Hướng nghiệp kém, trường nghề đìu hiu
Nên hướng nghiệp từ lớp 9
Lãng phí nguồn nhân lực
Nên thống nhất quản lý
Công tác hướng nghiệp kém vừa tạo gánh nặng cho xã hội vừa mất cân đối ngành nghề trong thị trường lao động, gây lãng phí nguồn nhân lực
Hướng nghiệp cho học sinh rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay công tác hướng nghiệp còn quá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm một kiểu, thiếu lực lượng hướng nghiệp viên, thiếu tài liệu… Quan trọng hơn, công tác hướng nghiệp chưa được những nhà làm giáo dục xem trọng đã dẫn đến hiện tượng “thừa thầy thiếu thợ” triền miên trên thị trường lao động. Đó là nhận định của đa số đại biểu tại tọa đàm “Giải pháp để nâng cao chất lượng trong công tác hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo nghề” do các đơn vị GD-ĐT trên địa bàn TPHCM tổ chức mới đây.
Nên hướng nghiệp từ lớp 9
Số liệu thống kê cho thấy sau khi tốt nghiệp THCS, khoảng 20% học sinh không học tiếp lên THPT. “Các em sẽ làm gì nếu không được định hướng nghề nghiệp đúng? Chính vì vậy, chúng ta phải hướng nghiệp cho học sinh ngay từ lớp 9” - ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, nhận định. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại cơ sở dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) rất thấp: Năm học 2006-2007, dạy nghề chỉ chiếm 3,1%, còn TCCN là 1,4%. Riêng năm học 2007-2008, tỉ lệ này là 2,5% và 1,8%. Trong khi đó, chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001-2010 đặt mục tiêu phải thu hút 15% học sinh vào các trường TCCN, 15% vào trường nghề.
Nhiều năm trở lại đây, công tác tuyển sinh trong các trường TCCN, trường nghề gặp nhiều khó khăn. Nhiều nguyên nhân được các nhà chuyên môn đưa ra nhưng dễ dàng nhận thấy là các trường TCCN, trường nghề đã bỏ quên công tác hướng nghiệp hoặc có làm nhưng chưa đến đúng nơi, đúng đối tượng. Ông Tạ Văn Doanh, Tổng Biên tập Báo Giáo Dục TPHCM, nhấn mạnh: “Các trường TCCN, trường nghề cần xác định đối tượng học viên của mình nằm ở đâu để hướng nghiệp có hiệu quả. Nếu chúng ta đến trường THPT để mời gọi các em đi học nghề sẽ rất khó thuyết phục học sinh lẫn phụ huynh bởi học sinh THPT là đối tượng mà các trường cao đẳng, đại học hướng đến”.
Lãng phí nguồn nhân lực
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, phát biểu: Hơn 1/3 học sinh chấp nhận “chờ” kỳ thi đại học, cao đẳng năm sau chứ không học nghề. Điều này vừa tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội vừa lãng phí nguồn nhân lực của đất nước. Mặt khác, hướng nghiệp không tốt dẫn đến hiện tượng đa số học sinh không có sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên khi rớt đại học đã chọn “đại” một ngành, một trường để học. Có ngành thí sinh đổ xô, chen chân học; có ngành chỉ lác đác vài thí sinh, dẫn đến mất cân đối ngành nghề nghiêm trọng trên thị trường lao động.
Ông Tuấn khuyên: “Thực tế đã minh chứng khi bước vào thị trường lao động, trình độ, cấp bậc chỉ là phần cơ bản của nghề, điều cốt lõi là mỗi người lao động phải có được năng lực hành nghề. Đó mới chính là thước đo giá trị mỗi người chứ không phải là học ở đâu, trường nào”. Chính vì vậy, để giúp học sinh có điều kiện xác định nghề nghiệp trên cơ sở đánh giá năng lực bản thân, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội; từ đó đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của địa phương, đất nước thì công tác hướng nghiệp phải căn cơ, hiệu quả.
Nên thống nhất quản lý Theo thống kê của Báo Giáo Dục TPHCM, 70% học sinh bước vào đời chưa qua hướng nghiệp nên chọn nghề, chọn trường theo cảm tính. Còn khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thị trường lao động TPHCM cho thấy chỉ có 30% sinh viên ra trường có việc làm; 80% không có việc làm trong 3 tháng; 50% thất nghiệp trong 6 tháng hoặc làm trái nghề; 30% thất nghiệp trong một năm. Hiện nay, Bộ GD-ĐT quản lý các trường TCCN, còn Bộ LĐ-TB-XH quản lý trường nghề. “TCCN là học chuyên về một nghề nào đó nên xét cho cùng cũng là học nghề. Nên chăng cần hợp nhất giữa hai hệ đào tạo để chấm dứt tình trạng cha chung không ai khóc”- ông Nguyễn Thạc San, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Thương TPHCM, đề nghị. |
Phan Anh
19/11/2011 – nld.com.vn