Điểm xét tuyển đại học cao: Mong manh cơ hội nguyện vọng 2

06/10/2020 Điểm chuẩn trúng tuyển các ngành đại học (ĐH) năm 2020 của nhiều trường tăng lên nhiều so với năm trước, có những thí sinh điểm cao nhưng điều chỉnh nguyện vọng (NV) xét tuyển chưa chuẩn dẫn đến bị trượt vào ngành, trường mình yêu thích.

879
  Tải tài liệu

Sự lên ngôi của khối C

Trước đó, Bộ GD&ĐT, các chuyên gia làm tuyển sinh đã dự kiến điểm chuẩn các ngành ĐH năm 2020 sẽ tăng cao; khối A00 và A01 tăng từ 2 – 4 điểm, khối C và D tăng 1 – 2 điểm nhưng rất nhiều thí sinh vẫn hết sức bất ngờ khi các trường ĐH công bố điểm chuẩn ngày 4 và 5/10. Có lẽ, 2020 là năm điểm chuẩn trúng tuyển ĐH của nhiều trường cao nhất trong vòng 4 năm qua, kể từ năm 2017. Điểm chuẩn ĐH lên tới 28, 29, 30 điểm/3 môn/tính trên thang điểm 10 (đã cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực).

Đặc biệt là sự trở lại của điểm khối C00 truyền thống và điểm của những tổ hợp có môn thuộc khối C. Đơn cử, tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội, điểm trúng tuyển tổ hợp khối C00 cao nhất như: Ngành Hàn Quốc học 30 điểm, Đông Phương học 29,75 điểm, Quan hệ công chúng 29, Khoa học quản lý 28,75 điểm, Quốc tế học 28,75 điểm, Quản trị văn phòng 28,5 điểm...

Các trường ĐH khác xét tuyển khối C có điểm trúng tuyển cũng rất cao so với những tổ hợp khác. Cụ thể như: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ngành Lịch sử, chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, khối C00, 31,5 điểm, còn tổ hợp C03 là 29,5 điểm, C19 là 31 điểm; ngành Truyền thông đa phương tiện, tổ hợp C15 là 27,57 điểm; ngành Truyền thông đại chúng, tổ hợp C15, 26,53 điểm...

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng có nhiều ngành khối C có điểm trúng tuyển từ 23 - 26,5 điểm như: Sư phạm Ngữ văn, C00, 26,5 điểm; Sư phạm Lịch sử, C00, 26 điểm; Sư phạm Địa lý, C00, 25,25 điểm; Giáo dục công dân, C20, 25,25 điểm; Giáo dục đặc biệt C20, 25 điểm; Quản lý giáo dục, tổ hợp C20, 24 điểm...

“Điểm chuẩn khối C cao đúng như những khuyến cáo của các chuyên gia, nhà hoạch định đã phân tích hoàn toàn đúng. Đó là, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng nền tảng tri thức về xã hội nhân văn vẫn đặc biệt quan trọng. Vẫn có nhiều em học sinh vẫn yêu thích các ngành khoa học xã hội và nhân văn, đã đăng ký xét tuyển tổ hợp có môn khối C” – GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho hay.

Điểm cao vẫn trượt vì chủ quan

Dù đã biết trước được phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020, điểm trúng tuyển năm trước, dự báo điểm trúng tuyển năm 2020, cũng như tư vấn điều chỉnh NV nhưng có không ít thí sinh vẫn mắc sai lầm. Điều này dẫn đến có những em đạt điểm cao nhưng vẫn trượt ngành mình yêu thích.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Phó Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội thông tin: “Có thí sinh điểm cao chỉ đăng ký 1 – 2 NV khả năng trượt rất cao, bởi các trường ĐH dự đoán điểm trúng tuyển tăng từ 2 – 4 điểm là con số dao động rất lớn. Chúng ta biết, trong xét tuyển sinh, dù chỉ chênh nhau 0,01 điểm cũng đã trượt rồi”.

Lại có thí sinh chủ quan cho mình đạt điểm cao, tin chắc khả năng trúng tuyển vào trường top trên nên đã không cân nhắc kỹ khi điều chỉnh NV. Em Lê Kim Ngân (quận Hoàn Kiếm) tiếc hùi hụi: "Em đạt 24 điểm, đã điều chỉnh NV 1 vào trường ĐH Luật Hà Nội; NV 2 và 3 lần lượt là Học viện Ngân hàng, trường ĐH Kinh tế quốc dân nhưng không ngờ cả ba NV đều trượt; thậm chí 2 trường NV 2, 3 còn có điểm trúng tuyển cao hơn trường NV1".

Một số thí sinh đạt điểm cao bị trượt trường top trên đang mong chờ đợt xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên, không ít trường cho biết, số lượng tuyển đợt 1 đã đủ. Thậm chí có những trường còn đưa ra tiêu chí phụ để lọc bớt những thí sinh có điểm ngang bằng nhau, trong khi chỉ tiêu còn lại rất ít.

TS Nguyễn Đào Tùng – Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho hay, điểm chuẩn trúng tuyển của trường tăng 2 điểm so với năm 2019. Năm nay, do điểm quá cao nên nhà trường sẽ dùng tiêu chí phụ cho tất cả các ngành. Đó là trường hợp số thí sinh đạt ngưỡng điểm trúng tuyển quá nhiều so với chỉ tiêu, những em ở cuối danh sách phải xét thêm tiêu chí phụ là điểm môn Toán và thứ tự NV đăng ký. Do có nhiều thí sinh điểm cao, lại ngang nhau nên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng dùng tiêu chí phụ, đó là thứ tự NV trúng tuyển khi thí sinh có điểm xét tuyển bằng mức điểm trúng tuyển.

Vì thế, sự chờ đợi các trường top đầu xét tuyển tuyển bổ sung để tranh một suất là hết sức mong manh với những thí sinh trượt NV1. Các chuyên gia khuyến cáo, nếu trúng tuyển những ngành NV sau gần giống với ngành NV 1 và yêu thích vừa vừa, thí sinh vẫn nên nhập học để tránh bị bỏ lỡ cơ hội trong cuộc tuyển sinh này.

OANH TRẦN
kinhtedothi.vn – 06/10/2020

Bài viết liên quan

879
  Tải tài liệu