Chọn sai nghề, có nên bắt đầu lại?
Chọn sai nghề, có nên bắt đầu lại?
Cuộc trò chuyện dưới đây với tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng, Viện Nghiên cứu giáo dục và tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Trưởng bộ môn Tâm lý học trường ĐH Sư phạm TP.HCM - người đã từng tham gia nhiều dự án tư vấn nghề nghiệp cho bạn trẻ, sẽ giúp bạn có cái nhìn đúng đắn hơn về định hướng nghề nghiệp.
* Thưa tiến sĩ, việc bạn trẻ chọn sai nghề sẽ gây ra hậu quả gì cho xã hội và cho chính bản thân?
- Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng: Chọn sai nghề không khác gì đeo gông vào cổ, như lấy phải người mình không yêu hoặc không phù hợp. Bạn không những không phát huy được năng lực, không thể đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp mà cái đáng tiếc là bạn đã đánh mất khoảng thời gian quý báu nhất của mình. Độ tuổi từ 18 đến 30 là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của trí tuệ, bạn mà không làm đúng nghề thì coi như bạn đã vuột mất nhiều cơ hội để tỏa sáng.
- Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn: Gần đây, chúng tôi có cuộc khảo sát đối với hơn 300 bạn trẻ thì có tới hơn 50% cho rằng mình đã chọn công việc chưa phù hợp. Một con số quả là gây căng thẳng. Bạn sẽ không thể toàn tâm toàn ý với công việc, cũng không thể đạt được đỉnh cao. Hậu quả trước tiên là cho bản thân: sự lãng phí thời gian, công sức và cả tiền bạc. Đối với xã hội, việc này làm cho vòng quay nguồn nhân lực lộn xộn, người lẽ ra giỏi ở nghề này thì lại đầu quân cho nghề khác, bất ổn cho phân công lao động và rõ ràng gây lãng phí cho xã hội về cả tiền bạc lẫn thời gian.
* Vậy chọn nghề như thế nào mới được coi là chọn đúng?
- Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng: Bạn trẻ muốn định hướng tốt nghề nghiệp, cần phải hiểu mình, hiểu nghề và hiểu nhu cầu trước mắt và tương lai của xã hội đối với ngành nghề đó. Ông John Holland, một nhà tâm lý học người Mỹ đã đưa ra lý thuyết về định hướng nghề mà hầu hết các nước đều sử dụng để trắc nghiệm. Bạn thuộc týp người nào trong số các týp sau: thực tiễn, nghiên cứu, nghệ sĩ, xã hội, kinh doanh, quy tắc? Ứng với mỗi týp người là một môi trường làm việc phù hợp. Rồi bạn phải hiểu được nghề đó đòi hỏi tố chất gì, đưa ra những thử thách gì mà bạn phải vượt qua. Bạn cũng phải đọc nhiều, xem nhiều để có những dự báo về nhu cầu của nghề nghiệp trong hiện tại và tương lai. Hiện nay tính dự báo về nhu cầu nghề nghiệp của ta còn bỏ ngỏ, chưa có ai đứng ra làm.
- Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn: Tôi cho rằng trong những lời khuyên về chọn nghề thì sở thích và hứng thú là yếu tố quan trọng nhất. Niềm đam mê sẽ giúp bạn trẻ hoàn thiện những thiếu hụt khác về năng lực, về điều kiện, hoàn cảnh... Hãy thấy được tầm quan trọng của việc mình chung sống suốt đời với nghề giống như là chung sống suốt đời với người tình mình đã chọn. Vì thế bạn phải có sự yêu thích và thấy mình phù hợp với nghề. Rất đơn giản, khi bạn không có tính quảng giao thì không nên chọn nghề nào phải tiếp xúc với quá nhiều người, như vậy sẽ khiến bạn luôn căng thẳng. Hoặc bạn yếu tim thì khó có thể làm nghề bác sĩ cấp cứu... Nghề bạn chọn phải phù hợp với xu thế của thời đại. Bởi bạn phải học 3 - 5 năm mới xong, lúc ra trường, biết đâu nghề bạn chọn lúc đầu lại không còn "hot" nữa.
* Nếu như đã trót chọn nhầm nghề rồi, ta nên làm lại từ đầu hay nỗ lực học hỏi để khắc phục và "tiếp tục chung sống"?
- Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng: Chúng ta không nên cứng nhắc vì con người luôn có khả năng thích nghi nhất định. Nếu cảm thấy không quá sai, thì trong quá trình làm việc, bạn từ từ học hỏi, điều chỉnh và hoàn toàn có thể thích nghi. Trong trường hợp sai quá thì dứt khoát phải "chia tay", tìm một "đối tượng" khác thật phù hợp để cuộc sống của mình thăng hoa, hạnh phúc hơn.
- Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn: Còn tùy thuộc vào việc bạn có chấp nhận làm người làng nhàng hay khát khao trở thành người đạt tới đỉnh cao trong nghề nghiệp? Một khi nhầm lẫn thì làm lại, dù muộn vẫn còn hơn không. Bạn không khác gì con cá được gặp đúng môi trường nước sẽ tha hồ vùng vẫy và có thể từ nhánh sông nhỏ bơi ra biển lớn. Sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn cứ mãi chấp nhận chỉ tung tăng trong một cái chậu nhỏ, dù cố hết sức đến đâu cũng chỉ được vẫy vùng trong chiếc chậu nhỏ mà thôi.
(thanhnien.com.vn)