TPHCM: Tràn lan đào tạo ngành sức khỏe
Không chỉ ở các trường đại học, hiện nhiều trường trung cấp, cao đẳng (TC,CĐ) cũng đang đua nhau tuyển sinh ngành dược, điều dưỡng, xét nghiệm… tràn lan. Riêng TPHCM hiện có khoảng 20 trường đào tạo ngành khối sức khỏe.
Hệ nào cũng đào tạo
Là một trong những trường ngoài công lập đầu tiên được đào tạo nhóm ngành Y Dược, kết quả tuyển sinh vừa qua, trường ĐH Nguyễn Tất Thành lấy điểm trúng tuyển là 18,75 cho hệ đại học ngành Dược học. Trước đó, năm 2014, trường này lấy 16 điểm vào ngành Điều dưỡng, ngành Dược sĩ là 14 điểm; còn năm 2013, điểm chuẩn vào ngành Điều dưỡng, Dược sĩ của trường này chỉ bằng điểm sàn của Bộ. Tương tự, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng tuyển sinh ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật Y học (khối B) với điểm chuẩn bằng điểm sàn ở các năm về trước, riêng năm nay, điểm chuẩn tăng lên từ 16 - 18,5 điểm tùy ngành. Điểm càng ngày càng tăng nhưng số lượng thí sinh đầu vào so với chỉ tiêu vẫn luôn thừa thãi.
Ngoài hai trường trên, các trường đại học khu vực phía Nam có tuyển sinh khối ngành y dược cũng chỉ lấy bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT hoặc nhích hơn 1- 2 điểm như trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai); Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang)… Đặc biệt, ở trường ĐH Nam Cần Thơ, Trường ĐH Tây Đô, Trường ĐH Công nghệ Miền Đông những năm trước còn tuyển ngành Dược sĩ (khối A) với mức điểm nhận hồ sơ thấp hơn cả điểm sàn. Theo đó, thí sinh thuộc KV3 là phải đạt 13 điểm. Còn thí sinh ở KV2-NT chỉ cần 12 điểm, KV1 chỉ cần 11,5 điểm là được vào học ngành Dược sĩ.
Tương tự, việc vào học các ngành khối ngành sức khỏe càng dễ dàng hơn ở hệ TC, CĐ khi chỉ cần đủ điểm sàn quy định của Bộ GD&ĐT là nhận hồ sơ nhập học. Đặc biệt, ở hệ TC nhiều trường nhận đào tạo các ngành này với những điều kiện như học sinh đã tốt nghiệp lớp 9 học 3 năm; Học sinh đã tốt nghiệp lớp 12 học 2 năm; Học sinh chưa được công nhận tốt nghiệp THPT (trượt tốt nghiệp lớp 12) học 2 năm + 3 tháng… Học phí dao động từ 10- 12 triệu/năm học.
Lo ngại chất lượng
Nói về việc đào tạo ngành Y dược trong thời gian vừa qua, bà Vũ Thị Nguyệt Viên, Chánh văn phòng trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết: “So với các ngành khác, khối ngành sức khỏe những năm qua tuyển sinh tương đối tốt, đặc biệt là ngành Dược, Điều dưỡng. Nhà trường xác định khối ngành sức khỏe là mũi nhọn của trường nên tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng rất nhiều”.
GS-BS Trần Đông A, Ủy viên Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lo ngại việc đào tạo khối ngành sức khỏe hiện nay. “Đào tạo ngành y có đặc thù riêng vì không chỉ dạy những kiến thức lý thuyết mà hơn hết là cần phải có cả thực hành, do đó yêu cầu phải có bệnh viện trước tiên” - GS A nói.
PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) - cho rằng, để đào tạo sinh viên ngành y (bác sĩ, điều dưỡng) đòi hỏi phải có một chương trình đặc biệt hơn tất cả các chuyên ngành khác.
“Sinh viên y khoa phải trải qua quá trình bao gồm trang bị kiến thức lý thuyết, rồi thực hành tại labor, ví dụ như giải phẫu cơ thể người. Kế đến được đào tạo tiền lâm sàng, tức thực hiện các kỹ năng trên mô hình. Sau đó, mới đi thực tập lâm sàng trên bệnh nhân tại các bệnh viện”, bà Dung nói.
Nguyễn Dũng - Quốc Ngọc
Nguồn: tienphong.vn