Tại sao ngừng mở 4 ngành y, dược tại các trường đa ngành?

Bộ GD-ĐT có công văn về việc tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học các ngành Y Đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền và trình độ CĐ, ĐH đối với ngành Dược học tại các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y Dược.

348
  Tải tài liệu

Vấn đề chất lượng nhân lực ngành y tế đã được nhiều phía lên tiếng báo động từ vài năm nay. Mà một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do có quá nhiều cơ sở đào tạo được phép mở ngành.

Hơn 70 trường tham gia đào tạo y, dược

Trong số này có những tên trường mà “người ngoài” khá bất ngờ khi biết trường này có đào tạo những ngành liên quan tới sức khỏe.

Ngoài các trường chuyên ngành y dược, lâu nay tham gia đào tạo còn có các trường đa ngành như Khoa Y Dược (ĐHQG Hà Nội), Khoa Y (ĐHQG TP.HCM), Khoa Y Dược (ĐH Đà Nẵng), Khoa Y Dược (Trường ĐH Trà Vinh)…

Đặc biệt, các ngành y – dược cũng được coi là ngành “hot” của một loạt trường ĐH ngoài công lập, nhiều trường chuyển từ tập trung đào tạo các ngành kinh tế sang y dược vì nhận thấy nhu cầu lớn của người học.

Những trường ngoài công lập có khoa y – dược là: Khoa y dược (Trường ĐH Thành Đô), Khoa Y Dược (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành), Khoa sức khỏe (Trường ĐH Đông Đô), Khoa Y (Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng), Khoa Y (Trường ĐH Thăng Long), Khoa Dược (Trường ĐH Đại Nam), Khoa Y Dược (Trường ĐH Võ Trường Toản), Khoa Y (Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai), Khoa Dược (Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương), Khoa Dược (Trường ĐH dân lập Lạc Hồng), Khoa Y (Trường ĐH Quốc tế Miền Đông), Khoa Y Dược (Trường ĐH Tây Đô), Khoa Y Dược (Trường ĐH Thành Tây), Khoa Y (Trường ĐH Tân Tạo), Khoa Dược (Trường ĐH Nam Cần Thơ)…

Bên cạnh đó, hầu như mỗi địa phương có một trường CĐ y tế, và còn hệ thống các trường TCCN với số lượng không nhỏ đào tạo ngành y dược.

Trong công văn Bộ Y tế gửi Bộ GD-ĐT cách đây một năm, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đặt vấn đề về thực trạng quá nhiều cơ sở đào tạo, kể cả các trường đa ngành cùng tham gia đào tạo nhân lực y tế.

Ông Cường cho rằng, khi không có sự tham mưu về mặt chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế thì việc thẩm định mã ngành đào tạo nhân lực ngành này sẽ không đảm bảo chất lượng.

Một bất cập khác dưới góc nhìn của Bộ Y tế là chuyện các trường ngoài công lập cũng tham gia thị phần đào tạo này.

Đầu vào quá thấp

Đối với các trường ngoài công lập, trong tình trạng tuyển sinh bết bát như vài năm gần đây, thì chất lượng đầu vào rất đáng báo động. Quan niệm lâu nay chỉ những người giỏi mới có thể vào y, dược dường như đã trở nên… sai bét khi muốn vào học dược thậm chí chỉ cần đạt mức điểm sàn hoặc cận sàn.

Ví dụ như, năm học 2013 – 2014 Trường ĐH Đại Nam tuyển sinh Dược sĩ đại học khóa đầu tiên trên cơ sở xét tuyển nguyện vọng 2, khối A và B, đạt từ 15 điểm trở lên.

Trường ĐH Lạc Hồng xét tuyển ngành Dược học khối A từ 14 điểm, khối B từ 15 điểm…. Trường ĐH Nam Cần Thơ thậm chí tuyển ngành Dược học khối A chỉ 13 điểm, ở hệ CĐ tuyển ở mức 10 điểm…

Tất nhiên, không có quá nhiều trường dám mở ngành Bác sĩ đa khoa hay Răng – Hàm – Mặt.

Tuy nhiên, đối với ngành y đa khoa, nếu như các Trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Hải Phòng… tuyển ở mức điểm chuẩn rất cao, “gạt ra không hết”, thì ở những trường đa ngành có tuyển Y đa khoa mức điểm này khiêm tốn hơn nhiều. Năm 2014 ngành Y đa khoa của ĐH Trà Vinh tuyển sinh ở mức 21,5 điểm, ĐH Tân tạo ở mức 18 điểm…

Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y dược Việt Nam đã từng họp và phản ánh việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh số lượng khá lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế. Điều này dẫn đến điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện đổi mới giáo dục ĐH diễn ra giữa tháng 9/2013, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận, các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long có ý chê trách Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế về việc thẩm định các trường đào tạo ngành y.

Ông Luận cho biết: "Tôi đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ GD-ĐT thẩm định việc này và đề nghị Bộ Y tế tổ chức kiểm tra đột xuất, định kỳ lại các trường vừa cấp phép, đặc biệt là các trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nếu trường nào không đủ điều kiện sẽ xử lý nghiêm, thậm chí tạm dừng tuyển sinh”.

Với quyết định tạm dừng mở ngành ngày 3/12, thứ trường Bùi Văn Ga cho biết, việc này được Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế thống nhất nhằm thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH lĩnh vực khoa học sức khỏe, nâng cao chất lượng đội ngũ thầy thuốc phục vụ sức khỏe nhân dân.

Hai bộ cũng sẽ tiến hành rà soát và đánh giá hệ thống cơ sở đào tạo nhân lực y tế trên toàn quốc về đội ngũ cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo nhân lực y tế.

Ngân Anh
Nguồn: vietnamnet.vn

Bài viết liên quan

348
  Tải tài liệu