Trường nghề ở TPHCM - Nhiều nhưng chưa tinh

Quy tụ số trường nghề, cơ sở dạy nghề nhiều nhất cả nước, TPHCM hiện có 500 đơn vị dạy nghề.  Tuy bức tranh dạy nghề đang dần được cải thiện, có nhiều điểm sáng hơn so với trước đây nhưng nhìn tổng thể vẫn èo uột, phát triển bát nháo, thiếu quy hoạch, đầu tư dàn trải. Làm thế nào để tạo ra hệ thống dạy nghề đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ năng đạt chuẩn để phát triển, hội nhập?

585
  Tải tài liệu

“Phá sản” giáo dục hướng nghiệp

Đã bước vào mùa tuyển sinh mới năm 2015-2016, nhưng nhiều trường nghề gồm: cao đẳng (CĐ), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), cao đẳng nghề (CĐN), trung cấp nghề (TCN), trung tâm dạy nghề (TTDN) thuộc TPHCM vẫn đang thấp thỏm, mong chờ người học ở TPHCM lẫn ngoài tỉnh đến đăng ký nhập học. Trường lớp, đội ngũ giáo viên đã sẵn sàng nhưng tình trạng “ế ẩm” vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu, thậm chí tệ hơn. Dù quảng cáo, mời gọi bằng đủ chiêu, nhưng nhiều trường nghề chỉ tuyển sinh được vài chục đến vài trăm học viên và so với chỉ tiêu chỉ đạt 10% - 30% là cùng. Trừ những trường CĐN, TCCN có thương hiệu, đầu tư bài bản - có môi trường đào tạo nghề tốt, cam kết “bao thầu đầu ra - tạo việc làm” vẫn tạo được sức hút, tuyển sinh tương đối tốt. Điển hình như Trường CĐ Nghề TPHCM, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, Trường CĐ Kỹ thuật Phú Lâm, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức… Tuy nhiên, cũng có trường CĐCN và CĐN chỉ mới tuyển được trên 50%, còn dư công suất đào tạo lớn. Riêng những trường nghề trọng điểm được đầu tư nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia như Trường Trung cấp Công nghệ kỹ thuật Hùng Vương cũng thu hút học sinh nhờ môi trường học nghề chuẩn hóa.

Số đông còn lại rầu rĩ, đứng ngồi không yên vì người học ít tìm đến hoặc đến rồi bỏ đi tìm cơ hội vào “đại” ĐH hoặc CĐ còn “oai” hơn lấy bằng TCN, TCCN. Vì thế, bức tranh tuyển sinh ở nhiều trường TCCN, TCN, TTDN vẫn trong tình trạng èo uột, thoi thóp vì quá ít học viên, thu không đủ bù chi. Hiệu trưởng Trường TCN Công nghệ thông tin Sài Gòn Đỗ Hữu Khoa cho biết, đến giờ này trường mới tuyển sinh được vào chục em (đạt 5%) và phải chờ “lọt sàng xuống nia” sau khi các trường ĐH, CĐ khép lại cánh cửa tuyển sinh. Tương tự, Trường TCCN Nguyễn Hữu Cảnh cũng có cơ ngơi khang trang, đầu tư nâng cấp trang thiết bị hiện đại, có nhiều chương trình đào tạo liên kết quốc tế nhưng hàng năm cũng không tuyển đủ chỉ tiêu được giao.

Không như dự báo Bộ GD-ĐT đã tuyên bố rằng đổi mới cách tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ góp phần phân luồng học sinh, tạo sinh khí mới cho lĩnh vực học nghề. “Việc mở ra quá nhiều trường ĐH và nhiều trường đang tìm mọi cách lôi kéo sinh viên, kể cả không đủ chuẩn trình độ thì còn cửa nào cho dạy nghề, làm “thợ”? Với cách tuyển sinh mới này, chỉ có học sinh cùng đường mới chọn trường nghề, còn lại đều chấp nhận “học đại”, miễn có tấm bằng cử nhân. Như thế chúng ta đã phá sản với mục tiêu mà giáo dục hướng nghiệp đã đặt ra…”, đại biểu HĐND TPHCM Đinh Phương Duy bức xúc.

Bỏ ngỏ quy hoạch, đầu tư tràn lan

Hiện trên địa bàn TPHCM có gần 500 cơ sở dạy nghề thuộc công lập lẫn ngoài công lập do Sở GD-ĐT và Sở LĐTB-XH quản lý. Trong số này, Sở LĐTB-XH TPHCM quản lý 433 cơ sở dạy nghề với 44 trường CĐN, TCN, 64 TTDN và hơn 300 cơ sở tư nhân khác. Sở GD-ĐT TPHCM quản lý 62 cơ sở gồm trường ĐH có dạy nghề, CĐ, TCCN khối công lập lẫn tư thục. Không thể phủ nhận hệ thống dạy nghề hoành tráng của TP này đã góp phần mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo ở các doanh nghiệp thuộc địa bàn TPHCM lên trên 72%. Tuy nhiên, đi giám sát thực trạng dạy nghề trên địa bàn TPHCM mới đây, các đại biểu HĐND TPHCM đã nhìn rõ bức tranh dạy nghề của TP còn nhiều lỗ hổng, phát triển thiếu đồng bộ, quản lý chồng chéo, đầu tư manh mún. Tuy mở rộng quy mô đào tạo, đa dạng hóa hình thức đào tạo, mở rộng mô hình liên kết đào tạo nghề với quốc tế... nhưng chất lượng đào tạo nghề nhìn chung chưa cao, chưa gắn với yêu cầu sử dụng của thị trường lao động.

Trước thực tế đầu tư tràn lan, manh mún và “chưa xong chỗ này đã bày chỗ khác” trong khi kinh phí của TP eo hẹp, bà Tô Thị Bích Châu, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TPHCM cho rằng, cần phải quy hoạch lại mạng lưới dạy nghề vì quản lý chồng chéo, cơ sở vật chất nơi thừa, nơi thiếu, không phát huy hết năng lực, công suất đào tạo. Có chăng sự lãng phí trong đầu tư dàn trải, manh mún, theo địa bàn và quận, huyện nào cũng phải có một trường nghề, TTDN nhưng không phát huy hết năng lực đào tạo? Ông Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường TCCN Nguyễn Đức Cảnh nêu bất cập: “Trong khi trường chúng tôi có công suất đào tạo lớn nhưng chưa khai thác, sử dụng hết vì thiếu nguồn tuyển sinh thì nghe nói quận 7 chuẩn bị đầu tư xây mới một TTDN. Như thế có cần thiết hay không?”.

Như thế, với mạng lưới dạy nghề lớn, dày đặc như hiện nay, TPHCM có cần xây thêm cơ sở dạy nghề mới hay chỉ cần quy hoạch, sắp xếp các nghề đào tạo theo năng lực, thế mạnh để tránh sự chồng chéo, thiếu nguồn tuyển hoặc đào tạo dư thừa? Hiệu trưởng CĐ Nghề TPHCM Lê Quốc Bình kiến nghị TPHCM nên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tiếp sức về vốn, mặt bằng cho những cơ sở dạy nghề có uy tín, thương hiệu để họ đào tạo ra sản phẩm nhân lực chất lượng cao, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của TPHCM và hội nhập cộng đồng ASEAN.

Bà Tô Thị Bích Châu, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TPHCM, cảnh báo nên xem xét kỹ nhu cầu và tận dụng, phát huy năng lực có sẵn của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn. Một vấn đề bất cập khác là đào tạo dư thừa, cơ cấu ngành nghề không hợp lý. Cụ thể, chỉ riêng ngành điều dưỡng đào tạo dư thừa và có ít nhất 6.000 người học xong bị thất nghiệp do khi tuyển sinh không nắm được nhu cầu của thị trường lao động sau 3 năm ra trường. Tương tự, ở những ngành nghề khác, tỷ lệ học xong có việc làm là bao nhiêu và những thông tin thống kê này còn mù mờ.

KHÁNH BÌNH
Nguồn: sggp.org.vn

Bài viết liên quan

585
  Tải tài liệu