TP.HCM: Quá lãng phí khi đại học chỉ là nơi trú chân tạm bợ
85% nhu cầu nhân lực ở TP.HCM là người đã qua đào tạo nghề. Cử nhân chỉ 13%. Thế nhưng, việc đào tạo lại đang ngược lại hoàn toàn.
Cần tới 85% nhân lực đã qua đào tạo nghề
Ông Lương Quốc Khanh, chuyên viên Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH (Sở GDĐT TPHCM) cho biết, thực trạng công tác hướng nghiệp của HS TPHCM cho thấy, chỉ 20% học sinh có hiểu biết đầy đủ, 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học, 75% học sinh thiếu hiểu biết về ngành chọn học. Nhiều học sinh không quan tâm đến chọn nghề theo khả năng phù hợp mà chỉ chọn theo tiêu chí "dễ đậu" để vào ĐH, CĐ.
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo ĐH Nông lâm TPHCM cho rằng, trước khi chọn cho mình một ngành nghề phù hợp, thí sinh cần xác định được tầm quan trọng của ngành, nghề mà mình đã chọn.
Đặc biệt trong thời buổi hiện tại cần cân nhắc đến nhu cầu việc làm của từng ngành, chứ không phải chọn trường theo tiêu chí "dễ đậu".
"Đậu vào các trường ĐH, CĐ chỉ là sự trú chân tạm bợ, nếu các bạn không có tâm huyết, khả năng với nghề thì đó là một sự lãng phí lớn cho bản thân và gia đình. Nghề nghiệp rất đa dạng nhưng năng lực của con người thì có hạn trong khi giới trẻ lại có quá nhiều ước mơ cao xa. Một số em lại lệ thuộc vào sự quyết định của người khác", TS Trần Đình Lý nói.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TPHCM, phần lớn học sinh Việt Nam đều thích học đại học hơn là học nghề.
Trong khi đó trên thực tế, về nhu cầu nhân lực của TP HCM trong 5 năm tới tập trung tới 85% nhu cầu vào nguồn nhân lực đã qua đào tạo nghề, còn nhu cầu đối với trình độ ĐH chỉ chiếm 13%, còn trên ĐH là 2%.
Chê sinh viên vì thiếu tinh thần tự giác làm việc
Điểm yếu lớn nhất của lao động Việt Nam, nhất là những sinh viên mới ra trường, không phải là ở khả năng mà là thiếu trách nhiệm và tinh thần tự giác làm việc.
"Trong phần hướng nghiệp ở trường phổ thông và ĐH, CĐ giáo viên cần phải xây dựng được cho các em tính tự giác, tự lập, có trách nhiệm với công việc của mình", ông Tuấn Anh lưu ý.
Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia hướng nghiệp, giáo viên, cán bộ quản lý đã nêu những khó khăn, trở ngại trong việc thực hiện mục tiêu phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Do thiếu đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và thiếu điều kiện cho học sinh tiếp cận, trải nghiệm, tìm hiểu thực tế ngành nghề trong xã hội nên hoạt động hướng nghiệp không đạt hiệu quả cao.
Cô Nguyễn Thị Kim Anh, giáo viên trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý (Q.7) cho biết: "Suốt 4 tháng nay, trường chúng tôi đăng thông báo tuyển dụng giáo viên làm công tác hướng nghiệp nhưng đến giờ vẫn không tuyển được người đạt yêu cầu”.
Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt chỉ ra thực tế: Trường không có giáo trình, giáo viên không được đào tạo bài bản; không có tiết chính thức dành cho hướng nghiệp khiến nhiều trường phải lấy giờ chào cờ để tận dụng làm tiết hướng nghiệp
Các buổi tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp được tổ chức rầm rộ trước mỗi mùa thi, theo đánh giá của nhiều giáo viên, thực chất chỉ giống như một “hội chợ” của các trường ĐH, CĐ.
Nếu công tác hướng nghiệp không được thật sự chú trọng và cải tiến từ gốc thì thực trạng lãng phí nguồn nhân lực sẽ tiếp tục diễn ra.
An Nhiên
Nguồn: infonet.vn