Tuyển sinh đại học 2020: Mừng ít lo nhiều

Với những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, việc lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia 2020 là quyết định cần thiết. Nhưng điều này sẽ có những tác động lớn đến kế hoạch học tập và tuyển sinh năm 2020.

941
  Tải tài liệu

Lo Covid-19 kéo dài

Dư âm mùa tuyển sinh đại học 2019 còn đó. Các trường đại học được chủ động tuyển sinh và xét tuyển nhiều đợt trong năm nên hầu hết chỉ tiêu được xác định chuẩn, tuyển đủ người học. 

Tuy nhiên, năm nay Covid-19 đã khiến mọi việc thay đổi hết, hoạt động tư vấn tuyển sinh hoàn toàn vắng lặng, chỉ một vài trường triển khai công việc này trên website của trường. Cùng với đó, lịch thi THPT quốc gia 2020 cũng được Bộ GD&ĐT chuyển sang tháng 8. Như vậy, các trường đại học cũng phải lùi thủ tục từ đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, xét tuyển đợt 1.

PGS.TS Nguyễn Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Mở Hà Nội, cho biết: Mọi năm, Kỳ thi THPT quốc gia thường được tổ chức vào tháng 6 và đến khoảng tháng 8 là các trường tổ chức xong việc tuyển sinh, gọi sinh viên nhập học. Nhưng năm nay, trường chúng tôi buộc phải thay đổi kế hoạch. 

Thời gian đăng ký, thi, chấm thi, thay đổi nguyện vọng tất nhiên sẽ lùi lại so với thời gian tổ chức kỳ thi. Việc khai giảng cho sinh viên khóa mới cũng thay đổi cho phù hợp với lịch tuyển sinh. Chỉ có điều các hoạt động tư vấn thay đổi thế nào cho phù hợp, diễn biến tâm lý của học sinh có ổn định không, trường có thu hút được người học như năm trước không là những vấn đề đang được đặt ra.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã phải lên phương án dự phòng. Theo đó, phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT quốc gia phụ thuộc vào lịch điều chỉnh của Bộ GD&ĐT sẽ phải thay đổi. Trong trường hợp không thể tổ chức được Kỳ thi THPT quốc gia do dịch bùng phát, lúc đó cần tìm phương án thay thế và phương án này cần có sự đồng thuận của các trường và xã hội. 

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ phối hợp với đối tác để tổ chức thi đánh giá năng lực, trong trường hợp cần sẽ sử dụng. PGS.TS Nguyễn Mai Hương cho biết: Lo lắng là điều khó tránh khỏi vì lịch tuyển sinh thay đổi hoàn toàn, đến nay cũng không chắc là thời điểm nào có thể kết thúc năm học và triển khai tuyển sinh. Tuy nhiên chúng tôi sẵn sàng các phương án thay thế.

Chủ động khắc phục

Giải tỏa nỗi lo của các trường, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho biết: “Việc lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia chắc chắn sẽ làm thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh của các trường năm 2020. Tuy nhiên, các trường đại học chủ động kế hoạch tuyển sinh thì cũng không có gì phải lo lắng. 

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT chỉ ban hành kế hoạch tuyển sinh năm 2020 áp dụng chung đối với các trường tuyển sinh đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2020. Do đó, lịch cho thí sinh đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển và các mốc thời gian khác quy định trong xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 dự kiến lùi lại, tương đương thời gian lùi lịch thi THPT quốc gia là một tháng.

Qua theo dõi thực tế hàng năm, số trường tuyển sinh các đợt bổ sung không nhiều, hầu hết kết thúc trong khoảng tháng 10 nên kế hoạch vẫn có thể kết thúc vào cuối tháng 12. Điều quan trọng là các trường cần chủ động hơn trong việc xác định và sớm công bố phương án, theo hướng tuyển sinh nhiều đợt với các phương thức khác nhau. Phân tích của nhiều chuyên gia cho thấy, lo lắng cho đến nay vẫn chưa có lịch tuyển sinh cụ thể là điều khó tránh khỏi đối với các trường. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể chủ động khắc phục khi đã được quyền tự chủ trong tuyển sinh.

Tạm cho là việc thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học năm nay chậm hơn năm 2019 khoảng 1 tháng. Nhưng thời điểm kết thúc xét tuyển đại học là hết tháng 12 nên dù thời gian bắt đầu xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia và công bố điểm chuẩn của các trường có thể sẽ bắt đầu từ tháng 9 (thay vì tháng 8 như mọi năm) cũng không ảnh hưởng lớn đến thí sinh. Sẽ vẫn còn tới 3 tháng để các trường xét tuyển bổ sung. Thêm nữa, nhiều trường đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ từ rất sớm, có trường chỉ xét học bạ 5 học kỳ, không tính học kỳ 2 lớp 12. Thế nên hoàn toàn có thể yên tâm là việc tuyển sinh sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các trường do dịch kéo dài”.

Việc lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia chắc chắn sẽ làm thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh chính quy năm 2020. Nhưng cần lưu ý là các trường hoàn toàn có quyền chủ động kế hoạch tuyển sinh nên cũng không sợ bị động. Các trường có thể sử dụng quyền tuyển sinh nhiều đợt trong năm. 

Chắc chắn một điều, khi lịch tuyển sinh thay đổi, các lịch cho thí sinh đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển và các mốc thời gian khác quy định trong xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 dự kiến cũng sẽ phải thay đổi mốc thời gian tương đương với thời gian lùi lịch thi THPT quốc gia. Xác định rõ điều này nên Trường Đại học Nội vụ cũng đã lên các kịch bản để khi dịch Covid-19 kéo dài vẫn sẽ chủ động được.

PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi sẽ chủ động thực hiện tư vấn tuyển sinh online. Khi Kỳ thi THPT quốc gia được lùi sang tháng 8 thì các kế hoạch tuyển sinh của trường sẽ được chuyển đổi cho phù hợp. Ngoài ra, Bộ điều chỉnh thời gian kết thúc năm học theo lịch mới, trường cũng sẽ điều chỉnh phương thức tuyển sinh sao cho thuận lợi với cả người học và nhà trường. 

Lịch cho thí sinh đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển và các mốc thời gian khác quy định trong xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 dự kiến cũng sẽ lùi lại, tương đương với thời gian lùi lịch thi THPT quốc gia. Dù vậy, thời điểm kết thúc tuyển sinh của năm 2020 dự kiến thực hiện như các năm trước, tức là vào ngày 31/12/2020. 

Trong tình huống hiện nay, các trường cần chủ động hơn trong việc xác định và sớm công bố phương án, theo hướng tuyển sinh nhiều đợt với nhiều phương thức khác nhau. Kế hoạch nhập học, bắt đầu năm học có thể phải thay đổi do lịch thi THPT quốc gia được điều chỉnh. Nhưng kế hoạch tổng thể của năm học thì không xáo trộn lớn. Trong quỹ thời gian năm học đã có 2 - 3 tuần dự phòng/kỳ học tùy theo từng trường và có 4 - 6 tuần dự phòng/năm học.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng

Nguồn: giaoducthoidai.vn – 29/03/2020

Bài viết liên quan

941
  Tải tài liệu