ĐH ngoài công lập nguy cơ sụp đổ… do nhiều quy chế
ĐH ngoài công lập nguy cơ sụp đổ… do nhiều quy chế
Nhiều chính sách đã làm hệ thống trường ĐH ngoài công lập có nguy cơ sụp đổ, còn nguy hại hơn nữa là làm cho hệ thống các trường ĐH công không có tiền đề để phát triển, lôi kéo toàn bộ hệ thống giáo dục đại học không bao giờ khởi động được.
Đó là khẳng định của GS Hoàng Xuân Sính tại Hội thảo đánh giá tổng kết 20 năm phát triển mô hình giáo dục đại học ngoài công lập (NCL) tại Hà Nội ngày 26/9.
Không thể đổ hết chất lượng giáo dục kém về trường NCL
GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) cho biết: "Trong 83 trường ĐH, CĐ NCL hiện nay có khoảng 40 trường chất lượng khá, nhiều trường khác đang vươn lên, còn lại 15 trường khó khăn. Trong số 15 trường này có một số làm ăn không đàng hoàng, vi phạm này kia, chúng tôi không bênh vực, Bộ GD-ĐT đã có chế tài xử lý chúng tôi hoan nghênh. Tuy nhiên, có những trường gặp khó không nên vội kết luận làm ăn không đàng hoàng vì còn nhiều nguyên nhân".
Nói về chất lượng đào tạo hiện nay của nhiều trường ĐH NCL, GS Quân cho rằng: “Chất lượng GD ĐH kém không thể đổ hết cho NCL, bởi vì tỉ trọng SV NCL là 12,7%, còn 87% còn lại mới quyết định chất lượng chứ, sao đổ thừa NCL? Phải có cái nhìn tổng quát nếu không sẽ tạo định kiến xã hội”.
GS Quân than: “Mấy năm nay tỉ lệ sinh viên (SV) NCL liên tục giảm, có lúc 17,% giờ hơn 12%. Số trường NCL từ năm 2005 đến nay thành lập với tốc độ chỉ bằng 1/3 so với công lập. Có khả năng sang năm, tỉ lệ SV NCL còn thấp hơn nữa. Tôi đề nghị, Bộ GD-ĐT cần tính toán lại việc này. Và phải xem trách nhiệm để trường NCL lay lắt như hiện nay là thuộc về ai?” - GS Quân đặt câu hỏi.
GS Hoàng Xuân Sính cho rằng: “Nguyên nhân các trường NCL phải kêu cứu về không tuyển sinh được là do 3 năm gần đây ta đã thành lập và nâng cấp quá nhiều trường ĐH công lập, trong khi Bộ GD-ĐT lại cho rằng các trường NCL không chịu đầu tư vào giảng dạy. Việc mở nhiều trường đại học, nhất là trường công là do nôn nóng, muốn có sinh viên trên vạn dân tăng nhanh. Chẳng hạn, năm 2010 số sinh viên của Việt Nam đạt khoảng 200sv/vạn dân trong khi đó Thái Lan đã đạt khoảng 400sv/vạn dân. Lấy tiêu chí như vậy đúng hay sai? Nếu biết thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan gấp 4 lần Việt Nam. Quá nôn nóng khi tăng trường như vậy dẫn đến không có chất lượng, lãng phí cho đất nước và đào tạo ra không dùng được”.
Giải thích sự khó khăn của các trường NCL hiện nay, GS Quân cho hay, gần 20 năm qua đã có 2 quy chế Tổ chức và hoạt động các trường dân lập, có 3 quy chế Tư thục được ban hành, gần đây lại có Quyết định 63/QĐ/TTg điều chỉnh Quy chế Tư thục hiện này, nhưng mô hình hai loại trường này vẫn chưa được nghiên cứu thấu đáo. Thậm chí quy chế DL vẫn được sử dụng trái với nội dung của Luật Giáo dục.
Thậm chí nhiều chính sách được ban hành như Nghị quyết 05/2005/NQ-CP, Nghị định số 69/2008/ND-CP ngày 30/5/2008 - rất hay, rất đúng nhưng không được thực hiện trên thực tế. Đó là một thí dụ về sự thiếu hiệu lực điều hành của nhà nước. Có nơi thẳng thừng đánh thuế doanh thu các trường NCL như đối với các doanh nghiệp. Có nơi miễn thuế nhưng cũng bỏ luôn việc kiểm soát doanh thu và lợi nhuận bảo đảm quyền lợi của người học.
GS Quân khẳng định: “Từ khái niệm đến định lượng sở hữu nhà nước trong các trường ĐH, CĐ NCL đều bị bỏ lửng, đều mập mờ không rõ ràng. Chính vì vậy nhà nước cần đàu tư vào các trường này thì lại do dự vì lẫn lộn sở hữu”.
Đồng quan điểm, GS Hoàng Xuân Sính thẳng thắn nói: “Việc đưa ra nhiều chính sách đã làm hệ thống trường ĐH ngoài công lập có nguy cơ sụp đổ, còn nguy hại hơn nữa là làm cho hệ thống các trường ĐH công không có tiền đề để phát triển, lôi kéo toàn bộ hệ thống giáo dục đại học không bao giờ khởi động được”.
Điểm sàn: Chặn đứng nguồn tuyển sinh các trường NCL
Nhận diện “cái chết” của ĐH NCL Việt Nam là không thể tránh khỏi, Tiến sĩ Ngô Tự Lập - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Trong các khó khăn của ĐH NCL, theo tôi khó khăn lớn nhất là tuyển sinh. Doanh nghiệp không thể tồn tại nếu không có khách hàng. Cũng vậy, trường ĐH không thể tồn tại nếu thiếu sinh viên. Khi cho phép mở trường tư, có nghĩa là nhà nước đã chấp nhận thương mại hóa giáo dục. Nhưng đồng thời bằng kỳ thi đại học và quy định về điểm sàn, đã chặn đứng nguồn tuyển sinh của các trường NCL. Không có sinh viên là không thu được học phí, không có nguồn thu. Không có nguồn thu, không có trường tư nào có thể tồn tại, chưa nói đến đầu tư cho phát triển và nâng cao chất lượng. Như thế, cái chết của ĐH NCL Việt Nam là không thể tránh khỏi”.
TS Lập khẳng định: “Kỳ thi đại học đại trà kết hợp với quy định điểm sàn như đang được áp dụng hiện nay, theo tôi, có tác động rất tiêu cực, thậm chí có thể nói là phản tiến bộ. Các cá nhân, sau khi đóng thuế cần được khuyến khích đầu tư cho giáo dục con cái họ, cho dù con cái họ có thể không thuộc nhóm người có tư chất xuất sắc để được hưởng ưu tiên xã hội. Nỗ lực học tập của bất kỳ ai cũng chỉ là điều tốt lành cho xã hội. Hơn nữa, học tập bằng tiền của mình, đó là quyền chính đáng của mọi người dân. Thế nhưng các kỳ thi đại học đã loại bỏ quyền đó của rất nhiều người, cũng tức là kìm hãm sự nâng cao dân trí”.
TS Lập cho rằng, những quy định trên, học sinh trượt đại học không thể vào học các trường ĐH của Việt Nam, cho dù có muốn trả tiền để theo học. Người ta buộc phải nộp số tiền hàng chục ngàn đô la đó cho các trường nước ngoài nơi người ta không yêu cầu thi đại học. Nghịch lý ở chỗ, các trường ĐH Việt Nam đang nghèo, đang cần đầu tư để cải thiện cơ sở vật chất, thu hút thầy giỏi, nhưng lại không được nhận số tiền học phí rất cao đó. Rõ ràng chính sách của chúng ta buộc người dân phải dành tiền để làm giàu cho các trường ĐH nước ngoài.
GS Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng ĐH Hòa Bình phân tích: Nhà nước kiểm soát đầu vào thông qua điểm sàn dẫn đến một thực tế là các trường công, các trường trọng điểm vẫn có quyền lấy tới điểm sàn và như vậy đồng nghĩa với việc chiếm hết thị phần của các trường tư, đặc biệt là các trường mới được thành lập. GS Vận đặt câu hỏi: Tại sao không đặt các trường công và trường trọng điểm vào một thách thức tương tự như trường tư? Chính sự mở rộng quá nhanh hệ thống các trường ĐH trong đó có các trường tư thục khiến cho các trường lâm vào thế cạnh tranh gay gắt trong khi chỉ tiêu đầu vào bị hạn chế thông qua việc xác định điểm sàn của kỳ thi 3 chung mà thực chất không phải là thước đo chính xác về chất lượng đầu vào do chịu sự tác động rất lớn về độ khó của kỳ thi.
GS Vận than: “Các trường nước ngoài đã khống chế thị trường con nhà giàu, các trường công khống chế thị trường các học sinh khá giả. Vậy, các trường tư chỉ còn khu vực thị trường học sinh trung bình yếu và gia đình trung lưu và nghèo có thu nhập tăng giảm theo đà phát triển hoặc suy thoái kinh tế của đất nước”.
Hồng Hạnh
Nguồn: dantri.com.vn