Mừng, lo mùa luyện thi

Mừng, lo mùa luyện thi

941
  Tải tài liệu

Việc học sinh không còn phải bắt buộc có mặt tại các lò luyện thi mới có cơ hội vào ĐH là điều đáng mừng. Tuy nhiên, vẫn còn đó mỗi năm một mùa luyện thi cấp tốc với nhiều nỗi niềm của các sĩ tử và phụ huynh của họ. Một tuần sau kỳ thi tốt nghiệp, các lò luyện thi đã thực sự vào guồng.

Cạnh tranh gay gắt

Dẫu lượng học sinh luyện thi không đông đến nỗi chen chúc nhau tới mức cháy chỗ học song các khu vực luyện thi có tiếng của Hà Nội cứ sau kỳ thi tốt nghiệp THPT lại sôi động hơn hẳn báo hiệu đợt chạy đua nước rút của các học sinh thi ĐH. Một thầy giáo nhiều năm luyện thi tại các trung tâm tại khu vực Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Nhìn chung số học sinh tham gia luyện thi cấp tốc năm nay vẫn trên đà giảm của vài năm trở lại đây, một phần do tình hình kinh tế khó khăn, phần bởi các sĩ tử ngày nay có thêm nhiều cách bồi dưỡng kiến thức như qua internet, hay luyện tại chỗ. Thực tế ấy cho thấy điều đáng mừng là đội ngũ giáo viên tại trường THPT các tỉnh ngày càng giỏi, đáp ứng được nhu cầu luyện thi, bổ trợ kiến thức của học sinh tại địa phương. Học sinh có thể yên tâm học tại nhà, tại trường thay vì phải đi xa, chịu cảnh vất vả mới có cơ hội đỗ ĐH. Nếu như một lớp luyện thi có quy mô lớn của trung tâm ĐH Bách khoa năm ngoái có tới 300-400 học sinh thì năm nay chỉ có khoảng hơn 200. Trong khi cách đây khoảng chục năm, một lớp lớn phải có tới một nghìn học sinh.

Cũng bởi tính cạnh tranh nên học phí năm nay không tăng nhiều so với mùa tuyển sinh trước. Một học sinh đang luyện thi khối C tại một lò khu vực Trường ĐH Sư phạm cho biết, mỗi khối thi 3 môn học phí khoảng từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/tháng. Nếu học lẻ theo buổi thì học phí là 25 nghìn - 30 nghìn đồng/buổi. Nhiều học sinh cho rằng, chi phí này không cao trong bối cảnh nhiều thứ tăng giá như hiện nay.

Học phí luyện thi ở mức chấp nhận được nhưng các sĩ tử và các phụ huynh vẫn còn đó nỗi lo tiền thuê nhà trọ. Lạ nước lạ cái, nhiều khi người thuê bị chủ trọ bắt trả nhiều hơn ban đầu do không giao hẹn trước các khoản phụ phí như tiền nước, tiền điện, trông xe. Thông thường, những người đến từ tỉnh xa hay thuê loại nhà trọ mà SV ở với giá khoảng 800 nghìn/tháng/phòng không khép kín, 1,2 triệu/phòng khép kín. Mỗi phòng ở được khoảng 2-3 người.

Cũng để thu hút thí sinh, nhiều trung tâm còn kiêm cả việc giới thiệu nhà trọ với lời bảo đảm gắng làm yên lòng các thí sinh và phụ huynh: "Nhà trọ giá rẻ, an ninh tốt, yên tĩnh để ôn thi". Còn các phòng học thường được bố trí đầy đủ quạt mát, điều hòa, hệ thống trang âm, chiếu sáng. Quan trọng hơn, các trung tâm có uy tín lâu năm thường phải vận dụng mọi quan hệ để mời một đội ngũ giáo viên giỏi từ cả năm trước để quảng bá "thương hiệu". Những tấm biển "đáng giá" nhất chính là danh sách liệt kê kiểu như thầy Ng. (môn hình), thầy H. (môn đại), thầy T. (môn hóa), thầy C. (môn lý)...

Dịch vụ khó nắm bắt

Tuy nhiên, trong khi nhiều lò luyện thường coi việc giữ uy tín và tên tuổi các thầy giáo giỏi trên biển quảng cáo là vấn đề sống còn thì cũng có nơi quảng cáo thầy này, nhưng trò lại "được" học thầy khác. Có trung tâm thuê "cò" dẫn dắt, đeo bám thí sinh từ bến xe… Chính những lò luyện "mập mờ" này là mối quan ngại lớn nhất của các sĩ tử.

Theo thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có khoảng 76 trung tâm bồi dưỡng văn hóa (TTBDVH) các cấp được cấp phép hoạt động, trong đó riêng ở cấp THPT là hơn hai chục trung tâm. Theo bà Bùi Xuân Hồng, Phó Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT Hà Nội) thì so với năm 2010 và các năm trước đó, số lượng các trung tâm đã giảm đi rất nhiều. Số lò luyện "teo" dần, kể cả ở quanh khu vực những trường ĐH lớn như ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn…

Tuy nhiên, sự giảm nhiệt của các lò luyện hiện nay đặt ra một vấn đề quản lý khác. Theo quy định, các trung tâm trước khi hoạt động đều phải được Sở GD-ĐT thẩm định đủ điều kiện và cấp giấy phép, song vì hoạt động mang tính thời vụ, thất thường, lại ế ẩm khiến nhiều TTBDVH có "khai sinh" nhưng chỉ tồn tại được vài tháng là đóng cửa mà chẳng thèm "khai tử", lại có nơi tự "mọc" ra mà chẳng đăng ký hành nghề… khiến cho việc quản lý, nắm số lượng, tình hình hoạt động của loại hình này càng không đơn giản.

Từ nhiều năm nay, ban kiểm tra liên ngành TP và các quận, huyện (gồm đại diện ngành giáo dục, an ninh, ủy ban, tài chính…) đều duy trì việc kiểm tra thường xuyên các TTBDVH, đặc biệt chú trọng vào thời kỳ cao điểm là trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Ban cũng đã xử lý không ít các trường hợp vi phạm như hoạt động không phép, không bảo đảm điều kiện dạy - học, ảnh hưởng đến môi trường… Theo quy định, UBND các quận, huyện được quyền quyết định mức xử lý đối với các sai phạm trên địa bàn, từ mức nhắc nhở, cảnh cáo, đến xử phạt hành chính theo nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa thấy có trung tâm nào phải nộp phạt, mức xử phạt cao nhất cũng chỉ là yêu cầu đóng cửa, nhưng việc xử lý như "bắt cóc bỏ đĩa", dẹp nơi này, nơi khác lại mọc…

Trong khi ấy, việc dành thời gian, kinh phí cho công tác kiểm tra của ban kiểm tra liên ngành các cấp còn bất cập, hạn chế… Đã có thời điểm, ngành giáo dục huy động cả sự vào cuộc của lãnh đạo trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn làm "chân rết" để kịp thời nắm bắt các sai phạm của các "lò" luyện thi. Song rõ ràng, để việc quản lý loại hình này được như mong muốn thì bên cạnh những chế tài kiên quyết, đủ mạnh rất cần nhiều hơn nữa sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trong xã hội.

Nhiều giáo viên có thâm niên luyện thi có nhận xét rằng, học sinh đến lò giờ có chất lượng hơn trước. Số không biết một tý gì, đi học theo đám đông không nhiều. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy đã có sự phân luồng học sinh để những ai có khả năng mới dám thi ĐH. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một thực tế, không luyện thi khó mà đỗ ĐH và luyện ở thành phố lớn hiệu quả hơn. Bởi thế, cách tốt nhất để quản các TTBDVH chính là triệt tiêu nhu cầu học thêm, điều mà ngành GD-ĐT đã nỗ lực nhiều năm song chưa làm được.

Hồng Hạnh-Khánh Vũ

13/06/2011 – hanoimoi.com.vn

Bài viết liên quan

941
  Tải tài liệu