Vì sao trường nghề hấp dẫn?

Mặc dù còn nhiều khó khăn để cạnh tranh với các trường ĐH trong tuyển sinh, nhưng nhờ đổi mới chất lượng đào tạo, năm học 2019 này, nhiều trường nghề đã thu hút được số lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển.

825
  Tải tài liệu

Lực hấp dẫn lớn

Năm 2019, điểm chuẩn của Trường Cao đẳng (CĐ) Kỹ thuật Cao Thắng (TPHCM) làm bất ngờ cả nước khi xác lập kỷ lục điểm chuẩn cao nhất trong hệ thống tuyển sinh của giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô cao nhất với 25,25 điểm, kế đến là ngành Công nghệ cơ khí 22,5 điểm, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa 21,5 điểm. Ngành có điểm trúng tuyển thấp nhất là Kế toán cũng đến 16 điểm.

Theo TS. Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, sau khi thí sinh biết điểm thi THPT quốc gia, trường thông báo nhận hồ sơ xét tuyển theo kết quả kỳ thi và trong một tháng nhận được hơn 10.000 hồ sơ đăng ký, trong khi tổng chỉ tiêu của 9 ngành đào tạo là 2.700. Trước đó, trường cũng dành 300 chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả điểm thi kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM năm 2019 với điểm chuẩn cũng rất cao.

Tương tự, Trường CĐ Kinh tế đối ngoại trong kỳ tuyển sinh năm nay đã không xét điểm học bạ THPT mà chỉ xét điểm thi THPT quốc gia 2019 nhưng số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường rất đông. Cụ thể, tổng chỉ tiêu năm 2019 của trường là 3.000 cho 10 ngành đào tạo, nhưng hồ sơ đăng ký vào trường lên đến 7.000. Đặc biệt, tính đến ngay 5/8, khi các trường ĐH chưa công bố điểm chuẩn, thí sinh nhập học Trường CĐ Kinh tế đối ngoại đạt 106% chỉ tiêu. Trong đó, có nhiều thí sinh có mức điểm thi THPT quốc gia 2019 đạt từ 22,95 đến 23,7 điểm.

Ngoài ra, nhiều trường đào tạo nghề khác như: CĐ Công Thương, CĐ Kinh tế TPHCM, CĐ Công nghệ Thủ Đức... cũng có kết quả tuyển sinh cũng khởi sắc. Nhiều ngành có điểm chuẩn cao hơn một số ngành ở các trường ĐH khác tại TPHCM.

Hấp dẫn nhờ chất lượng đào tạo

Để có được “kỳ tích” trên, TS. Lê Đình Kha cho biết “Gắn kết đào tạo giữa nhà trường với DN là mối quan tâm đặc biệt của nhà trường. Trong suốt hơn một thế kỷ hình thành, chất lượng đào tạo là ưu tiên hàng đầu của trường. Để có chất lượng, nhà trường phải gắn kết với DN, phải không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới chương trình đào tạo để sinh viên tốt nghiệp có đầy đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn... đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Nhờ có đủ các điều kiện đó mà “sản phẩm” của trường luôn được các đơn vị tuyển dụng trong và ngoài nước tin tưởng đón nhận”.

Theo đại diện Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, chương trình đào tạo là một trong những yếu tố quyết định đến kết quả tuyển sinh của trường nghề. Theo đó, các chương trình được đưa vào sử dụng có tham khảo từ chương trình đào tạo của các nước ASEAN và sự hỗ trợ của DN. Bên cạnh việc đầu tư kiến thức chuyên môn, trường còn ban hành chuẩn tiếng Anh và tin học cho học sinh sau tốt nghiệp.

Đề cập đến giải pháp thu hút tuyển sinh của trường trong thời gian tới, ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng cho biết, sẽ phát triển các chương trình đào tạo có chất lượng, có tính ứng dụng thực tiễn cao đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp; xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình liên kết đào tạo quốc tế để thu hút tuyển sinh. Đồng thời, tiếp tục mở một số ngành nghề mới để thay thế những ngành nghề mà nhu cầu việc làm đã bão hòa, tiếp cận các ngành nghề đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường phối hợp với các địa phương, đơn vị, tổ chức để đào tạo những lớp ngắn hạn; liên thông, liên kết đào tạo với các trường ĐH, công ty trong và ngoài nước để mở rộng quy mô đào tạo.

Theo bà Trần Thị Anh Đào, Giám đốc Trung tâm nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cùng với cơ hội, Việt Nam cũng đang phải đón nhận nhiều thách thức về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Trong đó, thực hiện đào tạo lại, đào tạo bổ sung, nhất là cho sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm sang những lĩnh vực thiếu lao động. Đồng thời, đào tạo nghề cho lao động cần gắn với nhu cầu thị trường và dự báo thị trường việc làm phải được làm tốt hơn.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, để nâng cao chất lượng đào tạo, từ nay đến năm 2020, TPHCM sẽ sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường. Xây dựng 12 trường có chất lượng cao, đồng thời giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả.

Trong giai đoạn 2019 - 2025, nhu cầu nhân lực tại TPHCM dự báo mỗi năm có khoảng 300.000 chỗ làm việc (150.000 chỗ làm việc tăng thêm). Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm bình quân 85%, trong đó nhu cầu nhân lực có sơ cấp nghề chiếm tỷ lệ 21%, trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ 28%, trình độ cao đẳng chiếm 16%, trình độ đại học trở lên chiếm 18%.

Thu Dịu
haiquanonline.com.vn – 22/09/2019

Bài viết liên quan

825
  Tải tài liệu