Bộ trưởng Giáo dục sẽ đóng cửa những đại học yếu kém
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Trường ĐH nào không đảm bảo chất lượng đào tạo, người đăng ký vào học ít thì sẽ không thể tồn tại và phải đóng cửa".
Hệ thống giáo dục của Việt Nam gồm có các bậc từ Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT và đại học. Trong đó, chất lượng giáo dục đại học là yếu nhất. Số lượng sinh viên/số dân không phải là nhiều nhưng nhiều trường hoạt động lại không đúng nghĩa là trường ĐH nên chất lượng đào tạo không đảm bảo.
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ V diễn ra sáng 15/12 tại Hà Nội.
Trong một thời gian tăng trưởng mạnh về số lượng các trường ĐH nên hiện nay, nguồn cung cấp nhân lực đã vượt quá “cầu”. Thị trường lao động không mở rộng nên mỗi năm nước ta thừa khoảng 300.000 đến 400.000 cử nhân, trong đó có đến hàng chục nghìn cử nhân thất nghiệp.
Để giải quyết tình trạng trên, các trường ĐH phải nâng cao chất lượng đào tạo bằng cách tự chủ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lo ngại, nếu tự chủ ĐH không gắn với việc giải trình đào tạo thì không biết rằng việc đảm bảo chất lượng sẽ ra sao.
Hiện nay, việc tự chủ ở các trường ĐH vẫn còn nhiều lúng túng nên Bộ GD-ĐT đang xem xét việc thí điểm ở một số trường trước khi cho mở rộng việc tự chủ. Bởi nếu mở rộng cho các trường ĐH được tự chủ mà không kiểm soát được thì chẳng khác nào việc ào ạt cho các trường ĐH được thành lập.
Vì vậy, năm 2017, Bộ GD-ĐT cho phép tăng quyền tự chủ tuyển sinh ở các trường ĐH, không giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh “đầu vào” nhưng phải có hàng rào kiểm soát để các trường phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng đào tạo.
Khi các trường ĐH công bố đề án tuyển sinh thì phải công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng như số lượng sinh viên/giảng viên để cho xã hội giám sát. Như vậy, trường nào đưa ra chỉ tiêu quá nhiều mà đào tạo không tốt, học sinh không đăng ký vào học thì không thể đổ lỗi cho các phương án tuyển sinh ĐH của Bộ GD-ĐT đã tạo ra nhiều thí sinh “ảo”.
Việc tăng quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH thì hiệu trưởng phải có trách nhiệm rất cao, hội đồng trường phải thực quyền, chủ tịch hội đồng trường được quyết định những vấn đề quan trọng của nhà trường.
Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ để các trường ĐH trực thuộc Bộ tiên phong thực hiện tự chủ. Trường nào chú trọng đến đào tạo chất lượng, có phương thức kết nối với doanh nghiệp trong việc tạo được việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp tốt thì trường đó sẽ tuyển được nhiều người học.
“Hiện nay, phần lớn các trường ĐH hoạt động dựa chủ yếu vào việc đóng học phí của sinh viên nên nếu trường nào không đảm bảo chất lượng đào tạo, người đăng ký vào học ít thì sẽ không thể tồn tại được và phải đóng cửa. Như vậy, bộ máy giáo dục ĐH đỡ cồng kềnh. Tôi sẽ làm đơn phê duyệt cho những trường này phải phá sản.
Những trường ĐH nào có chất lượng đào tạo tốt không những thu hút được người học với mức học phí cao mà Bộ GD-ĐT còn xem xét đầu tư thêm để cho những trường thực sự đào tạo tốt ngày càng phát triển. Việc làm này là không có sự phân biệt giữa trường ĐH công lập và dân lập”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh./.
Bích Lan (vov.vn – 15/12/2016)