Tự tin cạnh tranh nhân lực toàn cầu

Từ trường đại học đến các cơ sở dạy nghề đều đang có những nỗ lực chuẩn bị nguồn nhân lực theo những yêu cầu mới cho thời kỳ lao động Việt Nam bước vào môi trường cạnh tranh khu vực và toàn cầu.

Xác định ngành mũi nhọn

655
  Tải tài liệu

Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, nguyên Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, so với cách đây nửa năm, đã có một số chuyển biến đáng kể trong việc chuẩn bị lực lượng lao động để hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015.

Chẳng hạn TP.HCM lựa chọn 4 ngành công nghiệp trọng điểm để đầu tư, phát triển là cơ khí chế tạo, điện tử, công nghệ thông tin, hóa chất nhựa và chế biến lương thực thực phẩm.

Trong hệ thống các trường TCCN, tháng 3.2013, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng yêu cầu khi xây dựng kế hoạch phát triển đến năm 2020 phải xác lập 3 ngành mũi nhọn của trường theo thứ tự ưu tiên cho từng ngành. Cụ thể, cần quan tâm các nhóm ngành dịch vụ: tài chính - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; du lịch; vận tải, cảng và kho bãi; bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; kinh doanh tài sản bất động sản; tư vấn; khoa học công nghệ; y tế; giáo dục và đào tạo và 4 ngành công nghiệp trọng yếu là: cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa chất - nhựa - cao su; chế biến tinh lương thực thực phẩm.

Nâng chất lượng đào tạo nếu không muốn tụt lại

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng: “Hiện tại quá trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 đã hoàn thành được khoảng 80% đầu việc. Như vậy vấn đề cấp bách của giáo dục, mà đặc biệt là giáo dục ĐH nước ta là phải chủ động thay đổi mạnh mẽ để hội nhập”. Ông Nghĩa phân tích rằng sự hội nhập, tích hợp, phân công trong giáo dục ĐH sẽ không chỉ diễn ra trong từng nước mà trên quy mô cả ASEAN. Điều này thể hiện rõ trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo, từ tuyển sinh, quản lý cho đến đầu ra, việc làm. “Các trường ĐH nước ta phải nâng chất đào tạo để xây dựng chuẩn đầu ra có tính cạnh tranh trong khu vực. Nếu không làm được việc này thì không khéo các kỹ sư, cử nhân Việt Nam sẽ thất nghiệp ngay chính trên sân nhà vì không cạnh tranh được với đồng nghiệp đến từ các nước trong khu vực”, ông Nghĩa khẳng định.

Lãnh đạo các trường ĐH đã đặt ra “mệnh lệnh” cần rà soát, điều chỉnh chương trình, hướng đến thay đổi phương pháp đào tạo và đánh giá, triển khai việc đào tạo song song kỹ năng với kiến thức chuyên môn. Bên cạnh đó, các trường ĐH phải gắn kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp trong hoạt động hướng nghiệp, tư vấn việc làm cho sinh viên. Sinh viên nên cố gắng tự trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, bản lĩnh và tự tin để có thể hội nhập.

Đào tạo nghề cấp độ ASEAN và quốc tế

Theo chiến lược phát triển dạy nghề từ nay đến năm 2020 sẽ có 20 nghề cấp độ quốc tế và 30 nghề cấp độ ASEAN được chọn để đào tạo. Các nghề sẽ được lựa chọn từ các chương trình tiên tiến nhất của các nước trong khu vực và quốc tế để chuyển giao, đào tạo giáo viên.

Trong năm 2013, một số trường nghề được Tổng cục Dạy nghề lựa chọn đã tuyển sinh, đào tạo thí điểm 4 nghề theo chuẩn quốc tế (điều khiển tàu biển, khai thác máy tàu thủy, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị khách sạn) và 4 nghề theo chuẩn khu vực (chế biến và bảo quản thủy sản, gia công và thiết kế sản phẩm mộc, kỹ thuật xây dựng, quản trị lễ tân).

Đây là các nghề đã được Tổng cục Dạy nghề nhập, chuyển giao và biên dịch từ Malaysia. Các bộ chương trình này đều được chuyển sang Trung tâm kiểm định và công nhận chất lượng của tổ chức quốc tế City&Guilds, Vương quốc Anh đánh giá và công nhận chất lượng quốc tế.

Mỹ Quyên

Ý kiến:

Trang bị cho sinh viên kỹ năng mềm

Ngoài kiến thức chuyên ngành, sinh viên muốn cạnh tranh được trong nền kinh tế hội nhập cần được trang bị tốt các kỹ năng mềm, đặc biệt là tiếng Anh và làm việc nhóm. Hơn nữa, trong nền kinh tế cạnh tranh cao như hiện nay, sinh viên cần có khả năng thích nghi nhanh với sự thay đổi môi trường làm việc. Do vậy, trong chương trình đào tạo của trường, các kỹ năng này được lồng ghép vào các môn học hiện hành hoặc thiết kế trong từng môn học riêng.

PGS-TS Dương Anh Đức
(Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM)

Thêm ngoại ngữ thứ hai sau tiếng Anh

Trường bắt buộc sinh viên một số chuyên ngành như quản trị kinh doanh, đông phương học, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn phải học thêm ngoại ngữ thứ hai ngoài tiếng Anh. Ngoài ra, riêng sinh viên các ngành Nhật Bản học, Hàn Quốc học còn phải học thêm học phần về văn hóa doanh nghiệp nước ngoài nhằm bổ trợ kiến thức cho sinh viên trước khi làm việc ở môi trường nước ngoài.

Thạc sĩ Nguyễn Phước Đại
(Trưởng phòng Đào tạo và nghiên cứu khoa học Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM)

3 thách thức với nguồn nhân lực

Đó là kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm).

Muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, người trẻ phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới, không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp...

Đào tạo kỹ năng mềm cho người học nghề ở các cấp bậc ĐH, CĐ, trung cấp và sơ cấp là vấn đề rất quan trọng. Ngoài ra, cần đa dạng phương pháp đào tạo, huấn luyện gắn kết người học với doanh nghiệp, hoạt động xã hội và thúc đẩy tinh thần tự rèn luyện theo nhu cầu việc làm của thị trường lao động.

Trần Anh Tuấn
(Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM)

Thiếu kỹ năng và ngoại ngữ

So với lao động các nước, lao động Việt Nam còn yếu nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, trình bày, tinh thần đồng đội, thuyết trình, xử lý công việc khi gặp khủng hoảng, biết lắng nghe, truyền đạt... Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam kém hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Không thể so sánh với Singapore, tuy nhiên ngay cả với Philippines hay Thái Lan, chúng ta đã bị bỏ lại một khoảng cách khá xa. Kém ngoại ngữ sẽ dẫn đến việc mất đi các cơ hội để học hỏi và phát triển nghề nghiệp.

Nguyễn Thị Vân Anh
(Giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search)

Hà Ánh - Mỹ Quyên (ghi)

 Đăng Nguyên
Nguồn: thanhnien.com.vn

 

Bài viết liên quan

655
  Tải tài liệu