Tương lai chỉ áp dụng thi tuyển ở trường chất lượng cao

Tương lai chỉ áp dụng thi tuyển ở trường chất lượng cao

725
  Tải tài liệu

Xung quanh việc đổi mới công tác quản lý, giao quyền tự chủ cho các trường… GS-TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng GDĐH cần có một hệ thống pháp lý vững chắc, trong đó luật GDĐH là nền tảng.

Thưa ông, hiện đã có luật Giáo dục rồi thì tại sao lại cần phải có luật GDĐH?

Hơn 25 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước, GDĐH đã có những bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo vẫn chưa đáp ứng được sự mong đợi của xã hội. Về khách quan, do nguồn lực của nền kinh tế hiện nay của nước ta có hạn nên suất đầu tư cho mỗi sinh viên còn thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. Về chủ quan, hệ thống quản lý nhà nước đối với cơ sở GDĐH chậm được đổi mới nên chưa phát huy khả năng sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, các nhà quản lý và người học. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ: đổi mới giáo dục đào tạo phải được xuất phát từ khâu đổi mới công tác quản lý. GDĐH cần có một hệ thống pháp lý vững chắc, trong đó luật GDĐH là nền tảng.

Các trường có được giao quyền tự chủ khi luật GDĐH ra đời, thưa ông?

Việc giao quyền tự chủ ngay lập tức ở mức độ như nhau cho các trường sau khi luật GDĐH ra đời là hoàn toàn không khả thi trong điều kiện hiện nay. Trong thực tế, năng lực quản lý và bề dày kinh nghiệm của các trường ĐH ở nước ta còn khác biệt khá xa. Vì vậy, việc giao quyền tự chủ cho các trường cần có lộ trình phụ thuộc vào: vị trí, vai trò, nhiệm vụ; năng lực thực hiện quyền tự chủ; cam kết trách nhiệm khi thực hiện quyền tự chủ; kết quả kiểm định chất lượng GDĐH. Khi cơ sở GDĐH không còn đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ về đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế thì quyền tự chủ bị thu hồi; cơ sở GDĐH vi phạm khi thực hiện quyền tự chủ thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Hiện nay một số cơ sở giáo dục đã được giao quyền tự chủ cao như: ĐH Quốc gia, các ĐH vùng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Số lượng trường được giao quyền tự chủ sẽ được mở rộng dần cho đến khi tất cả các trường trong hệ thống được tự chủ theo quy định của luật GDĐH.

Bộ GD-ĐT cũng đã giao cho các trường trọng điểm nghiên cứu đề xuất phương án tự tuyển sinh. Nếu phương án khả thi thì có thể triển khai ngay. Trong giai đoạn trước mắt, khi chất lượng học sinh phổ thông chưa đồng đều, chúng ta kết hợp phương án thi tuyển và xét tuyển để đảm bảo chất lượng đầu vào. Trong tương lai, khi chất lượng học sinh phổ thông được cải thiện, mạng lưới ĐH được mở rộng, người học có đủ ý thức và trách nhiệm trong việc lựa chọn con đường học tập của mình, các trường chỉ cần xét tuyển và sàng lọc trong quá trình đào tạo. Thi tuyển khi đó chỉ còn áp dụng ở một số trường ĐH chất lượng cao, các trường ĐH nghiên cứu.

Nói như ông, luật GDĐH sẽ có tác động rất tích cực đến người học và các cơ sở giáo dục?

Quyền tự chủ đi kèm với tự chịu trách nhiệm của cơ sở. Trách nhiệm lớn nhất của cơ sở giáo dục đối với xã hội là bảo đảm chất lượng cho sinh viên tốt nghiệp. Như vậy nếu luật Giáo dục quy định giá trị pháp lý của văn bằng do các trường cấp là như nhau thì trong dự luật GDĐH giá trị văn bằng được cụ thể hóa thông qua chất lượng đào tạo gắn liền với tên tuổi của nhà trường.
 
Khi được tự chủ hoàn toàn, các trường phải ra sức nâng cao chất lượng đào tạo. Đó là yếu tố sống còn của trường ĐH. Nếu chất lượng nhà trường không đảm bảo thì trường sẽ không thu hút được người học dẫn đến nguy cơ giải thể trường.

Hiện nay, rất nhiều thí sinh có kết quả thi trên điểm sàn ĐH nhưng đã chọn học CĐ để có một nghề nghiệp vững chắc rồi tiếp tục học bậc cao hơn khi có điều kiện sau này. Đây là dấu hiệu tốt. Khi người dân đã có trách nhiệm với chính mình trong việc lựa chọn con đường học tập, các cơ sở GDĐH tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động của mình, sức mạnh tổng hợp của hệ thống các trường ĐH sẽ được khơi thông, chất lượng đào tạo nâng cao sẽ là điều tất yếu. Đó là tác động mạnh mẽ mà xã hội chờ đợi ở luật GDĐH.

Đăng Trình

15/11/2011 – thanhnien.com.vn

Bài viết liên quan

725
  Tải tài liệu