Điểm sàn và chất lượng

Điểm sàn và chất lượng

992
  Tải tài liệu

Hôm nay, 8-8, Bộ GD-ĐT sẽ công bố điểm sàn cho kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2011. Dự kiến điểm sàn năm nay cũng không thấp hơn năm trước, khoảng 13-14 điểm cho các khối thi.

Dù điểm sàn có thể không thay đổi lớn nhưng các trường ĐH ngoài công lập vẫn lo không tuyển đủ chỉ tiêu, vì vậy, Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT đề nghị có hai phương án về điểm sàn năm 2011. Trong hội thảo về điểm sàn do một số trường ĐH ngoài công lập phía Bắc tổ chức hôm 5-8, nhiều quan điểm về điểm sàn được các trường đưa ra. Có trường đề nghị bỏ điểm sàn hoặc hai mức điểm sàn dành cho trường công lập và ngoài công lập; thậm chí có đề nghị hạ điểm sàn thấp để các trường ngoài công lập có thể tuyển đủ chỉ tiêu.

Lý do các trường ngoài công lập nêu đề nghị trên vì tình trạng các trường ĐH-CĐ ngoài công lập đang teo tóp lại do tuyển sinh rất khó khăn. Đây là một thực tế mà các trường ĐH-CĐ ngoài công lập phải đối mặt trong vài năm gần đây.

Quan điểm của Bộ GD-ĐT trước các đề nghị nêu trên rất rõ ràng là không chấp nhận bỏ điểm sàn, cũng như không thể có hai mức điểm sàn dành riêng cho trường công lập và ngoài công lập. Quan điểm đó hoàn toàn đúng và được xã hội ủng hộ. Về nguyên tắc, một khi vẫn duy trì phương thức thi “ba chung” (chung đề, cùng ngày thi, sử dụng chung kết quả thi) thì điểm sàn là cái mốc cơ bản để quản lý chất lượng đầu vào ở các trường ĐH-CĐ. Hơn nữa, cũng trên nguyên tắc, bằng tốt nghiệp ĐH-CĐ ngoài công lập có giá trị tương đương với bằng của ĐH-CĐ công lập. Vậy thì có lý do gì để thực hiện hai mức điểm sàn? Lý do mà một số trường ĐH-CĐ ngoài công lập muốn thay đổi điểm sàn không ngoài yếu tố kinh doanh khi họ muốn tuyển đủ chỉ tiêu được giao, chứ không phải vì ủng hộ chiến lược xã hội hóa giáo dục ĐH-CĐ.

Xã hội hóa giáo dục ĐH là hướng đi đúng đắn nhưng phải bảo đảm chất lượng đào tạo. Trên thực tế, từ lâu, bằng ĐH-CĐ cũng đã có nhiều “đẳng cấp” khác nhau. Từ mốc điểm sàn đến 16-17 điểm là một “đẳng cấp” - dành cho các trường dân lập, tư thục; còn trên 16-17 điểm là một “đẳng cấp” khác, thuộc các trường công lập. Đó là chưa kể các trường ĐH-CĐ địa phương có nguồn đầu vào thấp, như ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An năm nay có 714 thí sinh thi khối A nhưng chỉ có 47 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên…“Đẳng cấp” đó đã gây nên nhiều tranh luận xã hội khi UBND TP Đà Nẵng không chấp nhận tuyển công chức tốt nghiệp các trường ngoài công lập. Thực ra không chỉ Đà Nẵng, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã xuất hiện tình trạng “ngại ngùng” khi tuyển nhân sự tốt nghiệp các trường ngoài công lập. Tất cả đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo về chất lượng đào tạo ở các trường ngoài công lập, buộc các trường phải xem lại chất lượng đào tạo của mình.

GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng “tuyển sinh ĐH-CĐ theo hình thức “3 chung” đã hoàn thành sứ mạng của nó và đã đến lúc cần chuyển sang một hình thức khác phù hợp hơn. Tốt nhất là nên giao quyền chủ động tuyển sinh cho các trường ĐH để họ tuyển sinh viên theo đúng yêu cầu của họ”. Đó cũng là một thách thức của các trường ngoài công lập, thách thức về chất lượng đào tạo. Thách thức đó sẽ góp phần sàng lọc các trường ĐH cả công lập lẫn ngoài công lập để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội. n

Lưu Nhi Dũ

08/08/2011 – nld.com.vn

Bài viết liên quan

992
  Tải tài liệu