Đừng để sinh viên sư phạm phải “giấu bằng”
Nhằm đáp ứng yêu cầu tạo đột phá - đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nền giáo dục nước nhà, có nhiều việc phải làm, phải đầu tư bài bản, kể cả cắt bỏ những “ung nhọt” đã tồn tại trong hệ thống giáo dục.
Tại phiên họp mới đây của Hội đồng quốc gia giáo dục, 3 nội dung chính được bàn thảo, góp ý nhiều là dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT; thành lập Ủy ban Quốc gia đổi mới GD-ĐT; đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015. Đây là những nội dung quan trọng sẽ được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhằm tạo chuyển biến thực sự nền giáo dục quốc dân, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực đạt chất lượng cao.
Đích đến của công cuộc đổi mới nền giáo dục Việt Nam là tạo ra những sản phẩm đào tạo thực học, thực hành và thích ứng với môi trường lao động năng động, đa văn hóa, đòi hỏi kỹ năng, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ cao. Và để kiến tạo thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục này, vai trò người thầy là quan trọng nhất. Dù có kịch bản hay, nội dung đổi mới giáo dục thiết thực nhưng đội ngũ cán bộ quản lý và người thầy không tương thích, không đáp ứng yêu cầu thì khó nói đến thành công. Có thầy giỏi mới có trò giỏi và ngược lại thầy dở thì trò cũng dở.
Nhìn lại thực tế, chúng ta không khỏi đau lòng khi nghe những thông tin nhiều sinh viên ở các trường sư phạm có học lực giỏi nhưng sau khi ra trường lại từ bỏ ước mơ làm thầy vì thu nhập nghề giáo bèo bọt. Trong khi nhiều trường cao đẳng, trung cấp đang “khát” đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn kỹ thuật, công nghệ thì nhiều sinh viên tốt nghiệp trường đại học sư phạm kỹ thuật lại rẽ ngang. Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM từng thổ lộ rằng ông rất buồn khi nhiều sinh viên của trường có năng lực học giỏi nhưng “giấu bằng” sư phạm để ra ngoài phục vụ doanh nghiệp có thu nhập cao gấp nhiều lần đi dạy. Nếu mới ra trường, giảng viên trẻ chỉ có mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng, trong khi đó, làm cho doanh nghiệp thuộc ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật, các em có thể nhận mức lương 1.000 - 2.000 USD/tháng.
Tương tự, nhiều sinh viên giỏi ở các khoa ngoại ngữ tiếng Anh thuộc các trường đại học sư phạm cũng từ bỏ niềm đam mê dạy học vì lực hút làm việc ở bên ngoài có thu nhập cao hơn. Như thế, lấy đâu nguồn giáo viên giỏi tiếng Anh, có bằng cấp theo chuẩn quốc tế dạy học sinh phổ thông?
Thực tế này đòi hỏi, Chính phủ phải có quyết sách đầu tư cho giáo dục đúng - đủ - công bằng. Trước mắt, muốn thu hút học sinh giỏi vào các trường sư phạm và giữ chân giáo sinh giỏi trụ lại với nghề giáo thì phải ưu tiên trả lương, thu nhập theo năng lực, trình độ và hiệu quả làm việc. Vì một khi chính sách trả lương, thu nhập cho giáo viên - người thầy còn cào bằng, thấp hơn nhiều ngành nghề khác trong xã hội, thậm chí không thể duy trì mức sống tối thiểu thì khó đòi hỏi người thầy nâng cao trách nhiệm, sáng tạo trong dạy học, truyền thụ kiến thức cho học sinh. Hy vọng việc hình thành Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục sẽ hiến kế cho Chính phủ những giải pháp đột phá, trong đó vị thế của người thầy được nâng lên và giá trị lao động của người thầy phải được đánh giá đúng, trả lương cao như những ngành nghề khác.
HÀ NGUYỄN
Nguồn: sggp.org.vn