Không đỗ đại học là… buông!

Nhiều học sinh sau khi kết thúc lớp 12, nếu không đỗ đại học thì thi lại đến khi đỗ mới thôi, hay vào đại một trường nào đó hoặc bỏ học lông bông chứ ít xác định con đường học nghề.

995
  Tải tài liệu

Không đỗ đại học thì... hỏng?

Một giáo viên THPT ở Vĩnh Long cho biết cứ đến mùa tuyển sinh là thầy cô căng thẳng thúc học sinh (HS) ôn thi để kiếm cho bằng được một suất vào đại học (ĐH). Không hẳn vì thành tích như đánh giá của nhiều người, rồi giáo viên biết rằng, chưa hẳn điều này tốt cho các em nhưng nếu trượt thì con đường sẽ chông chênh vô cùng.

“Nếu em nào có ý chí sẽ thi lại, hay bố mẹ xoay xở suất học nào đó, còn lại các em ở nhà lông bông, chẳng công việc và dễ sa ngã vào lối sống thiếu lành mạnh, có em thành thành phần bất bảo. Tôi nghĩ, hình như ở vùng quê nào cũng có đội ngũ các em HS lớp 12 không thi đỗ ĐH lông bông như vậy. Ý thức học nghề để lập nghiệp còn xa vời với các em”, giáo viên này thẳng thắn.

Giáo viên này kể có nhiều học học trò cũ của mình thi đi thi lại nhiều năm không đỗ nhưng bố mẹ vẫn xác định để cậu tiếp tục ôn thi đến khi đỗ mới thôi. Với nhiều phụ huynh, con không vào ĐH xem như… hỏng.

Vấn đề học sinh học xong THCS không đỗ lên THPT hay sau khi học xong lớp 12 không vào được CĐ-ĐH thì bỏ học, không việc làm chứ không theo học nghề cũng từng được đề cập tại hội thảo “Tăng cường phân luồng học nghề sau trung học” diễn ra cách đây chưa lâu ở TPHCM. Theo nhiều ý kiến là do các em thiếu động cơ học tập rõ ràng, mất định hướng nghề nghiệp trầm trọng, rơi vào cảnh ăn xổi ở thì, không còn mục tiêu.

TS Vũ Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ GD-ĐT, Dạy nghề (Ban tuyên giáo Trung ương) cho rằng, tổng HS tốt nghiệp THPT chưa tiếp tục học hoặc số HS bỏ học và các em trượt tốt nghiệp hàng năm có đến khoảng 400.000 HS. Nếu những HS này được học nghề sẽ kéo theo nhiều lợi ích như quy mô học nghề, lao động qua đào tạo nghề tăng thì hiệu quả kinh tế sẽ tăng cao.

Tuy nhiên, nhiều năm qua tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT cao và xu hướng tăng lên. Sau khi tốt nghiệp, các em tập trung cho mục tiêu CĐ-ĐH. Như năm 2007 - 2008 khoảng 405.000 sinh viên, chiếm 43% HS tốt nghiệp THPT và khoảng trên 30% các em học TCCN. Còn lại là học nghề và… bỏ học.

Ai ai cũng khát làm thầy!

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, mỗi năm cả nước có hơn một triệu HS thi vào các trường ĐH, CĐ. Hơn 400.000 em đạt nguyện vọng này và khoảng 370.000 em chọn vào các trường dạy nghề. Hơn 1/3 HS chờ kỳ thi năm sau chứ không học nghề, tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội cũng như gây lãng phí nguồn nhân lực.

Và đặc biệt, điều đáng ngại là do chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên khi rớt ĐH trường mình lựa chọn, các em thường chọn đại một ngành nào đó, một trường nào đó để học mà hoàn toàn không quan tâm trường, ngành đó có phù hợp với năng lực, sở thích và xu hướng thị trường lao động hay không. Chọn sai ngành nghề cũng là lý do dẫn đến nhiều SV ra trường khó xin được việc làm phù hợp.

Nhưng vì đâu các em và gia đình lại “sùng” ĐH đến như vậy? Không chỉ còn đó tư duy chỉ có thể tiến thân, thành danh bằng con đường học hành còn nặng nề; nhiều cơ chế chính sách chưa thật sự tạo được lực đẩy hay vị thế cho những người có tay nghề...

Hay như lời một chuyên gia tâm lý, sự ganh đua của các ông bố bà mẹ cũng góp phần thúc đẩy… vào ĐH bằng được. Bố mẹ nào cũng nhìn con nhà người khác để áp đặt cho con mình, muốn con mình hơn hoặc phải bằng người khác, một xã hội mà ai ai cũng muốn làm thầy người khác - dù là thầy kiểu nào đi nữa. Hậu quả của việc thừa thầy thiếu thợ,  cử nhân ra trường không xin được việc làm cũng do "thầy không ra thầy" dẫn đến. 

“Khi chọn những con đường khác không thành công nhiều thường cho rằng do không có bằng cấp mà quên nhìn thẳng năng lực của mình. Họ quên mất rằng, nhiều lắm những người có bằng cấp cũng không thành công”, chuyên gia này nói và bày tỏ lo ngại về tâm lý “không yên tâm nếu không có bằng cấp” đang rất nặng. 

Việc “sính” bằng cấp thì thực tế cơ hội để tiếp cận các lĩnh vực nghề của HS, nhất là ở các vùng quê còn rất hạn chế. 12 năm ăn học, từ phương pháp đào tạo, kết quả đánh giá, thi cử… đều chỉ vẽ ra cho các em mục tiêu ĐH. Khi mục tiêu này không đạt, con đường khác lại chòng chành các em rất dễ buông xuôi, chới với. 

Hoài Nam
Nguồn: dantri.com.vn

Bài viết liên quan

995
  Tải tài liệu