tại TPHCM bức xúc: “Phải chấm dứt tình trạng mạnh ai nấy làm. Khung trình độ giáo dục quốc gia đã có và quy định rõ từng cấp độ đào tạo nên cần phải thống nhất về chương trình, các quy định liên thông để người học ở các cấp thấp liên thông lên các bậc học cao hơn. Nếu không làm được vấn đề này mà cứ mạnh ai nấy làm như hiện nay thì vừa tội cho người học và vừa khó cho các trường”.
Ghi nhận từ nhiều trường ĐH cho thấy, với quy định đào tạo liên thông liên tục thay đổi, cùng với việc đến năm 2020 các trường ĐH chấm dứt đào tạo hệ CĐ thì hiện nay hàng loạt trường ĐH đã giảm mạnh chỉ tiêu đào tạo hệ CĐ hoặc bỏ hẳn đào tạo hệ CĐ như các trường ĐH: Công nghiệp thực phẩm, Tài chính Marketing, Công nghiệp TPHCM, Nông Lâm TPHCM…
Quy định liên thông thay đổi liên tục Năm 2003 các cơ sở đào tạo thực hiện đào tạo liên thông theo quy định của Bộ GD-ĐT. Sau một thời gian thả nổi, Bộ GD-ĐT có Công văn 6446 (tháng 9-2012) về việc chấn chỉnh việc liên thông (Quyết định 06/2008) và liên kết đào tạo liên thông (Quyết định 42/2008). Năm 2013 Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT quy định về việc thí sinh tốt nghiệp TC nghề, TC chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ. Ngày 21-4-2015, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 08 thay thế thông tư 55. Đến ngày 31-5-2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định 18 về liên thông giữa trình độ TC, trình độ CĐ với trình độ ĐH. |
THANH HÙNG
Nguồn: sggp.org.vn – 06/06/2018