Phân luồng học sinh ngay từ bậc trung học cơ sở
Việc phân luồng học sinh nên được thực hiện ngay sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) để đảm bảo đúng với tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo...
Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người vừa gửi công văn lên Chính phủ kiến nghị về việc “tái cơ cấu” hệ thống giáo dục quốc dân và xây dựng cơ chế phân luồng học sinh. Theo lập luận của 3 Hiệp hội, việc phân luồng học sinh nên được thực hiện ngay sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) để đảm bảo đúng với tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), việc phân luồng học sinh phổ thông hiện vẫn đang hết sức khó khăn. Hầu như học sinh (HS) tốt nghiệp THCS đều tiếp tục học lên trung học phổ thông (THPT), sau đó thi vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Tỷ lệ HS sau khi tốt nghiệp THCS chuyển sang học các hệ nghề nghiệp còn rất thấp so với chỉ tiêu 30% mà Bộ Chính trị giao.
Điều này gây áp lực rất lớn cho các trường ĐH, CĐ; ngược lại, các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trường nghề tuyển sinh vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, sự mở rộng quá nhanh các trường THPT, các trường ĐH, CĐ khiến HS sau khi tốt nghiệp THCS hầu như đều chọn con đường học tiếp vào THPT rồi lên ĐH, CĐ.
Theo thống kê của Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT, chủ trương phân luồng sau THCS ngày càng ngược lại với mong muốn khi mà tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS vào THPT ngày càng tăng.
Cụ thể, năm học 2007 - 2008 có 77,7% học sinh tốt nghiệp THCS chuyển tiếp lên lớp 10 thì đến năm 2011 - 2012 tỷ lệ này lên tới 84,1%... Ngoài ra, việc nâng cấp nhiều trường TCCN thành CĐ (chỉ tuyển HS tốt nghiệp từ THPT) khiến HS sau khi tốt nghiệp THCS mất cơ hội có nhiều trường TCCN để vào học…
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, hệ thống giáo dục quốc dân đang mất cân đối khi hầu hết các luồng khác như học nghề, TCCN đều đang rơi vào “bế tắc”, chỉ có luồng học xong THCS rồi lên THPT và vào ĐH, CĐ là thông.
Tuy nhiên, do quá thông nên dẫn đến quá tải và hệ quả là cơ cấu lao động đang mất cân bằng khi tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đang ngày càng phổ biến, tình trạng cử nhân thất nghiệp ngày càng tăng.
GS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng: Cơ cấu của hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay hoàn toàn không đáp ứng được hàng loạt các định hướng quan trọng trong Nghị quyết TW 29 như xây dựng một hệ thống giáo dục mở, thực hiện phân luồng triệt để học sinh sau trung học cơ sở, bảo đảm liên thông giữa các cấp học, bảo đảm hội nhập quốc tế về khung trình độ…
Do đó, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam nhất trí kiến nghị Thủ tướng chỉ ký ban hành “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” sau khi cơ cấu mới của Hệ thống giáo dục quốc dân được phê chuẩn.
Bởi lẽ, việc sớm ban hành “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” trong khi cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân chưa được chỉnh sửa như kế hoạch của Bộ GD&ĐT là một động tác nửa vời, không mang tính “đổi mới cơ bản và toàn diện” và sẽ gây nhiều tổn thất tiền của của Nhà nước và người dân.
Cũng theo GS. Trần Hồng Quân, kết quả nghiên cứu từ 3 Hiệp hội cho thấy, trên thế giới hiện nay phổ biến có 2 kiểu phân luồng, một kiểu phân luồng học sinh sau THPT, thường là những nước phát triển. Một xu hướng phân luồng thứ hai, chủ yếu ở các nước đang phát triển là thực hiện phân luồng sau THCS.
Do chúng ta là nước đang phát triển nên việc phân luồng nên đi theo con đường thứ 2, tức là sau THCS. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Theo đó, sẽ phân luồng học sinh sau THCS, còn hai luồng THPT và Trung học nghề cũng được phát triển lên. THPT được phát triển lên theo hướng nghiên cứu và trung học nghề đi theo hướng ứng dụng thực hành.Ở hướng trung học nghề sẽ tham gia đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp (công nhân lành nghề).
Để đạt được mục tiêu đổi mới, phù hợp với quá trình phân luồng, 3 Hiệp hội đề nghị đổi tên trường trung cấp nghề thành trung học nghề, điều chỉnh lại mục tiêu và chương trình đào tạo. Bảo đảm học sinh tốt nghiệp vừa có trình độ học vấn (để có thể học lên khi có cơ hội) vừa có nghề thành thạo. Chuyển đổi các trường trung cấp chuyên nghiệp theo 2 hướng: Cao đẳng thực hành hoặc thực hành nghề. Hợp nhất một phần trường THPT với các cơ sở dạy nghề ở địa phương để chuyển thành các trường thực hành nghề. Bên cạnh đó, quy hoạch lại nhiệm vụ cho các trường ĐH theo 2 hướng: Nghiên cứu và nghề nghiệp-ứng dụng. Hướng nghiên cứu chủ yếu dành cho các trường ĐH trọng điểm; các trường địa phương và trường của các Bộ ngành chủ yếu đi theo hướng nghề nghiệp ứng dụng, bám sát nhu cầu nhân lực của địa phương. |
Huyền Thanh
(cand.com.vn)