Bát nháo đào tạo liên thông: Học như đi chợ

Bát nháo đào tạo liên thông: Học như đi chợ

974
  Tải tài liệu

Học muộn về sớm

Có mặt tại Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hà Nội 1 (54 Vũ Trọng Phụng, Q.Thanh Xuân), địa điểm thuê để đào tạo liên thông của Trường ĐH Công đoàn, ĐH Công nghiệp Hà Nội, chúng tôi chứng kiến cảnh lộn xộn ở nhiều lớp học ngành kế toán.

Đúng 17 giờ 30 phút, đã đến giờ học nhưng sinh viên (SV) mới lác đác vào lớp. Có lớp chỉ 3-4 SV, lớp đông nhất khoảng 20 SV. Đến 18 giờ vẫn chưa thấy giảng viên đến. Khoảng 18 giờ 20 có lớp SV reo ầm lên rồi ra về vì được tin giáo viên không đến. Đến 18 giờ 30 phần lớn các lớp mới có GV và giờ học chính thức bắt đầu.

Tại một lớp học của Trường ĐH Công đoàn, một SV quay sang hỏi tôi học hộ ai. Tôi cho biết là học hộ bạn và hỏi thầy giáo có điểm danh không. SV này cho biết, hôm nào vắng thì thầy điểm danh, đông thì không và kể thêm: “Giờ học được quy định là từ 18 đến 21 giờ 30, nhưng phần lớn SV đều đến muộn. Giáo viên cũng không mấy khi cho về đúng giờ mà đa số nghỉ sớm trước cả nửa giờ. Thậm chí, có môn học, cô giáo luôn đến muộn rồi lại cho về sớm. Có môn học, cô giáo chỉ đến cho bài tập rồi dặn về nhà tự làm nên vào học nhưng lại được về rất sớm. Vì vậy, không ít bạn chỉ đến lớp chép bài tập và điểm danh rồi về. Cá biệt, nhiều trường hợp còn thuê SV lớp bên cạnh sang điểm danh hộ và nhận bài tập về nhà qua email”.

Tại lớp khác, một SV tên Phạm Thị L., học liên thông ngành kế toán từ bậc CĐ lên ĐH của Trường ĐH Công nghiệp HN, cho biết hiện tại lớp có 94 thành viên nhưng thường chỉ có hơn 50 người đi học. “Đa số các giáo viên cho nghỉ từ lúc 20 giờ 30 phút. Thậm chí, có môn học thường xuyên được về từ lúc gần 20 giờ. SV nào cũng thích được về sớm nên họ không bao giờ phàn nàn về việc nghỉ trước giờ”, L. cho hay.

Chỉ nộp tiền là xong

Một số SV theo học Trường ĐH Công đoàn cho biết học phí mỗi tháng là 450.000 đồng đã bao gồm khoản phí thuê cơ sở vật chất. Tôi nói học phí như vậy là cao thì một SV nói: “Dù học phí đắt nhưng SV sẽ được cấp bằng chính quy. Sau khi lấy được bằng CĐ, SV có bằng khá, giỏi sẽ được học luôn lên ĐH mà không phải thi!”.

Theo phản ánh của các SV ở đây thì việc thi tuyển sinh đầu vào liên thông dễ hơn thi ĐH rất nhiều. “Anh cứ đóng 1 triệu đồng tiền ôn thi và 200.000 đồng tiền lệ phí thi là đỗ hết ấy mà, ít trượt lắm” - một nam SV nói.

Mặc dù đang giờ học nhưng nhiều SV không ngần ngại bỏ ra ngoài nói chuyện điện thoại, một vài người ngủ gục trên bàn, có người thì say sưa đọc truyện trong khi giáo viên vẫn đang giảng bài. Khi tôi thắc mắc học làng nhàng vậy thì làm sao thi qua môn được, một SV tiết lộ: “Mỗi khi đến kỳ thi hết môn, một thành viên trong lớp thường phải đóng vài trăm ngàn tiền “chống trượt” (tùy theo sự bàn bạc của cả lớp). Nhưng môn nào cũng có người thi lại, học lại. Vì vậy, bạn nào cảm thấy không tự tin thì có thể đến gặp riêng giáo viên”.

Không đủ điều kiện cũng đào tạo

Theo quy định của luật Giáo dục thì “Cơ sở giáo dục ĐH khi thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên lấy bằng tốt nghiệp CĐ, ĐH chỉ được liên kết với cơ sở giáo dục tại địa phương là trường ĐH, CĐ, TC, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh với điều kiện cơ sở giáo dục tại địa phương bảo đảm các yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị và cán bộ quản lý cho việc đào tạo trình độ CĐ, ĐH”. Tuy nhiên, hiện nhiều trường ĐH liên kết với những đơn vị chưa đủ điều kiện như: ĐH Điện lực liên kết với Trung tâm hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho nông dân và miền núi (thuộc Hội Khoa học - Kinh tế Việt Nam) để đào tạo liên thông ngành kế toán cấp bằng ĐH chính quy. Trường  ĐH Công đoàn liên kết với Trung tâm dạy nghề của Q.Thanh Xuân Hà Nội để đào tạo liên thông từ TC lên ĐH hệ chính quy...

Cũng theo quy định của Bộ GD-ĐT, các đơn vị liên kết chỉ cung cấp các điều kiện về cơ sở vật chất, quản lý học viên chứ không được phép tuyển sinh. Thế nhưng thực tế, các đơn vị liên kết với các trường ĐH vẫn công khai đứng ra chiêu sinh và đào tạo.

Vũ Thơ - Hà Ánh

Vũ Thơ - Lê Quân

10/12/2011 – thanhnien.com.vn

Bài viết liên quan

974
  Tải tài liệu