Ngành sư phạm tụt hậu với xã hội?
Thời lượng thực hành quá ít
Chưa biết sử dụng sách giáo khoa
Thiếu kinh nghiệm với trẻ thơ
Thiếu triết lý thúc đẩy động lực trường sư phạm?
Giảng viên trường sư phạm cũng như những giáo viên giàu kinh nghiệm thừa nhận một thực tế là: sinh viên tốt nghiệp sư phạm hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xã hội. Những gì diễn ra trong nhà trường hiện nay chủ yếu vẫn dựa trên kinh nghiệm.
Thời lượng thực hành quá ít
Có một thực tế mà ai cũng công nhận là sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm lớn hiện nay vẫn phải “cắp sách” đi học nghề từ các giáo viên giàu kinh nghiệm, trong khi, lẽ ra họ phải là người dẫn đường về sự đổi mới phương pháp của thế kỷ mới.
Một sinh viên vừa tốt nghiệp trường sư phạm tâm sự: Như hầu hết các sinh viên khác, em bị “ngợp” khi bước chân vào thực tế. Phải mất vài năm mới làm quen được công việc dạy học hiện tại là như thế này, chứ không như trong tưởng tượng hồi sinh viên.
Căn nguyên của điều này là thời lượng thực hành của sinh viên sư phạm quá ít. Chẳng hạn như tại Đại học sư phạm TP.HCM, một trong những trường sư phạm lớn của cả nước, sinh viên đi thực tập năm thứ 3 có 4 tuần, năm thứ 4 là 6 tuần.
Tại ĐHSP Hà Nội, trong 4 năm, năm nào sinh viên cũng được đi thực tập, kiến tập và thực hành giảng dạy trên lớp. Tưởng là nhiều nhưng thời lượng đó chỉ chiếm một phần hết sức nhỏ nhoi trong cả kho kiến thức lý thuyết được học.
Vậy nên, học thì “thực” nhưng thực hành đối với các bạn vẫn là “diễn” theo đúng nghĩa.
Giáo án được chuẩn bị kỹ lưỡng, thậm chí đến mức thuộc lòng. Trên giảng đường hay ở trường tiểu học, công việc chính vẫn là trình diễn giáo án. Dù ở đâu, phần lớn sinh viên cũng chỉ nhìn vì thời lượng eo hẹp, chỉ có một đại diện trong nhóm 4-5 sinh viên được đứng giảng.
Chưa kể đến, có những trường, lớp đã quen nếp dạy cũ, chủ yếu các cách giảng dạy khác rất ít khi sử dụng thì sinh viên càng ít cơ hội được thực hành những phương pháp tích cực để giờ học được an toàn.
Chưa biết sử dụng sách giáo khoa
Nhiều hiệu trưởng nhận xét về giáo viên trẻ là có cái nhìn rất sơ giản về sách giáo khoa. Họ đa phần không “sắc” khi đọc SGK mà thường mắc bệnh “tiện khúc mía”, chỉ quan tâm đến bài giảng ngày hôm đó có gì mà chưa có cái nhìn tổng thể.
Chương trình được thiết kế để lấy cũ dạy mới một cách logic. Điều này thì các loại sách hướng dẫn mà giáo viên trẻ rất tin dùng cũng không đề cập đến và các giáo viên già thì ít khi dựa vào đó.
Từ trong trường ĐH, những giáo sinh sắp ra trường chưa biết SGK là cuốn giáo trình đáng học mà chỉ coi đó là công cụ để soạn bài.
Vì vậy, cô Đào Thị Thủy, hiệu phó phụ trách chuyên môn trường TH dân lập Đoàn Thị Điểm nhận xét: “Các cô giáo trẻ rất tự tin nhưng chưa thể “bật” lên vì không tiếp xúc với thực tế thiên biến vạn hóa. Có cọ xát, các bạn mới thấy được kiến thức là một chuyện, nhưng khai thác nó như thế nào khi đứng lớp mới là năng lực sư phạm thưc sự của từng người. Chưa có tư duy đọc SGK là lỗ hổng lớn của họ.”
Thiếu kinh nghiệm với trẻ thơ
Thực tế dễ nhận thấy là muốn giáo viên mới ra trường có thể dạy tốt như sau khoảng 5 năm đứng lớp là một đòi hỏi quá sức. Câu trả lời luôn được đưa lên hàng đầu là chưa có kinh nghiệm. Kinh nghiệm trở thành nền tảng xây dựng phương pháp dạy học, đặc biệt là kinh nghiệm về tâm sinh lý trẻ thơ.
Nhiều cô giáo trẻ chia sẻ, hiểu biết của họ về tâm sinh lý trẻ em có vốn từ kinh nghiệm của những người đi trước hoặc trong quá trình giảng dạy. Cảm tính nhạy bén của tuổi trẻ là một lợi thế hoặc tình yêu trẻ con giúp họ chuyên tâm hơn để hiểu chúng.
Trong suốt những năm học ĐH, CĐ, trừ cuốn giáo trình với các kiến thức được trích dẫn nguồn từ giáo trình của tâm lý học Nga- Xô viết, họ hoàn toàn không được biết đến một nghiên cứu mới tinh tươm nào của thời hiện đại. Sẽ là may mắn lắm cho một khóa sinh viên nào đó được cô giáo yêu cầu liên tục làm trắc nghiệm tâm lý trên các học sinh tiểu học xung quanh mình để có kiến thức thực tế nóng hổi. Những nghiên cứu tâm lý học trong nước mới nhất (nếu có) vẫn nằm im trên giá sách để trở thành cũ.
GS Phạm Toàn từng đặt câu hỏi: “Có bao nhiêu sinh viên sư phạm tốt nghiệp từng cùng giáo sư tâm lý học làm lại dù chỉ một thí nghiệm của Jean Piaget về thao tác tư duy của trẻ em?
Có bao nhiêu thầy trò cùng tiến hành những nghiên cứu thực chứng về sự hình thành tư duy con trẻ để thấy đầu óc trẻ em Việt Nam có đặc điểm gì khác những điều đã được Piaget phác họa ra từ những năm 1920?
Và đã có những công trình nào để cho sinh viên sư phạm thấy tâm lý học đã không dừng lại chỉ ở Piaget mà đã vươn tới những miền xa cảnh đẹp nào khác nữa chẳng hạn như với V. V. Davydov (Nga), Hồ Ngọc Đại (Việt Nam) và Howard Gardner (Hoa Kỳ)?”
Thiếu triết lý thúc đẩy động lực trường sư phạm?
Thầy Nguyễn Chương Nhiếp, ĐHSP TP.HCM phải thốt lên: Có bao nhiêu vấn đề của thực tiễn xã hội cần phải nghiên cứu, vì xã hội và bọn trẻ ngày nay đã khác. Tôi không hiểu các nhà nghiên cứu giáo dục Việt Nam đang nghiên cứu những cái gì?
Thầy Nhiếp thừa nhận: Đúng là công việc đào tạo của các đại học sư phạm hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Theo thầy Nhiếp, ngành giáo dục đã đổi mới “cái cành” rất nhiều, nhưng chưa đổi mới một cách tổng thể, và do vậy, không thể có đổi mới toàn diện. Tất cả chỉ vì vẫn thiếu một triết lý cho giáo dục.
Ngành giáo dục một mặt thì hô hào kêu gọi phát triển tư duy độc lập và sáng tạo cho HS, nhưng mặt khác thì ra một đề thi chung áp dụng cho tất cả các vùng miền, với một đáp án duy nhất chính xác đến 0,25 điểm.
Với các trường sư phạm, hiện chưa có một động lực nào đưa các trường này tiến lên, không có mục tiêu nào xuyên suốt. Phải nói trong việc soạn giáo trình cho các trường sư phạm, các nhà khoa học đã cố gắng rất nhiều nhưng không có triết lý tổng thể nên không hướng đến cái gì và không đi tới đâu!
Tú Uyên- Nhã Uyên
Vietnamnet.vn