Vụ “Trường nghề đào tạo thạc sĩ”: Phải trả lại học phí

Vụ “Trường nghề đào tạo thạc sĩ”: Phải trả lại học phí

481
  Tải tài liệu

Liên quan tình trạng bát nháo các chương trình đào tạo quốc tế, ông Nguyễn Xuân Vang - cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD-ĐT - cho biết: cục sẽ chuyển thanh tra Bộ GD-ĐT để kiểm tra tất cả chương trình Tuổi Trẻ đã nêu, kể cả chương trình liên kết đào tạo của Trường ĐH Trà Vinh.

Ông Vang khẳng định trong số các chương trình liên kết đào tạo mà Tuổi Trẻ nêu, các chương trình liên kết của Viện Kế toán và quản trị doanh nghiệp TP.HCM với Trường ĐH Quốc tế Mỹ, ĐH Bulacan (Philippines), Viện Quản trị và tài chính TP.HCM với Trường ĐH Ballarat (Úc) hoàn toàn không phép.

Trong khi đó, thanh tra bộ và Cục Đào tạo với nước ngoài vừa làm việc với Trường ĐH Đại Nam về việc quảng cáo tuyển sinh khi chưa được cấp phép. Theo quy định hiện hành, tất cả đơn vị nói trên phải được sự cấp phép của Bộ GD-ĐT nếu tiến hành liên kết đào tạo cấp bằng.

* Nhiều trường 100% vốn nước ngoài với giấy phép đào tạo nghề ngắn hạn nhưng lại tuyển sinh cả bậc CĐ, ĐH, thậm chí cả sau ĐH. Điều này phải nhìn nhận thế nào?

- Việc quản lý các trường đào tạo nghề 100% vốn nước ngoài do các địa phương cấp phép hoạt động. Tuy nhiên các trường phải tuyển sinh đúng theo giấy phép được cấp. Giấy phép cấp đào tạo nghề ngắn hạn nhưng tuyển sinh bậc CĐ, ĐH và cả sau ĐH là trái quy định của VN.

Bất kỳ đơn vị giáo dục nào dù trong hay ngoài nước hoạt động trên lãnh thổ VN đều phải tuân thủ các quy định pháp luật của VN. Để tuyển sinh bậc CĐ, ĐH và sau ĐH, các đơn vị này phải được chấp thuận và có giấy phép của Bộ GD-ĐT. Theo nghị định 49, những đơn vị tuyển sinh sai phép này sẽ bị đình chỉ tuyển sinh.

* Nếu các trường này bị đình chỉ tuyển sinh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người học. Làm thế nào để đảm bảo quyền lợi cho họ?

- Dù đào tạo và chuyển kết quả cho ĐH ở nước ngoài cấp bằng đó cũng là liên kết đào tạo, không thể lý giải đó là đào tạo theo từng phần chương trình, bởi kết quả ấy vẫn phải chuyển cho ĐH nước ngoài công nhận. Và như thế sẽ phải có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. Trong trường hợp đình chỉ tuyển sinh, do trường tuyển sinh khi chưa có phép nên buộc phải chịu trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho người học. Theo đó sẽ phải trả lại học phí và liên hệ với các cơ sở giáo dục có giấy phép để chuyển sinh viên sang.

* Những chương trình liên kết, đào tạo không phép như thế, bằng cấp có được Bộ GD-ĐT công nhận?

- Những chương trình liên kết, đào tạo với nước ngoài nếu không có phép thì bằng cấp sẽ không được Bộ GD-ĐT công nhận. Người học cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của các chương trình liên kết tại VN. Nếu chương trình không có giấy phép thì không nên học, bởi bằng cấp của các chương trình này không được thừa nhận tại VN. Những chương trình liên kết nghiêm túc khi thông báo tuyển sinh đều ghi rõ quyết định cho phép.

* Dư luận từng lên tiếng mạnh mẽ về các chương trình liên kết “chui”. Cục đã có những giải pháp nào để quản lý và chấn chỉnh tình trạng này?

- Bộ GD-ĐT đã xác định cần tăng cường công tác giám sát kiểm tra đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài hiện nay. Gần đây, Bộ GD-ĐT đã đình chỉ hoạt động của Viện Phát triển nhân lực quốc tế Sài Gòn vì liên kết “chui” với Trường ĐH York (Hoa Kỳ), đình chỉ hoạt động của chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài giữa Tập đoàn Sara với ĐH Frederic Taylor. Bộ cũng đã có công văn chấn chỉnh hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài đối với 15 cơ sở giáo dục, trong đó bao gồm các ĐH quốc gia và ĐH vùng.

Để góp phần giảm thiểu các chương trình liên kết đào tạo “chui”, Bộ GD-ĐT cần sự phối hợp của UBND các tỉnh, thành phố, các bộ ngành, đặc biệt là sự phát hiện của giới báo chí. Bộ rất mong muốn báo chí tuyên truyền tới học viên cần tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của các chương trình liên kết đào tạo trước khi quyết định tham gia chương trình. Thông tin về các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đã được Bộ GD-ĐT cấp phép được đăng tải và cập nhật thường xuyên trên website http://www.vied.vn.

MINH GIẢNG thực hiện

Sẽ điều chỉnh thông tin

Chiều 7-10, đại diện Học viện ERC giải thích nơi này đào tạo các chương trình theo từng giai đoạn, trong đó sơ cấp chín tháng (tương đương CĐ), CĐ nâng cao (chín tháng) và cao nhất để lấy bằng ĐH là 12 tháng. Kết quả học tập sẽ được chuyển sang trường “mẹ” để họ công nhận và cấp bằng. Do đó đây không phải là chương trình đào tạo dài hạn. Thế nhưng, trong thông báo tuyển sinh ERC ghi rõ là tuyển sinh chương trình cử nhân, thạc sĩ chứ không phải là các chương trình đào tạo theo giai đoạn. Đại diện ERC cho rằng đó là một cách marketing và sẽ điều chỉnh lại thông tin này.

08/10/2011

Nguồn: tuoitre.vn

Trường nghề đào tạo thạc sĩ

Bài viết liên quan

481
  Tải tài liệu