Nhiều ngành có ưu thế trong tương lai
Nhiều ngành có ưu thế trong tương lai
Những thông tin về ngành học, việc nên chọn trường nào, ngành nào để có nhiều cơ hội trúng tuyển và xin việc khi ra trường luôn là những băn khoăn, trăn trở của các bạn trẻ trước mỗi mùa tuyển sinh.
Kinh doanh vẫn đứng đầu
Theo thống kê của TS.Lê Thị Thanh Mai, Phó Trưởng ban Đại học và Sau Đại học ĐHQG HCM, năm 2011 cả nước có gần 300 ngành học được tổ chức tuyển sinh tại 475 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng. Nhóm ngành Kinh doanh có tỷ lệ thí sinh dự thi cao nhất với 10,98%, sau đó đến các nhóm ngành: Ðào tạo giáo viên (9,31%); Kế toán - kiểm toán (9,00%); Tài chính - ngân hàng - bảo hiểm (8,63%); Xây dựng (4,05%); Nông nghiệp (4,02%); Y học (3,41%); Chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống (3,18%); Luật (3,03%); Ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài (2,81%); Công nghệ kỹ thuật cơ khí (2,63%); Kinh tế học (2,57%); Công nghệ thông tin (2,54%); Ðiều dưỡng, hộ sinh (2,34%); Khoa học môi trường (2,27%); Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông (2,21%); Sinh học ứng dụng (2,04%); Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông (1,94%); Dịch vụ y tế (1,84%); Kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật (1,03%).
Không chỉ đứng đầu bảng trong sự lựa chọn của thí sinh những mùa tuyển sinh trước, dự kiến, năm 2012, những ngành như kinh tế, tài chính, ngân hàng sẽ tiếp tục giữ vững vị trí thứ nhất. Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, trong số 576.000 chỉ tiêu tuyển mới của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 sẽ có tới 184.300 chỉ tiêu cho ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng. Tiếp đến, ngành Kỹ thuật công nghệ là 172.800 chỉ tiêu; ngành Sư phạm: 54.600 chỉ tiêu; ngành Khoa học tự nhiên và Xã hội nhân văn: 51.800 chỉ tiêu; ngành Nông Lâm ngư :43.200 chỉ tiêu; ngành Y Dược: 40.300 chỉ tiêu và ngành Nghệ thuật - Thể dục thể thao: 29.000 chỉ tiêu.
Ngành nào nhiều cơ hội trong tương lai?
Ngoài khối ngành Kinh tế, TS.Nguyễn Thị Thanh Mai cho rằng, những ngành Sinh học bao gồm Công nghệ sinh học, Môi trường, Dược liệu,… sẽ cho sinh viên một nghề nghiệp có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Lý giải điều này, theo TS.Nguyễn Thị Thanh Mai, tương lai, chúng ta có rất nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan đến lĩnh vực này như biến đổi khí hậu, ô nhiễm, rác thải, bệnh tật.
Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 cũng ghi rõ những nghề sẽ được chú trọng đào tạo trong 10 năm tới của từng vùng miền. Cụ thể, vùng trung du miền núi phía Bắc cần tập trung đào tạo nhân lực cho các ngành, Sản xuất, chế biến các loại nông - lâm sản, đặc sản chất lượng và giá trị kinh tế cao, chế tạo và lắp ráp điện tử, công nghiệp vật liệu, du lịch dịch vụ, kinh tế cửa khẩu...Đối với đồng bằng sông Hồng, tập trung đào tạo nhân lực các ngành Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải, đào tạo nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; cơ khí chế tạo, điện tử, vật liệu mới, chế biến dược phẩm và thực phẩm … Đào tạo nghề trình độ cao cho các ngành công nghiệp điện tử, chế tạo máy, kỹ thuật điện, sản xuất vật liệu, du lịch, viễn thông …
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tập trung đào tạo nhân lực ngành Công nghiệp lọc hóa dầu, cơ khí, chế tạo và lắp ráp thiết bị điện - điện tử, công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến thủy, hải sản xuất khẩu; dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là dịch vụ gắn với phát triển du lịch và các dịch vụ tài chính ngân hàng, thương mại, dịch vụ công nghệ, pháp lý, môi trường, viễn thông, phát triển thị trường bất động sản …
Vùng Tây Nguyên tập trung đào tạo đủ nhân lực ngành, lĩnh vực Thủy điện, khai thác khoáng sản, chế biến nông, lâm sản …; nhân lực kỹ thuật cho phát triển các ngành trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều …. Phát triển đào tạo nhân lực tại chỗ cho các ngành dịch vụ: Tài chính ngân hàng, tín dụng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Vùng Đông Nam Bộ tập trung các ngành thương mại, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin - viễn thông, hóa dầu, kỹ thuật điện, điện tử, cơ khí chế tạo, nhóm ngành thiết kế, các dịch vụ du lịch chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao …Vùng đồng bằng sông Cửu Long chú trọng đào tạo nhân lực ngành Công nghiệp chế biến nông lâm, thủy hải sản xuất khẩu; chế biến rau quả, chế biến thịt, cơ khí phục vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, cơ khí sửa chữa, điện, điện tử, công nghệ thông tin, hóa chất, dược phẩm, công nghiệp dệt may, da giày …
Hiếu Nguyễn
Nguồn: gdtd.vn