“Lấn sân” trường nghề

“Lấn sân” trường nghề

995
  Tải tài liệu

“Mấy năm gần đây, trường ĐH mọc lên như nấm. Điều này sẽ chẳng ảnh hưởng đến việc tồn tại của các hệ đào tạo trung cấp, CĐ nghề hoặc trung cấp, CĐ chuyên nghiệp nếu như các trường ĐH làm đúng chức năng của mình là đào tạo hệ ĐH và sau ĐH. Tuy nhiên, thực tế đang có sự “lấn sân” dạy nghề của nhiều trường ĐH khiến việc đào tạo nghề đã khó khăn, càng khó khăn hơn”. Đây là nhận xét chung của nhiều đại biểu tham dự hội thảo về đào tạo nghề tổ chức tại TPHCM mới đây.

Trường ĐH ôm đồm?

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, hiện nay cả nước có hơn 200 trường ĐH. Trong khi đó, số trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) chỉ có 276 trường (có 203 trường công lập). Đáng nói, nhiều trường TCCN rất “èo uột”, số lượng tuyển sinh đã ít, lại giảm hằng năm. Riêng tại TPHCM, chỉ có 44 trường TCCN, trong khi lại có đến 50 trường ĐH được tuyển sinh và đào tạo hệ TCCN. Thậm chí có trường ĐH số lượng học viên hệ sơ cấp nghề, trung cấp nghề (TCN) lên đến hàng ngàn.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, bày tỏ: “Với góc độ cá nhân, tôi không đồng ý việc các trường ĐH tuyển sinh và đào tạo các hệ TCCN, TCN, CĐ nghề. Bởi làm như vậy thì chúng ta mở các hệ trường này để làm gì?”. PGS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm, cho rằng: “Thời gian qua, Trường ĐH Nông Lâm có đào tạo hệ trung cấp theo yêu cầu của một số địa phương. Tuy nhiên, sắp tới đây nhà trường sẽ không nhận đào tạo hệ này. Bản thân tôi cũng không đồng tình với việc các trường ĐH tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp”. 

“Đúng ra, chức năng đào tạo của các trường ĐH là thiên về nghiên cứu. Một trường ĐH mà kiêm nhiệm đào tạo “đa hệ” như vậy tôi e không ổn. Điều này cũng giống như một trường phổ thông mà đào tạo từ bậc mầm non đến THPT”- ThS Lâm Văn Quản, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế và Kỹ thuật Phú Lâm, băn khoăn. Còn lãnh đạo nhiều trường TCN thì bức xúc: Với chiêu thức liên thông, các trường ĐH “hốt sạch” cả học sinh lẫn sinh viên các hệ dưới ĐH, góp phần đẩy các hệ trường dưới ĐH đến bờ vực phá sản. Thử hình dung một trường phổ thông có đủ các cấp từ mầm non đến THPT thì đó là ngôi trường quái lạ đến mức nào!

Tự cứu, chọn ngành ít “đụng hàng”

Để “tự cứu”, một số trường nghề đã tập trung vào thế mạnh riêng của mình để đào tạo. Chẳng hạn, Trường CĐ nghề Việt Mỹ đào tạo ngoại ngữ theo tiêu chuẩn TOEIC, Trường CĐ nghề iSPACE đào tạo công nghệ thông tin, Trường TCN Sài Gòn 3 đào tạo ngành in... Ông Đinh Quang Thùy, Hiệu trưởng Trường TCN Sài Gòn 3, cho biết: “Chúng tôi phải chọn ngành ít đụng hàng để tuyển sinh và đào tạo. Bên cạnh đó, chúng tôi còn mở xí nghiệp in để học viên được thực hành thường xuyên”.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng nguồn tuyển bậc trung cấp hiện nay rất nhiều. Những trường khó tuyển được học sinh cũng có nguyên nhân do sự đầu tư chưa mạnh từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, các trường muốn phát triển được cần phải nâng cao chất lượng đào tạo để học sinh sau khi tốt nghiệp có việc làm. Để làm được việc đó, điều cơ bản là các trường phải gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp để tạo địa chỉ làm việc cho học sinh và đặc biệt là phối hợp với doanh nghiệp để họ tham gia vào quá trình đào tạo.

Ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM:

Cần tạo điều kiện để các hệ trường phát triển

Việc các trường nghề chọn thế mạnh để đào tạo là cách làm rất hay. Một số trường còn sáng tạo nhiều sân chơi bổ ích như iSPACE với sân chơi mới “Mỗi tuần một nhân vật” nhằm rèn luyện kỹ năng sống cho sinh viên, bổ sung hành trang vào đời cho lớp trẻ. Hay như một số trường thường xuyên tổ chức hội thi tay nghề cũng là cách thu hút và giúp sinh viên nâng tay nghề. Theo tôi, đã sinh ra các hệ trường như trung cấp, CĐ thì cần tạo điều kiện để các hệ trường này phát triển. Điều đó hiện nay chưa được chú trọng đúng mức.

Phúc Minh - Huy Lân

30/11/2011 – nld.com.vn

Bài viết liên quan

995
  Tải tài liệu