Đào tạo bậc Cao đẳng, trường Đại học phải đăng ký

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc ban hành danh mục và phân công Bộ LĐ-TB-XH soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014.

863
  Tải tài liệu

Phóng viên Thanh Niên đã phỏng vấn PGS-TS Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Bộ LĐ-TB-XH, xung quanh những vấn đề mới phát sinh khi ban hành luật Giáo dục nghề nghiệp.
Hiện nay hệ thống trường CĐ và TCCN lên tới gần 600 trường. Trong khi đó các trường CĐ nghề và TC nghề cũng khoảng 500 trường. Vậy hệ thống trường TC, CĐ sẽ lên tới hơn 1.000 trường hay sẽ được quy hoạch lại?

Bộ đang hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát số lượng các trường CĐ nghề, TC nghề, trung tâm dạy nghề, trường CĐ, TCCN, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và các cơ sở khác có đăng ký hoạt động dạy nghề để tổng hợp, báo cáo quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý. Trên cơ sở đó, Bộ dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm: trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường TC, trường CĐ theo quy định tại khoản 1 điều 5 của luật Giáo dục nghề nghiệp.

Đến thời điểm luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực (1.7.2015) thì nhiều trường ĐH đã có thông báo tuyển sinh CĐ năm 2015. Đến tháng 8.2015, các trường bắt đầu xét tuyển. Như vậy, các trường ĐH có được tiếp tục xét tuyển CĐ trong năm nay không?

Trước ngày luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thì tất cả các cơ sở đào tạo vẫn tổ chức thực hiện tuyển sinh như bình thường. Do đó, năm học 2014 - 2015 các trường ĐH sẽ tiếp tục tuyển sinh CĐ, đào tạo cho đến khi kết thúc khóa học và cấp bằng theo quy định. Sau khi luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thì tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tuân theo quy chế tuyển sinh đào tạo do thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định.

Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định các trường ĐH muốn đào tạo và cấp bằng CĐ sẽ phải đăng ký. Vậy các trường cần đăng ký cho cơ quan nào?

Tại khoản 2 điều 19 của luật Giáo dục nghề nghiệp quy định “Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp chỉ được tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp”. Như vậy, các trường ĐH muốn đào tạo và cấp bằng CĐ phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các trường lập hồ sơ, gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương.

Luật Giáo dục có phải chỉnh sửa gì không để phù hợp với luật Giáo dục nghề nghiệp?

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau".

Luật Giáo dục nghề nghiệp đã ban hành có điều khoản về việc sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của luật Giáo dục và luật Giáo dục ĐH. Vì vậy, cả hai luật Giáo dục và Giáo dục ĐH cũng không phải chỉnh sửa gì. Sau này, khi mà hai luật này sửa đổi, bổ sung thì sẽ cập nhật những nội dung đã được điều chỉnh bởi luật Giáo dục nghề nghiệp.

Những ngành sư phạm, y tế, nghệ thuật có quy định riêng gì không, hay người tốt nghiệp nhóm ngành này cũng được gọi là kỹ sư thực hành?

Theo luật Giáo dục nghề nghiệp, sinh viên học hết chương trình đào tạo trình độ CĐ theo niên chế nếu đạt đủ các điều kiện thì được xét công nhận tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp CĐ và công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành. Như vậy, người tốt nghiệp CĐ khối ngành kỹ thuật công nghệ được công nhận là kỹ sư thực hành. Người tốt nghiệp CĐ khối ngành khác được công nhận là cử nhân thực hành.

Việc tuyển sinh các trường nghề những năm qua hết sức khó khăn, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ có chiến lược gì để thu hút được người học và đảm bảo đầu ra? Ông có kỳ vọng sẽ thay đổi tình hình khi có luật Giáo dục nghề nghiệp?

Chúng tôi kỳ vọng việc tuyển sinh vào giáo dục nghề nghiệp sẽ thuận lợi hơn vì luật Giáo dục nghề nghiệp cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân của VN, làm thay đổi toàn diện cấu trúc hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng thống nhất. Các cấp trình độ đào tạo CĐ, TC, sơ cấp tương thích với hệ thống giáo dục nghề nghiệp của các nước trong khu vực ASEAN, thế giới và đảm bảo tính hội nhập quốc tế trong đào tạo và phù hợp với các nguyên tắc VN đã ký kết với các nước trong khu vực ASEAN nhằm tiến tới xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Việc liên thông giữa trình độ giáo dục nghề nghiệp với trình độ giáo dục đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt liên thông lên ĐH theo hướng thực hành thuận lợi hơn sẽ khuyến khích học sinh vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Mỹ Quyên (thực hiện)
Nguồn: thanhnien.com.vn

Bài viết liên quan

863
  Tải tài liệu