Thanh tra, lộ ra yếu kém

41 ngành học của 16/24 trường ĐH không có tiến sĩ, 12 ngành không có cả tiến sĩ lẫn thạc sĩ, thậm chí có ngành chưa có giảng viên cơ hữu

643
  Tải tài liệu

Sau rất nhiều năm dư luận lên tiếng về chất lượng đào tạo của các trường ĐH, CĐ mới thành lập, Bộ GD-ĐT đã có đợt thanh tra đầu tiên ở 24 trường (8 trường công lập, 16 trường ngoài công lập) trên cả nước.

Dân lập, công lập đều “dính”

Ngay trong đợt thanh tra này, rất nhiều tồn tại của giáo dục ĐH đã được phơi bày: Lực lượng giảng viên quá mỏng, có tới 10 trường chưa đầy 100 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn. Đặc biệt, có 3 trường có số giảng viên cơ hữu chưa đến 60 người là Trường ĐH Nguyễn Trãi (55 người), Trường ĐH Văn Hiến (52 người), Trường ĐH Hà Hoa Tiên (59 người).

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, khi mở ngành phải có ít nhất 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy có tới 41 ngành học của 16/24 trường không có tiến sĩ, 12 ngành không có cả tiến sĩ lẫn thạc sĩ, thậm chí có ngành chưa có giảng viên cơ hữu. thực tế này diễn ra không chỉ ở trường dân lập mà ở cả các trường công lập.

Có thể dẫn chứng cụ thể như Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có tới 6 ngành không có giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, gồm: ngôn ngữ Anh, Việt Nam học, công nghệ may, công nghệ kỹ thuật nhiệt, tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh; Trường ĐH Công nghiệp TPHCM có 1 ngành đào tạo chưa có tiến sĩ là ngôn ngữ Anh; Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng có 4 ngành đào tạo chưa có tiến sĩ, gồm: thiết kế nội thất, quản lý xây dựng, kế toán và quản trị kinh doanh…

Cơ sở vật chất của các trường cũng rất hạn chế, nhiều trường vẫn còn phải đi thuê mượn địa điểm. Điều đáng nói là thực trạng không bảo đảm cam kết nói trên đã tồn tại từ nhiều năm nay và khác rất nhiều so với những gì mà các trường đưa ra trong các báo cáo về “3 công khai” (có chỉ tiêu về giảng viên và cơ sở vật chất) từ năm 2009.

Sẽ tiếp tục xử lý

Lần đầu tiên dư luận ghi nhận một quyết định mạnh tay của Bộ GD-ĐT khi cuối tháng 12-2011 đã thông báo quyết định tạm dừng tuyển sinh năm 2012 đối với Trường CĐ Công nghệ thông tin TPHCM, Trường ĐH Văn Hiến và Trường ĐH Dân lập Đông Đô và một số ngành học ở một số trường (Báo Người Lao Động ngày 30-12-2011 đã thông tin).

Cũng trong quyết định tạm dừng tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã chỉ rõ sai phạm của các trường này là diện tích đất quá nhỏ (thậm chí chưa có đất xây dựng trường như Trường ĐH Đông Đô, Trường ĐH Văn Hiến) và tỉ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu quá cao. Bộ GD-ĐT cũng đã cảnh báo một số trường ĐH khác, nếu đến năm 2013 vẫn chưa có đất xây dựng trường theo cam kết thì đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể trường.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga vừa cho phóng viên Báo Người Lao Động biết sau đợt thanh tra đầu tiên với 24 trường, sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành thanh, kiểm tra tất cả các trường ĐH, CĐ thành lập trong thời gian từ năm 1998 đến 2010, bao gồm cả trường công lập, ngoài công lập, trường được nâng cấp từ TCCN lên CĐ và từ CĐ lên ĐH... Đối với các trường bị tạm ngừng tuyển sinh, nếu nguyên nhân dẫn đến việc tạm ngừng tuyển sinh được khắc phục thì sẽ cho phép tuyển sinh trở lại.

Phải có động thái quyết liệt

Sau nhiều năm có vẻ như “giơ cao đánh khẽ” với các trường, quyết định cứng rắn vừa qua của Bộ GD-ĐT khiến dư luận bắt đầu có niềm tin rằng Bộ GD-ĐT sẽ “siết” các điều kiện bảo đảm chất lượng để nâng cao chất lượng đào tạo.

Còn nhớ hồi cuối năm 2009, khi xảy ra vụ lùm xùm tại Trường ĐH Phan Thiết, lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) đã khẳng định nếu sau 3 năm trường mới thành lập vẫn không đáp ứng được yêu cầu, Bộ GD-ĐT sẽ có những chế tài như buộc ngừng hoạt động... Tuy nhiên, từ đó đến tận cuối năm 2011, Bộ GD-ĐT mới có đợt thanh tra đồng bộ đầu tiên.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng không thể thay đổi giáo dục ĐH bằng hô hào suông mà phải có những động thái quyết liệt.

Bộ GD-ĐT đã thể hiện sự quyết tâm của mình và sự quyết tâm ấy còn cần được thể hiện mạnh mẽ trong những lần thanh tra tiếp theo.

Yến Anh

Nguồn: nld.com.vn

 

Bài viết liên quan

643
  Tải tài liệu