'Học xong lớp 9 vào trường nghề là xu hướng ở nhiều nước'

Ông Vũ Xuân Hùng - Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho biết như vậy khi đề cập vấn đề định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

400
  Tải tài liệu

“Em đã học xong lớp 9 có nên học nghề hay không?”, “Học xong lớp 9 nên học nghề hay học tiếp phổ thông?”, “Học xong lớp 9 học nghề gì?... là nhiều câu hỏi của học sinh trong các buổi tư vấn hướng nghiệp.

Nhiều lựa chọn sau khi học xong lớp 9

Điều 61 của Bộ Luật Lao Động 2012 quy định: “Người học nghề và tập nghề phải đủ 14 tuổi và phải có đủ sức khoẻ phù hợp yêu cầu của nghề, trừ một số nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định”.

Học sinh đủ 14 tuổi trở lên hoàn toàn có thể lựa chọn ngành nghề phù hợp bản thân để lập nghiệp từ sớm. Tuy nhiên, nhiều gia đình, học sinh còn lo lắng khi độ tuổi này, các em chưa có nhiều kỹ năng tự lập.

Sau khi học xong hệ THCS, học sinh có lựa chọn cơ bản: Học THPT, bổ túc văn hóa hoặc trung cấp. Với cách thức nào, các em đều có thể học tiếp lên cao đẳng và đại học. Điều này phụ thuộc kinh tế gia đình và lựa chọn của từng cá nhân. Những học sinh học trung cấp sẽ gia nhập thị trường lao động sớm, có việc làm và thu nhập.

Một trong những ngôi trường nhận học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 9 là Cao đẳng Công Nghệ Thông Tin TP.HCM. Đại diện nhà trường cho biết tỷ lệ học viên có việc làm sau tốt nghiệp là 97,7%. Trường cấp bằng chính quy, nhiều em ra trường có thu nhập khá khi mới 19 tuổi.

Tiết kiệm ngân sách, giảm gánh nặng cho xã hội

Theo ông Vũ Xuân Hùng - Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - phân luồng học sinh sau THCS là xu hướng mà nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện.

Ở nhiều nước châu Âu, tỷ lệ học sinh sau trung học tham gia giáo dục nghề nghiệp cao do nhu cầu việc làm và hệ thống giáo dục liên thông linh hoạt.

Bên cạnh đó, ở một số nước, số học sinh tuổi 17 hoặc 18 không vào được đại học hoặc cao đẳng nhưng không được chuẩn bị kỹ năng nghề nghiệp, làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, gây khó khăn cho xã hội.

Vì vậy, sau khi tốt nghiệp THCS, những học sinh này, nếu được đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sẽ tiết kiệm rất lớn ngân sách, giảm gánh nặng cho xã hội.

Nhiều quốc gia cũng đang đa dạng hóa các loại hình và hình thức cung cấp giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện thu hút học sinh học nghề.

Bên cạnh đó, người học rất quan tâm việc học lên trình độ cao hơn. Ở nhiều nước, chính sách liên thông cho phép người học được lên những bậc học cao hơn. Họ không phải học lại kiến thức và kỹ năng ở bậc học dưới.

Ví dụ, Isarel cho phép sinh viên theo học các chương trình đào tạo nghề nghiệp tham gia kỳ thi THPT cuối cấp để vào đại học. Ở Thụy Điển, người theo học chương trình dạy nghề được tham gia các khóa học bổ sung để phân loại sinh viên vào một số trường đại học.

Điều đó cho phép cơ sở giáo dục nghề nghiệp được sử dụng nguồn lực một cách thông minh, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân.

Trước đó, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay tại các nước phát triển như Đức, Nhật hoặc Australia, nhiều gia đình quan tâm việc cho con em học nghề sớm. Đó cũng là con đường để tạo ra nhiều kỹ sư giỏi cho đất nước.

Đơn cử, Nhật Bản có mô hình đào tạo 5 năm dành cho học sinh tốt nghiệp cấp 2 để có kỹ sư thực hành. Hiệp hội 51 trường cao đẳng công nghệ Kosen là địa chỉ tin cậy của nhiều gia đình và doanh nghiệp. Ra trường, 100% học viên có việc làm với thu nhập cao.

Tại nước ta, phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương quan trọng giúp giảm lãng phí nguồn lực xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mục tiêu là đến năm 2020, phân luồng sau THCS phải đạt 30% học sinh vào học các trường nghề. Hiện nay, con số này mới chỉ đạt 15%.

Huỳnh Anh
news.zing.vn – 21/10/2019

Bài viết liên quan

400
  Tải tài liệu