Người chọn nghề hay nghề chọn người?

“Bí kíp” nào giúp bạn nhận biết bản thân có phù hợp với 1 ngành nghề cụ thể?

1142
  Tải tài liệu

Anh Nguyễn Đức Hải, Giám đốc đào tạo của Học viện khởi nghiệp và kinh doanh thực tiễn VietFounder chia sẻ về định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên.

- Nhiều học sinh đứng trước ngưỡng cửa thi đại học không biết nên chọn học ngành nào. Nhiều sinh viên bước chân vào giảng đường đại học mới nhận ra ngành học đó không phù hợp với mình. Anh nghĩ sao về thực tế này?

Gần đây, tôi có tham dự buổi Tọa đàm về định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất là làm thế nào để biết bản thân hợp nghề gì.

Thực tế là đa số học sinh phổ thông, ngay cả sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học mơ hồ về định hướng nghề nghiệp. Có rất nhiều tình huống xảy ra trong giai đoạn hướng nghiệp này. Học sinh phổ thông không biết chọn học ngành nào nên học theo định hướng gia đình, học vì thấy ngành đó đang hot,thời thượng…

Sinh viên đại học nhiều bạn không thích ngành mình đang học; có bạn thì học chuyên ngành cũng thấy hứng thú nhưng lại không biết học xong ra trường mình sẽ làm nghề gì. Tất nhiên vẫn có những sinh viên xác định rõ mục tiêu của mình từ khi còn học phổ thông và không ngừng phấn đấu để đạt được mục tiêu đó.

- Theo anh, nguyên nhân của thực trạng này là gì?

Theo tôi, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này: Đầu tiên là nguyên nhân từ phía gia đình. Khác với các nước phương Tây, ở Việt Nam, ý kiến của các bậc cha mẹ luôn có ảnh hưởng lớn nhất tới quyết định của con cái kể cả khi họ đã trưởng thành. Phụ huynh, nhiều người muốn con cái phải nghe theo định hướng của mình, không quan tâm đến nguyện vọng, khả năng, sự phù hợp của con cái.

Thứ hai là nguyên nhân từ nhà trường và xã hội. Theo như tôi tìm hiểu, ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, ở trường phổ thông hay đại học đều có những người giữ vị trí Chuyên viên tư vấn định hướng nghề nghiệp hoặc Cố vấn học tập. Tất cả thắc mắc của học sinh, sinh viên về định hướng nghề nghiệp đều được giải đáp cặn kẽ. Công tác hướng nghiệp ở Việt Nam chưa được chú trọng đúng mức dẫn đến việc học sinh, sinh viên loay hoay với những thắc mắc về định hướng nghề nghiệp.

Thứ ba là nguyên nhân từ chính bản thân học sinh, sinh viên. Các bạn chưa thực sự có trách nhiệm với bản thân, vẫn thụ động trong việc tìm hiểu ngành và trường học, thụ động trong quá trình tìm hiểu bản thân để đọc vị phần nào khả năng, tính cách bản thân. Trên cơ sở đó xem xét mình có phù hợp không.

- Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm để học sinh, sinh viên có lựa chọn nghề nghiệp phù hợp?

Nếu không tính đến các yếu tố khách quan như thị trường lao động, điều kiện địa lý, điều kiện tài chính… thì chúng ta thường định hướng nghề nghiệp dựa trên sự hứng thú (hay yêu thích); tố chất và tính cách của bản thân.

Đầu tiên, bạn phải thấy hứng thú với điều gì đó, có cảm xúc với nó, tò mò về nó hoặc cao hơn là yêu thích nó. Hãy liệt kê những điều mình thực sự yêu thích và xem những điều đó được sử dụng nhiều nhất trong nghề nào. Ví dụ: bạn không thích những môn học nhàm chán ở trong trường mà thích giao tiếp, tạo dựng mối quan hệ thì bạn có thể làm tốt trong nghề Marketing, truyền thông, quan hệ công chúng hay bán hàng; còn nếu ngược lại, bạn thích học tập, nghiên cứu sâu một vấn đề, thích viết lách thì nghề nghiên, cứu, giảng dạy, hay phóng viên báo chí, nhà văn có thể hợp với bạn.

Những hứng thú của ta thường liên quan chặt chẽ với tính cách của bản thân. Tính cách là những yếu tố tâm lý tương đối ổn định của con người, nó ảnh hưởng tới xu hướng suy nghĩ và hành động của họ, từ đó tác động nhiều tới xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của mỗi người. Hiện tại có rất nhiều công cụ để xác định tính cách của bạn theo xu hướng nào như DISC, MBTI, trắc nghiệm tính cách nghề nghiệp của John Holland, sinh trắc học vân tay… Bạn có thể sử dụng các công cụ này trên internet một cách rất dễ dàng.

Cuối cùng là tố chất. Tố chất thường không dễ nhận biết và thường bộc lộ trong quá trình trải nghiệm sâu sắc của bạn. Theo kinh nghiệm của tôi thì đa số sinh viên chưa xác định được tố chất của mình do mức độ trải nghiệm của họ chưa sâu sắc. Ngoài học tập, tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện,… góp phần để bạn nhận biết những tố chất còn tiềm ẩn trong con người bạn.

Cảm ơn anh vì cuộc trao đổi này!

Thúy An (thực hiện)
Nguồn: tamguong.vn

Bài viết liên quan

1142
  Tải tài liệu