Top 3 ngành "hot" nhất mùa tuyển sinh đại học 2021
An ninh quốc phòng, báo chí, nghệ thuật là 3 ngành nhận được số lượng đăng ký nguyện vọng 1 cao nhất năm nay.
Theo số liệu tổng hợp của Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay, toàn hệ thống có hơn 3,8 triệu nguyện vọng (NV) đăng ký cho gần 550.000 chỉ tiêu.
Con số 3,8 triệu NV này đã thống kê tất cả NV (NV1, NV2, NV3….). Nếu tính tổng NV trên chỉ tiêu thì NV có số lượng gấp hơn 7 lần chỉ tiêu.
Tuy nhiên, nếu tính tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển NV 1 thì chỉ cao gấp 1,45 lần tổng số chỉ tiêu của cả hệ thống.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, để đánh giá tình hình, xu hướng đăng ký ngành hằng năm cần phải căn cứ số liệu đăng ký NV 1 vì số liệu này thể hiện ưu tiên nhất, ngành mong muốn, lựa chọn đầu tiên của thí sinh. Chỉ khi không đỗ NV1, thí sinh mới bắt đầu lựa chọn các ngành nghề khác bằng các NV2, NV3.
Cũng theo đại diện Vụ Giáo dục Đại học, tỷ lệ NV1/chỉ tiêu cho thấy, những ngành “hot” nhất, nhiều thí sinh đăng ký nhất năm nay là An ninh - quốc phòng (566,82%), Báo chí và thông tin (311,65%), Nghệ thuật (210,7%), Du lịch khách sạn, dịch vụ cá nhân (201%), Khoa học xã hội và hành vi (197,97%).
Nếu tính tổng số NV, nhóm ngành Kinh doanh, quản lý tuy chiếm tỷ lệ đăng ký NV cao nhất (32,77%), nhưng khi xét NV 1 thì nhóm ngành này chỉ chiếm 186,1%, đứng thứ 6 trong những nhóm ngành hút thí sinh nhất.
“Điều này cho thấy, nhóm ngành này được nhiều thí sinh lựa chọn cho các NV tiếp theo, nếu NV1 không đỗ”, Vụ Giáo dục ĐH phân tích.
Sau một vài năm rớt hạng thì năm nay ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên có tỷ lệ NV đăng ký ở nhóm cao (top 9). Nhóm ngành ít hấp dẫn nhất (tính theo NV1) là Khoa học sự sống (26%) và Khoa học tự nhiên (20,1%.).
Theo Vụ Giáo dục đại học, ở những nhóm ngành “hot” này, mức độ cạnh tranh sẽ cao, khả năng trúng tuyển sẽ khó hơn các nhóm ngành khác.
Chẳng hạn với ngành báo chí và thông tin, vài năm gần đây điểm chuẩn luôn nằm trong top cao nhất. Theo đó, năm 2020, thí sinh dự thi ngành Báo chí vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cần đạt 28,5 điểm ở tổ hợp Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý mới trúng tuyển. Mức điểm này cao hơn năm 2019 là 2,5 điểm.
Điểm chuẩn ngành này của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng lên đến 27,5 (trung bình mỗi môn hơn 9 điểm). Đây điểm chuẩn cao nhất trong 4 năm nay.
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thí sinh cũng cần đạt mỗi môn khoảng 8 điểm để có cơ hội trúng tuyển. Điểm trúng tuyển chuyên ngành Báo in theo tổ hợp R16 (Ngữ văn, Năng khiếu báo chí, Khoa học xã hội) là 31, tính theo thang điểm 40.
Chuyên ngành Báo mạng điện tử của Học viện Báo chí cũng có điểm chuẩn cao. Nếu quy ra thang điểm 10, điểm trúng tuyển trunng bình trong 3 năm 2018-2020 (năm 2017 không tuyển sinh) lần lượt là 8,12 - 7,67 - 8,15 điểm.
Theo các chuyên gia, ngành truyền thông đang là một trong những ngành có tầm ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội và kinh tế.
Truyền thông gần như tác động đến mọi đối tượng, mọi mặt của đời sống. Nhờ truyền thông con người được kết nối với nhau nhiều hơn.
Truyền thông càng quan trọng hơn khi chúng được sử dụng trong kinh doanh, thương mại. Chính vì sự phát triển của ngành truyền thông mà nhu cầu nhân sự cho ngành này vẫn tăng dần theo từng năm.
Lý giải về sức hút của ngành báo chí, đại diện Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay, sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí ra trường đều được làm việc đúng chuyên môn, thỏa đam mê. Quan trọng hơn, sinh viên ra trường nếu không làm báo cũng có thể làm cho doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, một lý do khiến ngành báo chí hấp dẫn là thu nhập của sinh viên báo chí sau khi tốt nghiệp được xem là ổn định nhất so với các ngành còn lại.
Thậm chí rất nhiều sinh viên báo chí có thu nhập ngay từ khi còn đi học qua việc cộng tác với nhiều cơ quan báo chí truyền thông.
D.Ngân
baodautu.vn - 19/05/2021