Giáo dục đại học thiếu sáng tạo

“Số lượng phát minh, sáng chế ít ỏi được đăng ký của Việt Nam nói lên sự hạn chế về năng lực sáng tạo của các cơ sở giáo dục ĐH nước ta và của nhân lực mà hệ thống ấy đào tạo ra”-GS.TS Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại hội thảo về đổi mới GDĐH.

774
  Tải tài liệu

Tại Hội thảo “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI” do Hội đồng Lý luận Trung ương và Trường ĐH Sài Gòn tổ chức ngày 7/1, các đại biểu tham dự đều cho rằng cần có kế hoach tổng thể để đi đến thành công.

Sự yếu kém của giáo dục đại học là đáng lo nhất 

Trong tất cả các lĩnh vực giáo dục thì sự yếu kém của GDĐH là đáng lo nhất vì đó khâu quyết định chất lượng nhân lực. Đánh giá nguyên nhân hạn chế của GDĐH, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Quốc hội cho rằng: “Phương thức giáo dục lạc hậu là nguyên nhân trực tiếp nhất mà việc khắc phục phụ thuộc chủ yếu vào con người nhưng lại khó nhất vì sức ỳ của thói quen và tâm lý ngại thay đổi”.

GS.TS Thuyết nói rõ thêm rằng: “Có một thực tế là càng lên cấp học cao và trình độ đào tạo cao thì người dạy càng ít quan tâm đổi mới. Phần đông giảng viên ĐH, CĐ chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, chủ yếu làm theo kinh nghiệm tiếp thu được của những người đi trước. Việc dạy học chủ yếu diễn ra theo phương pháp thuyết trình, đọc chép. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của truyền thống Nho giáo và cách sống thời bao cấp, nhiều giảng viên không thay đổi được thói quen áp đặt quan điểm cho người học. Những điều này khiến sinh viên, học viên sau ĐH trở nên thụ động, mất dần điều kiện phát triển tư duy độc lập và năng lực sáng tạo”.

Hậu quả năng lực sáng tạo của các cơ sở GDĐH yếu thể hiện qua con số mà Bộ Khoa học và Công nghệ thống kê trong 5 năm từ 2006 - 2010, cả nước chỉ có khoảng 200 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp tại Cục Sở hữu trí tuệ. Ông Thuyết cho rằng: “Số lượng phát minh, sáng chế ít ỏi được đăng ký của Việt Nam nói lên sự hạn chế về năng lực sáng tạo của các cơ sở GDĐH nước ta và của nhân lực mà hệ thống ấy đào tạo ra”.

Tương tự, GS.TS Trần Ngọc Thêm - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng “Cái chuẩn của ta là đào tạo ra những trò ngoan và giỏi chứ không phải là trò tài. Trong khi tài thì khó ngoan được vì những người như thế thì thường bất kham, hay cãi lại và phải sáng tạo. Trong khi đến giờ phút này, ở các trường trung học ngay một bài học làm văn cô giáo cũng yêu cầu viết đúng theo công thức, nếu chệch một chút thì điểm cực kỳ kém. Do đó, vấn đề căn bản là phải thay đổi chính từ văn hóa và bắt đầu từ người thầy bằng cách thức hàng ngày “tiêm” cho trò thông qua những phương pháp dạy sáng tạo. Kinh nghiệm các nước cho thấy tốt nhất là nên tạo điều kiện cho các thầy đi học ở nước ngoài”.

Cần kế hoạch tổng thể để đổi mới

GS.TS Thái Bá Cần - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nhìn nhận rằng: “Hiện nay đề án đã có, những mục tiêu tổng quát và cụ thể cũng đã có nên tôi mong muốn có ngay kế hoạch tổng thể để thực hiện đề án. Nếu không có kế hoạch đó thì những hoạt động, cải tiến của chúng ta sẽ trở nên vụn vặt và chưa hẳn đi đúng mục tiêu đổi mới. Cần phải có sớm vì hiện tại chúng ta đang có một số cải tiến, ví dụ như đổi mới thi cử ĐH và tốt nghiệp phổ thông, giảm môn thi phổ thông. Đến nay chúng ta vẫn còn lừng khừng và chưa có một thay đổi nhất quán là hệ thống GDĐH Việt Nam sẽ đi theo hướng giáo dục tinh hoa hay đại chúng. Chúng ta cứ cho rằng đang theo hướng đại chúng nhưng thực tế cách làm vẫn chưa thoát khỏi ý nghĩ về hệ thống ĐH tinh hoa. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hàng loạt vấn đề như chủ trương, về đầu vào, xây dựng hệ thống trường lớp…. Chúng ta đổi mới giáo dục phổ thông hướng, tới con người hài hòa thì phải dạy cái gì thì cũng cần phải suy nghĩ. Chủ trương đầu tư vào cấp học nào thì đòi hỏi những bước đi cụ thể, lúc đó mới có chính sách phù hợp.

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương thì cốt lõi của đổi mới và phát triển chính là ba bước chuyển được định hướng gồm: chuyển từ giáo dục truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực; chuyển từ số lượng sang chú trọng chất lượng và chuyển từ khép kinh, cứng nhắc, biệt lập sang hế thống giáo dục mở. Thực hiện được những bước chuyển có ý nghĩa chiến lược đó là cả một quá trình phấn đấu, đặc biệt là đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải quyết tâm, quyết liệt đổi mới cách nghĩ, cách làm, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chuyển mạnh từ quản lý hành chính sang quản trị khoa học, nhất là quản trị đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản trị nhân lực và tài chính.

Tham dự tại chương trình Hội thảo, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết: “Để xây dựng TPHCM phát triển đòi hỏi lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ năng lực góp phần vào quá trình phát triển và hội nhập khu vực, quốc tế nên thành phố rất tâm đắc với mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI của Đảng đề ra “Đối mới giáo dục ĐH tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giào tri thức, sáng tạo của người học. Để thực hiện được vấn đề đổi mới theo nội dung Nghị quyết, theo ông Hải, giáo dục ĐH cần phải đổi mới mạnh mẽ từ chương trình, phương thức đào tạo đến chuẩn đầu ra. Bên cạnh đó, các trường sẽ gắn bó mật thiết hơn nữa với đời sống, nhu cầu xã hội. Đồng thời cùng với sự phát triển của xã hội, số lượng của các trường ĐH, CĐ cũng tăng lên khá nhanh và nhiều, đòi hỏi chính bản thân các trường quan tâm đế việc hình thành một cơ chế, phương thức quản lý phù hợp nhằm phát huy hế năng lực, trí thuệ của các nhà khoa học đang làm việc trong môi trường ĐH.

Lê Phương

Nguồn: dantri.com.vn

 

Bài viết liên quan

774
  Tải tài liệu