Một số điểm mới trong thực hiện nghĩa vụ quân sự
Một số điểm mới trong thực hiện nghĩa vụ quân sự
Có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016, Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 có nhiều điểm mới, trong đó sửa đổi, bổ sung một số quy định về đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự nhằm đơn giản hoá về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Bổ sung trường hợp công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự
Để bảo đảm bình đẳng về địa vị pháp lý đối với công dân đã, đang thực hiện nghĩa vụ trong một số lĩnh vực khác như nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ... Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 đã bổ sung quy định: Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.
Công dân tham gia dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực; hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên; cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị; thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế-quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định; công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư đủ 24 tháng trở lên thì được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình.
Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 đã bổ sung và quy định cụ thể hơn về nguyên tắc đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, quy định cụ thể việc đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung, khi thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc, học tập, tạm vắng, đăng ký miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến, đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị và đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Việc bổ sung, sửa đổi các quy định về đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự nhằm đơn giản hoá về thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Đồng thời, để luật hóa các quy định của Chính phủ và Bộ Quốc phòng về đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đã thực hiện ổn định và được kiểm nghiệm trong thực tế.
Thống nhất thời hạn thực hiện nghĩa vụ 24 tháng
Nếu thực hiện thời hạn phục vụ tại ngũ 18 tháng như hiện nay thì chỉ bảo đảm được thời gian huấn luyện chiến đấu đến cấp phân đội, không bảo đảm được thời gian huấn luyện chiến đấu ở cấp cao hơn. Chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới.
Mặt khác, theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân phải phục vụ 24 tháng, hạ sĩ quan và binh sĩ khác chỉ phục vụ 18 tháng đã tạo ra sự không công bằng giữa hai đối tượng, ảnh hưởng đến tư tưởng của hạ sĩ quan và binh sĩ, nhất là đối với đối tượng phục vụ tại ngũ 24 tháng.
Luật hiện hành quy định hai thời hạn phục vụ tại ngũ khác nhau như vậy cũng gây tốn kém về vật chất và thời gian, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ khác của quân đội, địa phương do hằng năm phải tổ chức tuyển quân, xuất ngũ thành 2 đợt.
Từ những lý do trên, Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 đã quy định thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 24 tháng.
Nâng độ tuổi gọi nhập ngũ để nâng chất lượng công dân nhập ngũ
Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi nên hằng năm, tỷ lệ công dân có trình độ đại học trở lên tham gia thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ thấp, vì phần lớn công dân khi hoàn thành chương trình đại học đã bước vào tuổi 25, có một số ngành học khi hoàn thành chương trình đại học thì công dân đã hết độ tuổi gọi nhập ngũ.
Đồng thời, số công dân đã hoàn thành chương trình đại học hệ chính quy nhưng không thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ (do hết độ tuổi), thì lại được Nhà nước ưu tiên cho tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ để học tập. Trong khi đó, những công dân không có điều kiện hoặc chưa có điều kiện để tham gia học tập chương trình đào tạo đại học hệ chính quy ngay từ khi đủ 18 tuổi lại phải thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ nên đã phần nào tạo ra sự không công bằng giữa các công dân trong thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Do vậy, theo Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, ngoài quy định chung độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi, Luật đã bổ sung quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi đối với công dân đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ để học chương trình đào tạo đại học, cao đẳng.
Việc bổ sung quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công dân nhập ngũ mà theo quy định hiện hành thì rất khó thực hiện.
Nhiều chính sách ưu đãi cho người thực hiện nghĩa vụ quân sự
Luật cũng đã quy định cụ thể thời điểm gọi công dân nhập ngũ là vào tháng 2 hoặc tháng 3 hằng năm và thời gian khám sức khỏe từ ngày 1/11 đến hết ngày 31/12 hằng năm. Quy định này nhằm bảo đảm cho công dân chủ động chuẩn bị thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ; đồng thời, tạo điều kiện cho địa phương trong xây dựng, thực hiện kế hoạch gọi công dân nhập ngũ hằng năm.
Về đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình, ngoài việc giữ nguyên cơ bản các quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành, Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 đã sửa đổi đối với đối tượng tạm hoãn là học sinh, sinh viên đang học ở các trường phổ thông, trường dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học. Đồng thời, bổ sung quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình đối với một con của người nhiễm chất độc da cam bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.
Luật chỉ tạm hoãn cho học sinh phổ thông, sinh viên đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo và sau khi thôi học sẽ được gọi nhập ngũ.
Đối với công dân đang học tập tại các nhà trường hoặc trúng tuyển vào các trường thuộc cơ sở giáo dục không thuộc đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ thì được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ sẽ được tiếp nhận lại để học tập.
Để tạo sự thu hút trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, Luật đã bổ sung quy định về một số chế độ, chính sách trong thực hiện nghĩa vụ quân sự như được tạm hoãn trả và không tính lãi suất khoản vay từ Ngân hàng chính sách xã hội mà trước khi nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên theo quy định của pháp luật; được ưu tiên trong tuyển sinh quân sự; được cộng điểm trong tuyển sinh, tuyển dụng công chức, viên chức; trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo.
Có thể khẳng định, Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 đã thể chế đầy đủ, toàn diện tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đồng thời đã quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của tổ chức, cá nhân trong thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự.
Nội dung của Luật phù hợp với đặc thù quân sự, điều kiện phát triển của đất nước, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thiếu tướng Tô Viết Báo - Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Quốc phòng
Nguồn: baochinhphu.vn