Trường đại học đào tạo cao đẳng: Vừa đúng vừa sai!

Nhiều mâu thuẫn trong các văn bản của Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH về việc quản lý CĐ và TC trong trường ĐH gây ra tình trạng tréo ngoe trong đào tạo hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

864
  Tải tài liệu

Được phép hay không ?

Theo luật Giáo dục năm 2005 và sửa đổi năm 2009, trường ĐH, học viện (gọi chung là trường ĐH) được đào tạo 4 trình độ gồm: CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ. Luật Giáo dục ĐH năm 2012 cũng quy định giáo dục ĐH bao gồm trường ĐH, trường CĐ và đào tạo trình độ CĐ trở lên. Vì thế, nhiều năm qua, hầu như trường ĐH nào cũng tuyển sinh bậc CĐ, thậm chí cả TC.

Tình trạng này kéo dài trở thành một trong những nguyên nhân gây ra nghịch lý là trường CĐ, TC chuyên đào tạo 2 bậc học này theo hướng thực hành lại vắng bóng người học, trong khi trường ĐH lại tuyển CĐ, TC ngon lành nhưng đào tạo thiên về lý thuyết. Chỉ tiêu CĐ, TC trong các trường ĐH thậm chí còn nhiều hơn chỉ tiêu ĐH.

Nhận ra sự “vô lý” này có tác động nhất định đến chất lượng đào tạo ĐH, cuối năm 2011, Bộ GD-ĐT đã ra Thông tư 57 yêu cầu các trường ĐH không đào tạo trình độ TC trừ các trường nhóm ngành văn hóa nghệ thuật, theo lộ trình đến 2017 thì dừng hẳn. Nhưng đến năm 2015, Bộ lại ra Thông tư 32 yêu cầu các trường ĐH có tuyển sinh và đào tạo CĐ giảm 20% chỉ tiêu CĐ mỗi năm, để đến năm 2020 không còn bậc học này trong trường ĐH. Đến nay, nhiều trường ĐH cũng đã bỏ hẳn tuyển sinh các bậc học này, các trường còn lại giảm chỉ tiêu theo đúng lộ trình.

Tuy nhiên, năm 2015, khi luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, lại cho phép cơ sở giáo dục ĐH cũng có thể được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (điều 19). Nghĩa là không cấm trường ĐH đào tạo CĐ, TC. Luật này không chỉ mâu thuẫn với các thông tư của Bộ GD-ĐT mà còn không đồng bộ với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được Thủ tướng phê duyệt tháng 10.2016, trong đó, giáo dục ĐH không bao gồm trình độ CĐ và TC. Các trường ĐH sẽ chỉ đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp đào tạo bậc CĐ, TC.

Việc không thống nhất giữa các văn bản trên gây ra sự nhập nhằng giữa “được phép” và “không được phép”. Như vậy, trường ĐH đào tạo CĐ, TC vừa sai lại vừa đúng luật! Càng tréo ngoe hơn khi nay giáo dục nghề nghiệp do Bộ LĐ-TB-XH quản lý về mặt nhà nước nên nhiều trường ĐH đào tạo đa cấp hiện đang chịu sự quản lý nhà nước và chuyên môn bởi 2, 3 cơ quan.

Chồng chéo chỉ tiêu đào tạo

Đại diện một số trường ĐH đang đào tạo CĐ cho rằng nếu luật Giáo dục nghề nghiệp coi ĐH là một đơn vị có thể đăng ký hoạt động đào tạo CĐ, TC thì trước mắt, các trường sẽ vẫn tiếp tục tuyển sinh các bậc học này, với lý do “thông tư thấp hơn luật”.

Điều này gây nên sự chồng chéo, trước hết là việc xác định chỉ tiêu. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, cho biết: “Hiện nay, một trường ĐH cùng sử dụng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đó để xin chỉ tiêu ở cả 2 bộ để đào tạo 2 bậc học mà không tính đến việc quy đổi, không tính đến vấn đề tải trọng. Chẳng hạn, theo quy định của Bộ GD-ĐT, trường đó chỉ có thể đào tạo 2.000 sinh viên ĐH nhưng trường tiếp tục sử dụng cơ sở vật chất và giảng viên đó để xin thêm từ 1.000 - 2.000 chỉ tiêu bậc CĐ ở Bộ LĐ-TB-XH, thành ra số chỉ tiêu tăng gấp đôi, vượt quá năng lực cho phép”.

Theo ông Vinh, việc xác định chỉ tiêu của mỗi bộ đang làm theo kiểu tách biệt, độc lập, không có sự phối hợp trên cơ sở căn cứ vào năng lực đào tạo và nhu cầu xã hội cho cả 2 bậc học. Lẽ ra, căn cứ vào quy định của mỗi bộ, một trường ĐH có thể đào tạo tổng chỉ tiêu là bao nhiêu, sau đó phân bổ ĐH là bao nhiêu, CĐ là bao nhiêu. Nhưng theo cách làm hiện tại, tại một số trường, một giảng viên thay vì chỉ “gánh” 25 sinh viên ĐH thì nay bắt “gánh” thêm từ chục đến vài chục sinh viên CĐ nữa.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận: “Một số trường còn muốn tuyển CĐ vì muốn níu kéo và để có thêm chỉ tiêu từ việc liên thông. Nhất là những trường ĐH được nâng cấp từ CĐ, thì việc dừng đào tạo CĐ còn bị vướng ở chỗ lực lượng giảng viên trình độ ĐH không biết sẽ sắp xếp thế nào”.

Hiện nay, trường ĐH được tự chủ chỉ tiêu nên việc tuyển sinh cũng trở nên thoải mái. Mặc dù có đăng ký với các bộ nhưng theo một cán bộ trong ngành giáo dục, việc hậu kiểm còn nhiều hạn chế. “Có không ít trường cơ sở vật chất chỉ phù hợp với 1.000 chỉ tiêu, đăng ký với bộ như vậy, nhưng thực tế mỗi bậc học tuyển gấp rưỡi, gấp đôi. Bộ có về thanh tra cũng không kiểm soát được vì các trường có cách “giấu” rất tài. Nếu mục tiêu chạy theo lợi nhuận, sử dụng lý lẽ “tận dụng cơ sở vật chất và giảng viên, tránh lãng phí” để đào tạo thêm các bậc học thấp hơn, với chỉ tiêu vượt quá năng lực thì rất khó để đi vào chất lượng”, vị này chia sẻ.

Sẽ sửa đổi nhiều văn bản cho phù hợp với luật

“Khi có luật mới ra đời thì những văn bản dưới luật phải cập nhật cho phù hợp với những quy định liên quan. Hiện nay Bộ GD-ĐT đang sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản cho phù hợp với luật Giáo dục nghề nghiệp. Thông tư 32 về xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng sẽ được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới. Trong điều kiện nguồn lực đầu tư còn hạn chế, các trường ĐH tập cần trung đào tạo các trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ kết hợp với phát triển nghiên cứu khoa học. Có như vậy chất lượng đào tạo mới được nâng cao, sinh viên tốt nghiệp mới có tính cạnh tranh trên thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập. Những hệ đào tạo thấp hơn có thể được đào tạo tốt ở các trường CĐ, TC. Trong trường hợp trường tuyển tăng chỉ tiêu CĐ, TC thì phải giảm chỉ tiêu ĐH để đảm bảo chất lượng đào tạo”.

GS-TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Dừng CĐ trong trường ĐH chỉ là chủ trương riêng của Bộ GD-ĐT

"Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được Thủ tướng ban hành tại Quyết định 1981/QĐ-TTg ngày 18.10.2016 chỉ quy định các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, không quy định các trình độ được tổ chức đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH. Việc các trường ĐH dừng đào tạo các bậc học thấp hơn để tập trung cho chất lượng đào tạo ĐH chỉ là chủ trương riêng thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT".

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH

Mỹ Quyên
Nguồn: thanhnien.vn – 03/04/2017

   

Bài viết liên quan

864
  Tải tài liệu