Chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mới cứu được các trường
“Lời ăn lỗ chịu là mình nói một cách dân dã, nhà đầu tư bỏ tiền xây trường, còn lỗ lãi gì đó thì nhà trường phải lo. Nói theo Luật giáo dục Đại học hiện nay là tự chủ, tự chịu trách nhiệm cả về tài chính, cán bộ, quản lý”.
Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc - Nguyên Phó Ban Khoa giáo T.Ư - nhận xét như vậy khi trao đổi với báo Giáo dục&Thời đại về thực trạng các trường ĐH-CĐ ngoài công lập hiện nay.
Bản thân các trường, dù luôn đề cao mục tiêu giáo dục nhưng mục tiêu lợi nhuận cũng không nhỏ chút nào, rất ít trường làm được điều mà ĐHDL Thăng Long đã làm nên cũng khó có thể trút hết trách nhiệm cho Nhà nước về những khó khăn hiện nay?
GS Phạm Minh Hạc: Khi mở trường, người ta phải nắm chắc các quy định của Nhà nước, nói một cách khác là phải tự thân vận động.
Anh không có người vào học thì làm sao đổ cho Nhà nước được? Anh dạy có uy tín, liên kết với nước ngoài, đào tạo có chất lượng thì đương nhiên người học sẽ tìm đến anh. Sản phẩm của anh không được xã hội chấp nhận thì đổ cho Nhà nước à?
Năm 2012, đã nhiều bài báo phản ánh sự khó khăn của các trường ngoài công lập trong tuyển sinh ĐH-CĐ, thậm chí là nói về cái chết được báo trước nếu không được Nhà nước cứu.
Đúng là mấy năm nay, Nhà nước cho mở trường ồ ạt, trường thành lập mới cũng nhiều, trường nâng cấp từ trung cấp lên CĐ, từ CĐ lên ĐH thì càng đông. Trường nhiều, không tuyển được thí sinh thì phải đóng cửa, sẽ mất hàng nghìn tỉ đồng, lãng phí của xã hội rất nhiều.
Nhưng tôi cho là những trường NCL tồn tại đến 15 năm nay mà không có đủ cơ sở vật chất thì gay quá, Luật chỉ cho có 3 năm thôi mà. Đã quy định mà không thực hiện, không đảm bảo được chất lượng đào tạo, sinh viên không đến với trường thì phải đóng cửa cũng là điều được báo trước.
Theo ông, đã đến lúc cần xem xét lại một cách nghiêm túc rằng, mỗi sinh viên ra trường giống như một sản phẩm hàng hóa. Các trường phải cung cấp được một sản phẩm hàng hóa tốt nhất với chi phí hợp lý nhất. Nếu không đáp ứng được yêu cầu của thị trường - ở đây là thị trường sử dụng lao động thì nơi cung cấp sản phẩm sẽ bị đào thải?
- Sản phẩm của các trường ĐH, CĐ phải đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Thế nhưng với tình trạng bớt tiền giảng dạy của người thầy, đua nhau mở các ngành không phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để kiểm lợi nhuận như ngoại ngữ, tin học, kinh tế… thì không thể nói sẽ có những sản phẩm chất lượng.
Cũng phải nói thêm, thị trường lao động ở nước ta hình thành chậm hơn các thị trường khác, cũng chưa phải là đã hoàn chỉnh vì còn đang mới mẻ. Bộ LĐ-TB-XH đáng lẽ phải chuyên về thị trường lao động nhưng họ lại chỉ mới làm trong hệ thống công nhân, bậc 1-7 thôi chứ chưa tính toán xây dựng được thị trường lao động chất lượng cao.
Vậy giải pháp tình thế hiện nay như hạ điểm sàn, điểm sàn linh hoạt… có thực sự tháo gỡ được khó khăn cho các trường ngoài công lập? Và điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào tới chất lượng sản phẩm các trường làm ra?
- Gần đây, Bộ GD&ĐT đã có nhiều chủ trương, biện pháp để chấn chỉnh đào tạo. Một loạt ngành đào tạo bị đóng cửa, nhiều trường bị cảnh cáo, cắt chỉ tiêu… Những biện pháp mạnh tay này khiến nhiều trường đứng trước nguy cơ đóng cửa, và tôi thì giữ quan điểm, phải siết chặt đào tạo để có chất lượng. Tôi ủng hộ những giải pháp mạnh tay của Bộ GD&ĐT.
Hạ điểm sàn hay điểm sàn linh hoạt chỉ là gỡ khó khăn ở phần ngọn cho các trường. Có thể hạ điểm sàn thì các trường dễ tuyển sinh hơn trong năm nay, năm sau, nhưng nếu chất lượng đào tạo không đảm bảo, sản phẩm đào tạo ra không được xã hội chấp nhận thì chỉ được vài năm là thí sinh sẽ không đến với trường anh nữa. Vấn đề cần giải quyết ở đây là các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo của mình để được xã hội chấp nhận.
Từ những vấn đề trên, theo ông, phải làm gì để cứu các trường ngoài công lập?
- Tôi không có ý tưởng gì về việc cứu các trường ngoài công lập. Quan điểm của tôi là chỉ có đào tạo có chất lượng thì mới tự cứu được mình.
Thái An thực hiện
Nguồn: gdtd.vn