Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012: Bi đát ngành ngoại ngữ
Nhiều ngành ngoại ngữ có nguy cơ đóng cửa vì hồ sơ đăng ký dự thi ít hơn rất nhiều so với chỉ tiêu.
Tỉ lệ chọi bằng 0
Đầu ra hạn hẹp
Điểm trúng tuyển chỉ bằng điểm sàn
Các trường ĐH đã công bố lượng hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi tuyển sinh năm 2012. Không chỉ các trường ĐH tốp dưới, ĐH vùng, ĐH địa phương, mà ngay cả các trường ĐH tốp đầu nhiều ngành ngoại ngữ đang bị thí sinh ngoảnh mặt.
Tỉ lệ chọi bằng 0
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là một trong những trường ĐH trọng điểm nhưng lượng thí sinh dự thi vào các ngành sư phạm ngoại ngữ ngày càng thấp. Cùng chỉ tiêu tuyển là 40 thì ngành sư phạm tiếng Nga chỉ nhận được 36 hồ sơ, ngành sư phạm tiếng Trung nhận được 39 hồ sơ. Bi đát hơn, với chỉ tiêu 60, ngành ngôn ngữ Nga chỉ có 28 hồ sơ, sư phạm tiếng Pháp nhận 36 hồ sơ, ngôn ngữ Pháp được 41 hồ sơ… Các ngành được cho là đang thịnh, có nhiều sức hút như ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Trung Quốc mà hồ sơ cũng ít hơn chỉ tiêu.
Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), trong khi các ngành ngôn ngữ Anh, Nhật Bản học, Hàn Quốc học có tỉ lệ “chọi” từ 5 đến 7 thì các ngành ngoại ngữ còn lại chỉ lèo tèo hồ sơ như mọi năm. Thấp nhất là ngôn ngữ Ý, với 50 chỉ tiêu nhưng chỉ có 38 hồ sơ; kế đến ngôn ngữ Đức chỉ có 87 hồ sơ cho 50 chỉ tiêu. Các ngành ngôn ngữ Nga, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha hồ sơ nhỉnh hơn chỉ tiêu chưa đến một nửa.
Ở các trường ĐH vùng, lượng hồ sơ vào các ngành ngoại ngữ cũng ngày càng khan hiếm, ít hơn chỉ tiêu. Tại Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), ngành ngôn ngữ Thái Lan, sư phạm tiếng Trung Quốc đã phải đóng cửa vào mùa tuyển sinh 2010 vì không có thí sinh, năm nay ngành ngôn ngữ Thái Lan cũng chỉ có 10 hồ sơ cho 35 chỉ tiêu. Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) cũng không tránh khỏi việc thí sinh thờ ơ với ngành sư phạm tiếng Pháp, sư phạm tiếng Trung Quốc, ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Pháp… khi chỉ có vài hồ sơ mà chỉ tiêu từ 30 đến 40.
Tại các trường ĐH địa phương tình trạng cũng không mấy khả quan. Ngành sư phạm tiếng Pháp của Trường ĐH Cần Thơ tiếp tục nhận ít hồ sơ nhất khi chỉ có 26 hồ sơ cho 40 chỉ tiêu. Ngành ngôn ngữ Pháp cũng không khá hơn với 58 hồ sơ cho 40 chỉ tiêu, còn ngành ngôn ngữ Anh đào tạo tại tỉnh Hậu Giang cũng chỉ có 76 hồ sơ cho 80 chỉ tiêu. Hay tại Trường ĐH Trà Vinh, ngành ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Khmer cũng không là lựa chọn của thí sinh khi đăng ký dự thi.
Đầu ra hạn hẹp
ThS Tạ Quang Lâm, quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Mặc dù tuyển sinh đào tạo ĐH ngành sư phạm tiếng Trung, Pháp, Nga nhưng ngay ở đầu ra đã thấy cửa hẹp vì các trường phổ thông chưa đưa các ngôn ngữ này vào chương trình đào tạo, nếu có cũng chỉ là thí điểm ở một vài nơi. Đây là cái khó để chúng tôi tuyển sinh các ngành này. Nhưng nếu không đào tạo thì khi cần không biết tuyển ở đâu”.
Một nguyên nhân nữa, theo ông Lâm, khi tốt nghiệp ngoại ngữ nếu không đi dạy thì sinh viên có thể làm phiên dịch, biên dịch hay làm ở các lãnh sự, cơ quan nước ngoài. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng có thể tìm một công việc phù hợp với chuyên ngành đã học, phải học thêm một số chứng chỉ khác để dễ xin việc làm.
Minh Trang, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: “Tiếng Anh hỗ trợ tôi rất nhiều trong vai trò quản trị tại một công ty xuất nhập khẩu. Nhưng chỉ có tiếng Anh thì tôi không thể làm được việc gì nếu không có các chứng chỉ tôi học thêm của các trường ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại thương”.
Trong khi đó, về nhu cầu nhân lực sư phạm ngoại ngữ, ông Ninh Thành Viên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang, thông tin: “Hiện Kiên Giang còn thiếu giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học. Nếu thí sinh có nguyện vọng học sư phạm tiếng Anh thì nên chọn sư phạm tiếng Anh tiểu học”. TS Trần Thanh Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, cũng cho biết: “Nhu cầu giáo viên Toán, Lý, Hóa, hay Văn, Sử, Địa… của tỉnh không nhiều. Nhưng nhu cầu giáo viên tiếng Anh sẽ nhiều vì sắp tới sẽ triển khai đề án dạy ngoại ngữ trong trường học”.
Điểm trúng tuyển chỉ bằng điểm sàn ThS Tạ Quang Lâm, Quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nói: “Ngoại trừ ngành sư phạm tiếng Anh, ngôn ngữ Anh thì hầu hết các ngành sư phạm ngoại ngữ, ngôn ngữ nước ngoài như Pháp, Nga, Trung… hằng năm chỉ ở mức 18 điểm, đã tính hệ số 2 môn thi ngoại ngữ. Chưa kể, ngành ngôn ngữ Nga sinh viên được đào tạo hai chuyên ngành ngôn ngữ Nga và ngôn ngữ Nga-Anh; với chuyên ngành ngôn ngữ Nga-Anh sinh viên được cấp bằng ĐH tiếng Nga và CĐ tiếng Anh nhưng vẫn không có thí sinh dự thi”. Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo, cũng cho rằng các ngành ngoại ngữ chỉ dừng ở mức 14-15, tương đương điểm sàn. Còn tại các trường ĐH vùng, ĐH địa phương, điểm trúng tuyển các ngành ngoại ngữ chỉ ở mức 13 điểm. |
QUỐC DŨNG
(phaptuattp.vn)