Trường ĐH Lao động – Xã hội: Sai phạm nghiêm trọng trong tuyển sinh

Trường ĐH Lao động – Xã hội: Sai phạm nghiêm trọng trong tuyển sinh

674
  Tải tài liệu

Có lẽ đây là một trong những vụ việc sai phạm kỷ lục trong ngành Giáo dục: Chỉ trong hai đợt tuyển sinh 2009, 2010 Trường đại học Lao động - Xã hội (ĐH LĐ-XH) đã tiếp nhận hàng trăm thí sinh không thi, bỏ thi, khác khối, dưới điểm sàn, dưới điểm chuẩn vào hệ đại học. Không những thế, nhiều trường hợp thí sinh có hồ sơ, điểm thi hợp lệ lại phải nhận quyết định buộc thôi học một cách vô lý. Kỳ quặc hơn nữa là những trường hợp bị buộc thôi học này vẫn được học… bình thường.

Vậy, chuyện gì đang xảy ra ở ngôi trường này?

Thí sinh “lọt lưới”

Trường ĐH LĐ-XH thành lập năm 2005 trên cơ sở nâng cấp Trường cao đẳng Lao động – Xã hội. Hiện tại, trường có cơ sở chính ở Hà Nội, một cơ sở ở TP Hồ Chí Minh và thị xã Sơn Tây.

Vụ việc bắt đầu khi cán bộ, sinh viên Trường ĐH LĐ-XH xôn xao bàn tán về chuyện có hàng trăm sinh viên dính vào nghi án… “chạy trường”. Những trường hợp này đều dưới điểm sàn, thấp hơn điểm chuẩn, khác khối thi, thậm chí là không thi, bỏ thi. Tuy nhiên, tin đồn đó vẫn chỉ là tin đồn rỉ tai nhau tạo nên một hình ảnh rất xấu trong mắt đông đảo sinh viên trong trường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong hai năm 2009, 2010 Trường ĐH LĐ-XH không tổ chức thi tuyển sinh hệ đại học chính quy mà tiến hành xét tuyển nguyện vọng 1 và 2 từ kết quả thi của các trường đại học khác. Trong quá trình xét tuyển này, nhiều trường hợp sai phạm nghiêm trọng như trên bị “lọt lưới” vào học hệ chính quy tại một trường có tiếng như ĐH LĐ-XH.

Theo ghi nhận của chúng tôi, các trường hợp sai phạm này đều nằm ở 2 cơ sở đào tạo phía Bắc, và đều nằm ở nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 mà trước đó các thí sinh đã dự thi rất nhiều trường ĐH trên toàn quốc như ĐH Thương Mại, Viện ĐH Mở, ĐH Bách Khoa HN, Học viện Tài chính, Luật Hà Nội, Kinh tế Quốc dân HN…

Từ những thông tin ban đầu, chúng tôi đã chọn 43 trường hợp ngẫu nhiên bị tố cáo vi phạm quy chế tuyển sinh như không thi, bỏ thi, khác khối, dưới điểm sàn… để kiểm tra bằng cách gửi công văn đề nghị xác minh điểm thi đến trường các thí sinh đã dự thi từ những năm trước. Đồng thời chúng tôi cũng tiến hành xem trên các trang web tra kết quả điểm thi của hơn 300 trường hợp thí sinh có nghi vấn. Kết quả làm chúng tôi kinh ngạc: 100% trường hợp thí sinh đem so kết quả đều không đủ chỉ tiêu để tuyển vào trường. Vậy là, việc xôn xao đồn đại của dư luận trong trường bấy lâu nay không phải là tin đồn nhảm.

Tại sao một sai phạm “động trời”  như thế, đến nay Trường ĐH LĐ-XH vẫn có thể che được “lưới trời” là Bộ Giáo dục và Đào tạo  (GD&ĐT) và cơ quan chủ quản là Bộ LĐTB&XH?

Trong 12 trường hợp từng dự thi tại Học viện Tài chính năm 2010, sau đó được được xét tuyển theo NV1, NV2 vào ĐH LĐ-XH hiện đang học ở các lớp kế toán, quản lý lao động đa số chỉ làm hồ sơ đăng ký mà không dự kỳ thi tuyển sinh năm 2010. Danh sách  12 thí sinh này đã được phòng chức năng của Học viện Tài chính xác nhận 11 không thi, 1 không có tên trong danh sách đăng ký dự thi.

Trong 11 trường hợp đang học tại ĐH LĐ-XH từng dự thi tại Trường ĐH Thương mại Hà Nội năm 2010, có 5 trường hợp không đạt điểm sàn của Bộ GD&ĐT quy định vẫn được xét tuyển vào NV1; 6 trường hợp thiếu 2, 3 điểm so với điểm chuẩn xét tuyển của ĐH LĐ-XH cũng được xét tuyển vào NV1. Trong 20 trường hợp đã từng dự thi tại Viện ĐH Mở Hà Nội, có 13 trường hợp đang học NV1 tại ĐH LĐ-XH ở các khoa kế toán, quản lý lao động có điểm xét tuyển dưới điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định và thấp hơn điểm chuẩn mà ĐH LĐ-XH công bố năm 2010 vào học theo NV1. Có 7 trường hợp vào học theo NV2 thấp hơn điểm chuẩn do ĐH LĐ-XH công bố.

Ngoài ra, còn nhiều sinh viên được vào học ở các khoa của ĐH LĐ-XH từng dự thi ở các khối mà ở ĐH LĐ-XH chưa bao giờ tuyển sinh như khối B, V…

Kết quả điều tra mà chúng tôi thu thập cho thấy số lượng sinh viên có dấu hiệu “chạy chọt” để vào trường lớn hơn rất nhiều lần danh sách sinh viên chúng tôi đem đi xác minh.

Như vậy, với việc tuyển sinh sai quy chế hàng trăm sinh viên vào các ngành học theo chỉ tiêu hàng năm của ĐH LĐ-XH đồng nghĩa với việc hàng trăm sinh viên khác đã nộp hồ sơ đáng lẽ trúng tuyển thì lại bị gạt ra cho những trường hợp sai phạm này. Liệu họ có rõ sự việc này.

Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là: trong vụ việc này, số tiền mà các thí sinh “rải” qua các “cửa” để có tên trong các lớp học hệ đại học là bao nhiêu và phương thức trao đổi như thế nào? Có bao nhiêu cán bộ tại trường có liên quan đến những sai phạm này?

Bị đuổi học mà vẫn… học

Không chỉ vướng vào các sai phạm trên, trường ĐH LĐ-XH còn bị cho là có cách “hành xử” tắc trách khi ra Quyết định số 1013/QĐ–ĐH LĐXH buộc thôi học 4 sinh viên khóa 5 học tại cơ sở Sơn Tây với lý do vi phạm quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều này đã khiến các sinh viên như “ngồi trên đống lửa”, còn các bậc phụ huynh thì bức xúc, tức giận vì kiểu làm việc thiếu nguyên tắc của Ban lãnh đạo nhà trường.

Trao đổi với chúng tôi, em Trần Nguyễn Ngọc Bích chia sẻ: “Trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học 2009, em đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường đại học Thương Mại. Tuy nhiên, vì chỉ được 16,5 điểm (chưa cộng điểm khu vực – PV) nên em đành phải làm nguyện vọng 2 sang Trường ĐH LĐ-XH và nhận được giấy báo trúng tuyển vào khoa Kế toán của trường…”.

Có giấy báo trúng tuyển, Bích đi nhập học bình thường. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, Bích bất ngờ  “được” gọi lên làm việc với cán bộ Phòng PA25 – Công an thành phố Hà Nội (nay là PA83) vì “có vấn đề” trong quá trình nộp hồ sơ xét tuyển.

Được biết, trong vụ này, ngoài Bích ra, còn nhiều em khác rơi vào tình trạng tương tự như thế. Nguyễn Thanh Tùng là một trong những “nạn nhân” đó. Theo Tùng thì cũng trong năm 2009, em đăng ký thi tại Trường ĐH Luật Hà Nội, nhưng cũng không đủ điểm nên đã nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 tại cơ sở Sơn Tây, ĐH LĐ-XH. Sau đó em nhận thông báo trúng tuyển vào học ngành Quản lý lao động.

Khi được nhà trường, cũng như công an đưa ra lý do gọi các em lên là vì giấy báo điểm bị tẩy xóa, chỉnh sửa, các sinh viên đã giải thích, khẳng định rằng không có chuyện đó. Bản thân tờ giấy báo điểm mà cơ quan chức năng đưa ra làm bằng chứng cũng không đúng với giấy báo điểm thi khi các em nhận được để nhập học.

“Em thi khối C vào ĐH Luật được 17,5 điểm, trong khi đó nguyện vọng 2 vào Trường ĐH LĐ-XH chỉ lấy 17 điểm, sao em phải sửa thành đối tượng dân tộc miền núi để được cộng thêm điểm vào làm gì. Mà nếu có sửa thành đối tượng dân tộc, thì em đã đủ điểm đỗ nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Luật Hà Nội rồi, vì trường đó chỉ lấy 19 điểm”, Tùng giải thích.

Mặc dù đã giải thích cặn kẽ như vậy, nhưng ngày 1/12/2010, Bích, Tùng và hai sinh viên khác được gọi ra… khu nhà nghỉ giáo viên để nhận quyết định buộc thôi học?!. “Dù nhận quyết định buộc thôi học với lời an ủi không phải lo lắng vì đây chỉ là động tác của các thầy, còn các em vẫn cứ học, sau này nhận bằng bình thường, nhưng em và các bạn ấy đều lo lắng vô cùng”, Tùng cho biết.

Và sự thật là từ ngày có quyết định buộc thôi học đến nay, sau hơn 9 tháng các em vẫn được học bình thường, vẫn đóng học phí, vẫn lên lớp, vẫn tham gia sinh hoạt, vẫn được thi cử các môn như bao sinh viên khác…

Theo ông Nguyễn Tiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH LĐ-XH cho biết: “Quyết định 1013/QĐ–ĐHLĐXH đã căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh của Phòng PA83 – Công an thành phố Hà Nội”. Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu cung cấp biên bản xác minh của Phòng PA83 – Công an TP Hà Nội thì ông Tiệp trả lời, vì đã lâu nên không nhớ để ở đâu”.

Cũng cần nói thêm rằng, Quyết định 1013/QĐ – ĐHLĐXH cũng đã được gửi lên Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH để báo cáo. Không biết, trên bộ này có biết rằng, 4 em này vẫn đang học “sờ sờ” ở trường hay không? Nếu không biết, phải chăng đây là cú lừa “kép” của Trường ĐH LĐ-XH nhằm “hợp thức hóa” những việc làm khuất tất khác?

Một phụ huynh (xin được giấu tên) bức xúc: “Tôi không thể tin ở một trường đại học lớn như LĐ-XH lại có việc làm mờ ám, tắc trách đến như vậy. Nếu nhà trường có trách nhiệm, chỉ cần một động tác nhỏ là sang ngay trường mà các cháu đã dự thi hoặc lên Bộ GD&ĐT để lấy kết quả điểm thi là biết chính xác ngay. Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra rõ ràng, để các cháu yên tâm học tập, cũng như trả lại danh dự cho các cháu nói riêng và gia đình nói chung”.

Trong diễn biến khác, buổi làm việc với phóng viên Báo Năng lượng Mới vừa qua, bà Hiệu phó Nguyễn Thị Thuận cho rằng, những sai phạm của trường mà phóng viên cung cấp hiện nhà trường cũng chỉ mới biết nên không đưa ra bình luận gì. Tuy nhiên, bà Thuận cho biết hiện Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã vào cuộc để làm rõ.

Một thông tin mới nhất chúng tôi nhận được: Bộ LĐTB&XH đã ban hành Quyết định 1181/QĐ-LĐTBXH về việc ông Nguyễn Tiệp (Hiệu trưởng ĐH LĐ-XH) thôi điều hành Trường ĐH LĐ-XH từ ngày 1/10/2011. Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH sẽ kiêm nhiệm vị trí này trong thời gian tới.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những diễn biến của sự việc.

Điều tra của Vũ Minh Tiến

11/10/2011 – petrotimes.vn

Bài viết liên quan

674
  Tải tài liệu