Biến tướng đào tạo liên thông: Sẽ lập lại kỷ cương

Biến tướng đào tạo liên thông: Sẽ lập lại kỷ cương

3 883
  Tải tài liệu

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ sẽ ban hành quy chế mới để lập lại kỷ cương, đảm bảo sự công bằng trong giáo dục và nâng cao chất lượng đào tạo.

Chưa đủ 36 tháng phải thi tuyển 3 môn văn hóa

Có ý kiến cho rằng đối tượng học liên thông là những người đã đi làm nên chỉ phù hợp với việc đào tạo không chính quy, vì vậy không nên cấp bằng chính quy đối với hệ đào tạo này. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Nội dung dự thảo Thông tư đào tạo liên thông trình độ ĐH, CĐ sắp ban hành sẽ giải quyết được vấn đề này. Đào tạo liên thông chính quy chỉ dành cho những người có năng lực thực sự, hình thức vừa làm vừa học dành cho các thí sinh muốn học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bộ quy định tuyển sinh đào tạo liên thông hình thức chính quy như sau:

Những người có bằng tốt nghiệp TC nghề, TCCN, CĐ nghề, CĐ sau thời hạn 36 tháng kể từ ngày nhận bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH, phải dự thi 3 môn gồm: môn cơ bản, môn cơ sở ngành và chuyên môn (hoặc thực hành nghề). Cơ sở giáo dục ĐH tự ra đề thi và tổ chức tuyển sinh. Đối với những trường hợp nói trên chưa đủ 36 tháng kể từ ngày nhận bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH thì phải dự thi tuyển 3 môn văn hóa theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH hệ chính quy hằng năm do Bộ tổ chức.

Nếu chỉ thắt chặt đầu vào mà không giám sát được đầu ra, quy trình đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh thì vẫn sẽ xảy ra tình trạng lộn xộn như lâu nay?

Tại dự thảo quy chế mới, Bộ quy định đào tạo liên thông theo chương trình đào tạo chính quy của nhà trường, phải tập trung đào tạo toàn bộ thời gian tại cơ sở giáo dục ĐH.

Sinh viên hệ liên thông chính quy phải học chung, thi hết môn và thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ luận văn tốt nghiệp, đồ án tốt nghiệp cùng với sinh viên hệ chính quy.

Một trong những điểm mới của quy chế sắp ban hành là quy định cụ thể về chỉ tiêu hệ liên thông. Theo đó, chỉ tiêu này nằm trong chỉ tiêu đào tạo chính quy và không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu đào tạo chính quy của nhà trường.

Phải đảm bảo chất lượng mới được tổ chức liên thông

Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, điều kiện để được đào tạo liên thông còn lỏng lẻo nên các trường dễ dàng lách quy định. Vậy quy chế mới có xem xét đến vấn đề này không, thưa ông?

Đây là vấn đề mà quy chế mới rất quan tâm. Dự thảo mới nhất về bổ sung nhiều điều kiện để các trường đảm bảo chất lượng mới được đào tạo. Cụ thể, các cơ sở giáo dục ĐH được giao đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH hệ chính quy phải đạt các tiêu chuẩn sau: Phải tổ chức đào tạo theo tín chỉ trình độ CĐ, ĐH hệ chính quy, công bố chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo trên trang thông tin của trường theo quy định…

Hiện nay hệ liên thông bị biến tướng và trở thành con đường vòng vào ĐH cho mọi thí sinh. Vậy làm thế nào để hệ đào tạo này đảm bảo đúng đối tượng?

Quy chế mới sẽ quy định cụ thể hơn và bổ sung các điều kiện đối với những người được đào tạo liên thông. Chẳng hạn: Người có bằng tốt nghiệp TCCN, CĐ của các trường trong nước đã có báo cáo tự đánh giá của cơ sở giáo dục ĐH và triển khai kiểm định theo tiến độ do Bộ GD-ĐT hoặc Bộ LĐ-TB-XH quy định. Người có bằng TC nghề phải tốt nghiệp THCS, đã học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa THPT đạt yêu cầu theo quy định của Bộ. Người có bằng tốt nghiệp TC nghề, CĐ nghề phải học bổ sung những kiến thức còn thiếu so với chương trình đào tạo TCCN hoặc CĐ ngành tương ứng…     

Vũ Thơ (thực hiện)

Nguồn: thanhnien.com.vn

Liên thông không phải là đường vòng để vào đại học

Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: “Liên thông là để giúp những người đang ở trình độ thấp chưa có điều kiện học ngay ở trình độ cao sẽ có cơ hội được học lên trình độ cao hơn, chứ không phải là đường vòng để vào ĐH. Đây chẳng qua là biến tướng của đào tạo liên thông. Ngành giáo dục phải rất thận trọng, cần phải xem xét việc cấp chỉ tiêu cho hệ liên thông, không nên cấp quá nhiều cho hệ đào tạo này. Như vậy, mới đáp ứng được mục tiêu cao nhất của nhà nước là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng tốt”.

Bài viết liên quan

3 883
  Tải tài liệu