Chỉ tuyển người có học lực khá vào diện cử tuyển đại học
Sau 14 năm, quy định tuyển sinh chế độ cử tuyển với học sinh và sinh viên dân tộc thiểu số đã có những điều chỉnh đáng kể, với yêu cầu đầu vào cao hơn hẳn về học lực, hạnh kiểm.
Đây là nội dung quan trọng của Nghị định 141 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số vừa ban hành, chính thức có hiệu lực từ tháng 1.2021 tới.
Chỉ tuyển người dân tộc thiểu số
Cử tuyển là việc tuyển sinh qua phương thức xét tuyển vào ĐH, CĐ, TC. Nguyên tắc cử tuyển đúng đối tượng và tiêu chuẩn, đảm bảo người đi học theo chế độ này được xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp.
Phạm vi áp dụng của chế độ cử tuyển theo nghị định này là người dân tộc thiểu số gồm: người dân tộc thiểu số rất ít người; người dân tộc thiểu số ở vùng điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.
Như vậy, nghị định mới có sự điều chỉnh quan trọng về đối tượng áp dụng chế độ cử tuyển so với trước đây - không còn áp dụng cho người Kinh. Theo nghị định 134/2006, bên cạnh người dân tộc thiểu số thì đối tượng cử tuyển còn áp dụng cho công dân Việt Nam thuộc các dân tộc có thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh, trong đó ưu tiên xét tuyển người dân tộc thiểu số và tỷ lệ người dân tộc Kinh được cử tuyển không vượt quá 15% so với tổng số chỉ tiêu được giao.
Nâng chuẩn đầu vào tuyển sinh
So với nghị định cũ, tiêu chuẩn tuyển sinh cử tuyển cũng có khác biệt với yêu cầu cao hơn.
Theo đó, tiêu chuẩn chung là thường trú từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi (hoặc cha hoặc mẹ), người trực tiếp nuôi dưỡng sống tại vùng này; không quá 22 tuổi đến năm tuyển sinh và đạt các tiêu chuẩn sơ tuyển theo yêu cầu.
Ngoài ra, ở từng bậc học đều có các tiêu chuẩn riêng cụ thể. Bậc ĐH yêu cầu tốt nghiệp THPT; xếp loại hạnh kiểm loại tốt các năm bậc THPT; xếp loại học lực năm cuối cấp đạt loại khá trở lên. Học sinh này phải có thời gian học đủ 3 năm và tốt nghiệp THPT tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo quy định hoặc tại trường phổ thông dân tộc nội trú.
Người cử tuyển vào bậc CĐ có yêu cầu hạnh kiểm tốt, học lực năm cuối cấp trung bình trở lên.
Trong khi theo quy định trước đó, người được cử tuyển vào ĐH, CĐ cần tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp, xếp loại hạnh kiểm năm cuối cấp (hoặc xếp loại rèn luyện năm cuối khóa) đạt loại khá trở lên; xếp loại học tập năm cuối cấp (hoặc cuối khóa) đạt trung bình trở lên đối với người dân tộc thiểu số và loại khá trở lên đối với người dân tộc Kinh. Độ tuổi tối đa với người dự tuyển cũng được nới rộng hơn, không quá 25 tuổi tính đến năm tuyển sinh.
Bố trí việc làm ra sao?
Người theo học chế độ cử tuyển được cấp học bổng, miễn học phí và hưởng các chế độ ưu tiên khác theo quy định hiện hành trong thời gian đào tạo. Học xong được tiếp nhận hồ sơ để xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp.
UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc tổ chức xét tuyển và bố trí việc làm với người học cử tuyển sau khi tốt nghiệp theo quy định của Chính phủ. Thời gian người học theo chế độ này chờ xét tuyển và bố trí việc làm tối đa 12 tháng kể từ ngày tiếp nhận đổ hồ sơ để xét tuyển.
Nghị định này cũng nêu rõ những trường hợp người học phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo. Cụ thể gồm: người tự thôi học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học (trừ trường hợp bất khả kháng); không chấp hành việc xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp theo cam kết; có thời gian làm việc sau khi tốt nghiệp theo vị trí việc làm do UBND cấp tỉnh điều động ít hơn 2 lần thời gian hưởng học bổng và chi phí đào tạo; bị kỷ luật thôi việc trong thời gian đang chấp hành nghĩa vụ làm việc theo sự điều động.
Chi phí bồi hoàn kinh phí gồm học bổng và các khoản chi phí đào tạo đã được ngân sách nhà nước cấp khi đi học.
Như vậy, khi nghị định 141 được thực thi, việc tuyển sinh đầu vào chế độ cử tuyển sẽ có nhiều điểm mới quan trọng. Đáng chú ý trong đó là việc chỉ tuyển người có học lực khá năm cuối cấp vào bậc ĐH.
Hà Ánh
thanhnien.vn – 29/12/2020