“Mẹ bồng con” đào tạo trung cấp
“Mẹ bồng con” đào tạo trung cấp
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ năm 2012, các trường ĐH sẽ không đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).
Nhiều trường ủng hộ chủ trương này nhưng với nhiều năm đào tạo TCCN, việc giải quyết vấn đề cơ sở vật chất, đội ngũ của các trường cũng gặp nhiều vướng mắc. Không ít trường ĐH đã tính đến việc thành lập trường TCCN để giải quyết vấn đề này.
Tiền thân là trường trung cấp nên sau khi được nâng cấp lên CĐ rồi ĐH, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM vẫn tiếp tục tuyển sinh bậc TCCN. Khoa đào tạo trung học của trường cũng là nơi gắn kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để phân luồng học sinh, đào tạo TCCN cho học sinh tốt nghiệp THCS hoặc chưa tốt nghiệp THPT trên địa bàn thành phố. Do đặc thù như vậy nên khoa này có đội ngũ giảng viên riêng chỉ chuyên đào tạo trung học. Ngoài các ngành đã được đào tạo ở các bậc cao hơn, bậc TCCN của trường còn có riêng ngành kỹ thuật nấu ăn. Toàn bộ cơ sở vật chất như phòng thực hành, đồ dùng dạy học và giáo viên cũng được tuyển dụng riêng chứ không sử dụng chung như những ngành khác.
Thừa giáo viên
Một cán bộ của trường cho biết tổng cộng có khoảng 100 giáo viên tham gia dạy TCCN. Nhiều giáo viên được tuyển dụng chỉ để dạy TCCN nên mới chỉ có bằng ĐH. Giờ không đào tạo TCCN, về lý thuyết họ vẫn có thể dạy CĐ. Tuy nhiên để tiếp cận và dạy CĐ cũng rất khó bởi phương pháp dạy khác nhau, phải qua quá trình tiếp cận, cần phải có thời gian. Trước mắt chưa biết bố trí họ vào vị trí nào cho phù hợp.
Việc giải quyết vấn đề đội ngũ, cơ sở vật chất của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM còn căng thẳng hơn. Theo ông Nguyễn Xuân Hoàn - phó hiệu trưởng - hiện có hơn 400 giáo viên tham gia dạy TCCN. Đây là vấn đề trường đang đau đầu tìm hướng giải quyết bởi không thể cho họ nghỉ việc trong khi chưa thể bố trí giảng dạy ở bậc cao hơn. “Thời gian để những giáo viên này có thể hoàn thành việc chuyển đổi học lên bậc cao hơn cũng phải mất từ hai đến bốn năm. Trong thời gian này chưa biết sẽ bố trí họ vào vị trí nào cho phù hợp. Kinh phí đầu tư trang thiết bị cho bậc TCCN chiếm khoảng 20% đầu tư của trường và số trang thiết bị này chắc chắn sẽ phải thanh lý”.
Cũng xuất thân từ trường trung cấp, sau đó được nâng lên CĐ và ĐH, hiện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tuyển mỗi năm trên 5.000 chỉ tiêu. Tuy chỉ tiêu TCCN giảm từ hơn 8.000 các năm trước xuống còn 5.200 trong năm 2011 nhưng với số lượng này, đội ngũ giáo viên dạy TCCN của trường cũng lên đến con số 400. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - hiệu trưởng nhà trường - cho rằng hiện chỉ tiêu TCCN chiếm 50% trong tổng số chỉ tiêu của trường. Việc đào tạo giáo viên lên trình độ cao hơn phải mất một khoảng thời gian dài, cần phải có lộ trình chứ cắt ngang thì trường cũng không biết bố trí họ vào vị trí nào.
Trong khi đó, Th.S Lý Thị Phương Hoa, trưởng ban đào tạo khoa điều dưỡng - kỹ thuật y học Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết do đào tạo các ngành đặc thù nên việc đầu tư trang thiết bị giảng dạy, máy móc thực hành rất tốn kém. Tuy nhiên máy móc này có thể tận dụng cho bậc ĐH. Tiền thân của khoa là Trường trung cấp Kỹ thuật y tế T.Ư3 được sáp nhập Trường ĐH Y dược TP.HCM, đa số giáo viên đã học lên cao hơn và có thể dạy bậc ĐH trong khi cũng còn một bộ phận giáo viên vẫn là ngạch giáo viên trung học, chưa phải ngạch giảng viên.
Trường TCCN trong trường ĐH
Hầu hết trường ĐH đều đồng tình với chủ trương không đào tạo TCCN nhưng đề nghị cần phải có lộ trình để các trường giải quyết các vấn đề về đội ngũ, cơ sở vật chất đã đầu tư. Và để tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trên, không ít trường ĐH dự kiến thành lập trường TCCN để giải quyết bài toán này. Tuy nhiên theo các trường, mô hình trường "mẹ bồng con" chỉ là giải pháp tình thế trong lộ trình chuyển đổi giáo viên lên bậc cao hơn cũng như sẽ giảm dần chỉ tiêu tiến đến chấm dứt đào tạo bậc TCCN trong trường ĐH.
Ông Nguyễn Xuân Hoàn nhấn mạnh: để giải quyết những khó khăn trên, có thể trường sẽ phải thành lập trường trung cấp, nếu không sẽ lãng phí rất lớn nguồn lực mà trường đã đầu tư. Tuy nhiên chỉ tiêu sẽ giảm xuống và dần dần sẽ không còn đào tạo TCCN nữa”. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng trường mới vừa được nâng cấp lên ĐH và chỉ tiêu ĐH chỉ chiếm 10% tổng chỉ tiêu, CĐ chiếm 40%, còn lại là TCCN. Do đó trường dự kiến thành lập trường TCCN để giải quyết bài toán giáo viên và cơ sở vật chất hiện có. Tuy nhiên, khi chỉ tiêu ĐH nâng lên, đội ngũ đã được chuyển đổi thì chỉ tiêu TCCN sẽ giảm dần.
Ngoài việc thành lập trường TCCN ngay tại trường ĐH, một số trường cũng đã chủ trương lấy một cơ sở hay phân hiệu của mình để thành lập trường TCCN. Một cán bộ quản lý Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết dự kiến cơ sở của trường tại Nha Trang sẽ được đầu tư để thành lập trường TCCN tại đây. Trong khi đó, ông Hoàng Xuân Quảng - phó hiệu trưởng Trường ĐH An Giang - cho biết cơ sở 2 của trường trước đây vốn là Trường trung cấp nông nghiệp được sáp nhập vào trường. Đội ngũ giảng viên cũng chuyển về trường từ đó. Tuy nhiên, mới đây UBND tỉnh An Giang dự kiến lấy lại cơ sở này để thành lập một trường trung cấp đa ngành tại địa phương.
Thiếu nơi đào tạo ngành đặc thù TS Lý Văn Xuân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho biết hiện một số ngành TCCN của trường khá đặc thù như kỹ thuật hình ảnh, vật lý trị liệu, gây mê hồi sức, kỹ thuật phục hình răng... có rất ít, thậm chí không có nơi nào ở miền Nam đào tạo. Do đó, nếu trường ngưng đào tạo thì nhân lực cung cấp cho ngành y tế sẽ bị hụt. Bộ GD-ĐT quy định như vậy thì trường phải tuân thủ, nhưng trường cũng sẽ chuẩn bị chương trình để mở đào tạo bậc CĐ trong năm tới để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành. Cũng với đặc thù đào tạo, PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn - hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM - cho rằng một số ngành TCCN của trường như khí tượng, trắc địa bản đồ, môi trường... ở khu vực phía Nam hầu như không có nơi nào đào tạo. Hơn nữa, nhu cầu nhân lực của các ngành này rất lớn. Ông Tuấn lo ngại nếu ngưng đào tạo, người học sẽ không có chỗ để học và nhân lực cung ứng cho xã hội sẽ bị thiếu hụt. |
MINH GIẢNG
Nguồn: tuoitre.vn