Vỡ mộng trường quốc tế

Vỡ mộng trường quốc tế

623
  Tải tài liệu

“Tiền mất tật mang”

Trong hai ngày 12 và 13-11, hàng trăm học viên và phụ huynh đã tụ tập trước trụ sở Trường Kinh doanh Melior (Việt Nam melior Business School-MBS Vietnam) để đòi lại quyền lợi nhưng bất thành. Sau khi thông báo đóng cửa trường đột ngột, Giám đốc MBS đã cao chạy xa bay.

Trong nỗi niềm lo lắng, tức giận vì bị lừa dối, các học viên đã làm đơn cầu cứu các cơ quan chức năng và đơn vị cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực dạy nghề là Sở LĐTB-XH TPHCM. Đại diện Thanh tra Bộ GD-ĐT ở phía Nam đã có mặt ghi nhận phản ánh của học viên. Nhiều học viên phản ánh rằng họ đã đóng số tiền lớn để học chương trình cử nhân, trong đó có người mới theo học được 1-2 học kỳ và có người đã hoàn thành khóa học chỉ chờ lấy bằng tốt nghiệp do Singapore cấp.

Mức học phí một khóa học: tiếng Anh là 900 USD (3 tháng), học chuyên ngành là 2.000 USD. Để được giảm học phí, có nhiều học viên đã đóng số tiền trọn gói từ vài ngàn USD đến trên 10.000 USD. Điều đáng nói là khi học viên, phụ huynh tỏ ra lo lắng trước quyết định trường bị xử phạt vì đào tạo trái phép, ông Cheng Sim Kok, Tổng giám đốc MBS, còn trấn an học viên “không có chuyện gì, nhà trường đang tìm cách hóa giải trục trặc này”. Tin trường, nhiều tân học viên bị hối thúc đóng học phí cả ngàn USD nhưng chẳng bao giờ có cơ hội được nhập học.

Một số học viên cảm thấy bấp bênh, đã đề nghị rút tiền học phí nhưng trường không giải quyết. Bạn Trần Hoàng cho biết: “Tôi đăng ký học cử nhân ngành quản trị kinh doanh và đã đóng tổng cộng gần 10 triệu đồng. Khi biết thông tin trường không được đào tạo liên thông lên đại học đã làm đơn xin rút tiền nhưng không được chấp thuận”.

Khi nhận được thông tin thông báo trường đóng cửa trên Facebook từ cách đây vài ngày, nhiều học viên té ngửa, không tin mình bị “trường mác ngoại” lừa một cách ngoạn mục. Bởi lẽ, trước khi giám đốc ôm tiền bỏ trốn, mọi hoạt động đào tạo vẫn diễn ra bình thường, thậm chí ngay cả những người được bổ nhiệm làm đại diện nhà trường cũng không hay biết, còn các giảng viên người nước ngoài cũng bị giám đốc nợ tiền lương.

Trong báo cáo giải trình gởi Sở LĐTB-XH TPHCM mới đây, MBS cho biết đã giải quyết quyền lợi cho người học, trong đó 29 trường hợp hoàn trả lại học phí, số còn lại sẽ đào tạo tiếp tại Việt Nam hoặc chuyển qua Singapore. Thế nhưng, những người có quyết định trả lại tiền vào ngày 12-11 cũng trắng tay, ấm ức ra về. Được biết tài khoản của MBS hiện nay trống rỗng nên khả năng hoàn trả phí là rất thấp.

Quyền lợi: bấp bênh

Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTB-XH TPHCM, Sở LĐTB-XH TP đã có công văn gởi UBND TPHCM đề nghị chỉ đạo hướng xử lý, giải quyết khẩn cấp để bảo vệ quyền lợi cho người học.

Cụ thể, TP chỉ đạo các cơ quan phong tỏa tài khoản ngân hàng của Công ty TNHH Melior Việt Nam và đề nghị cơ quan Công an tạm dừng xuất cảnh khỏi Việt Nam đối với ông Cheng Sim Kok, Tổng giám đốc MBS. Hiện Sở LĐTB-XH TP đang nắm lại danh sách học viên và mức đóng học phí của từng người để có hướng xử lý.

Vào thời điểm Thanh tra Bộ GD-ĐT phát hiện sai phạm đào tạo vượt cấp - chỉ được cấp phép đào tạo nghề và chứng chỉ nghề ngắn hạn nhưng MBS lại quảng cáo, tuyển sinh đào tạo hệ cử nhân, thạc sĩ. Trường Melior có 330 học viên đang theo học với thời gian khác nhau. Mặc dù đã bị thổi còi, xử phạt đến lần thứ hai với tổng số tiền 80 triệu đồng nhưng Trường Melior vẫn tiếp tục quảng bá chiêu sinh và thu học phí theo giá quốc tế với số tiền khổng lồ.

Lẽ ra, khi phát hiện sai phạm đào tạo “chui” ở cơ sở này, các cơ quan chức năng phải phối hợp xử lý, rốt ráo kiểm tra, ngăn chặn việc đào tẩu của người đứng đầu Trường Melior thì hậu quả nặng nề không đổ lên đầu người học. Cay đắng vì “tiền mất tật mang”, một học viên chia sẻ: “Sau lần dại dột này, tôi sẽ tìm hiểu kỹ hơn về pháp nhân, năng lực đào tạo của trường ngoại”.

Nghe tin Trường Melior đóng cửa, học viên không lấy được tiền học phí, một số học viên, phụ huynh ở Công ty TNHH Nghiên cứu và Giáo dục Việt Nam (ERC) - Trường ERC ở gần đó cũng hoang mang vì trường cũng nằm trong danh sách bị Bộ GD-ĐT xử phạt vì đào tạo vượt cấp và đề nghị UBND TP rút giấy phép đầu tư.

Hiện nay, trường có 370 học viên theo học chương trình cử nhân, cao đẳng và thạc sĩ, với mức học phí là 500 triệu đồng đối với cử nhân. Nhiều học viên đã đóng số tiền học trên 15.000 USD. Ngoài số ít học viên chuyển tiếp qua Singapore (16 người), hoàn trả học phí 31 người, trong báo cáo giải trình với Sở LĐTB-XH TPHCM mới đây, ERC cho biết số học viên còn lại sẽ đào tạo theo chứng chỉ nghề ERC Việt Nam.

Sau khi học xong, học viên nào có nguyện vọng học cao hơn sẽ chuyển sang Singapore học tiếp chương trình nghề tương thích như cử nhân, có kiến thức thực hành. Cách giải trình về khắc phục sai phạm cũng như chương trình đào tạo dự bị, đào tạo nghề theo chương trình cử nhân xem ra khó thuyết phục.

Khánh Bình

Nguồn: sggp.org.vn

Bài viết liên quan

623
  Tải tài liệu