Học sinh lớp 12 tự dưng 'giỏi' hẳn ra!
Trước cách tính điểm tốt nghiệp kỳ thi THPT quốc gia gồm 50% điểm thi và 50% điểm trung bình lớp 12, thực tế đã xuất hiện tình trạng lượng học sinh khá, giỏi lớp 12 tăng đột biến...
Kết quả học tập không đúng thực chất
Kết quả đậu tốt nghiệp kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vừa qua ở một số trường chất lượng đầu vào thấp của một tỉnh miền Trung là 100%. Nhưng theo nhiều người làm công tác giáo dục ở địa phương, kết quả đó là nhờ điểm trung bình lớp 12 quá cao (bình quân điểm trung bình lớp 12 của trường này gần 8).
Những người này cho biết tính sơ bộ có khoảng 10% số thí sinh (TS) tốt nghiệp nhờ vào điểm trung bình lớp 12, cá biệt có trường tốt nghiệp nhờ điểm này trên 30%. Có TS điểm thi rất thấp (điểm các môn: toán: 1,75; văn: 3,5; hóa: 2,5; ngoại ngữ: 2,5), bình quân 4 môn thi đạt 2,56 trong khi điểm trung bình lớp 12 là 8,3. Nhưng do cách tính điểm tốt nghiệp gồm 50% điểm thi và 50% điểm trung bình năm lớp 12 nên TS này vẫn đậu.
Cách ra đề thi của kỳ thi THPT quốc gia vừa qua có ít nhất 60% kiến thức cơ bản để những học sinh (HS) dù có học lực trung bình nhưng nếu chỉ dự thi với mục đích xét tốt nghiệp THPT sẽ hoàn toàn không gặp khó khăn. Với cách tính điểm hiện nay, một HS có điểm trung bình cả năm lớp 12 là 6 thì chỉ cần mỗi môn thi đạt 4 điểm sẽ đậu tốt nghiệp. Vậy mà có nơi HS dù học lực khá nhưng điểm 4 môn thi vẫn không đủ tốt nghiệp. Chẳng hạn tỉnh Bình Phước, có 67/605 TS có học lực khá trượt tốt nghiệp. Trong đó có những HS điểm trung bình các môn của năm lớp 12 đạt tới 7,3.
Mâu thuẫn giữa kết quả học lực và kết quả thi vừa qua khiến dư luận hoàn toàn có thể nghi ngờ, việc đánh giá kết quả học tập năm lớp 12 của một số trường vẫn chưa thực sự khách quan, đúng thực lực.
Báo chí tuần qua cũng đăng thông tin, Phó hiệu trưởng của Trường THPT Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh bị cách chức vì chỉ đạo 10 giáo viên nâng điểm tổng kết năm học cho HS lớp 12 niên khóa 2011 - 2014.
Một HS mới tốt nghiệp THPT ở Hà Nội cho hay, việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện lớp 12 thường được các thầy cô chấm rộng rãi. Nếu HS nào có kết quả học tập học kỳ 1 kém thì sang học kỳ 2 đều được các thầy cô cho điểm cao lên để có thể đỗ tốt nghiệp THPT.
Tỷ lệ học sinh khá - giỏi tăng vọt
Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, kết quả học lực cấp THPT tốt lên “đột biến” trên cả nước khi có chủ trương tính điểm học lực lớp 12 để xét tốt nghiệp THPT.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, nếu như tỷ lệ học lực khá giỏi cấp THPT năm học 2012 - 2013 trên cả nước là 47,62% thì đến năm 2014 (năm đầu tiên sử dụng kết quả lớp 12 để xét tốt nghiệp THPT cùng với kết quả thi) tỷ lệ này lên 52,2%. Đến năm học 2014 - 2015 lên tới 57% (tăng tới 10% so với trước khi kết quả học lực được sử dụng).
Khá nhiều tỉnh có tỷ lệ HS khá giỏi cấp THPT tăng mạnh: Quảng Ninh năm học 2012 - 2013 có 50,73% thì đến năm học 2014 - 2015 là 65,6% (tăng xấp xỉ 15%). Trong khi đó, so sánh giữa năm học 2011 - 2012 với năm học 2012 - 2013 tỷ lệ này chỉ tăng hơn 5%. Lạng Sơn năm học 2012 - 2013 HS khá giỏi cấp THPT là 34,81% thì đến năm học 2014 - 2015 là 53% (tăng tới gần 20%). Trong đó, tỷ lệ HS giỏi của năm học 2012 - 2013 chỉ là 2,6% thì đến năm học 2014 - 2015 là 7,6% (tăng hơn 2,5 lần)…
Theo quy chế, để đạt học lực loại khá, điểm trung bình các môn học phải từ 6,5 trở lên, không có môn nào tổng kết dưới 5 và một trong 2 môn văn, toán phải đạt từ 6,5 điểm trở lên. Trong khi số HS có học lực giỏi của hầu hết các tỉnh đều tăng thì kết quả thi của kỳ thi THPT quốc gia được chính Bộ đánh giá là số HS đạt điểm giỏi lại giảm so với năm học trước. Cụ thể, tỷ lệ HS giỏi cấp THPT của cả nước năm học 2012 - 2013 là 4,5%, đến năm học 2014 - 2015 đã tăng lên 7,8%. Tuy nhiên, mức điểm từ 8,25 đến 10 của kỳ thi THPT quốc gia vừa qua chỉ chiếm 3,51% và có tới khoảng 40.000 bài thi bị điểm liệt (mức điểm từ 0 đến 1).
Nếu đúng theo đánh giá của Bộ rằng đề thi, điểm thi phù hợp với năng lực của TS, công tác coi thi, chấm thi trung thực, tin cậy... thì rõ ràng có những mâu thuẫn khó lý giải. Càng khó lý giải hơn khi những số liệu cần thiết như tỷ lệ tốt nghiệp của từng địa phương, từng trường; tỷ lệ đỗ do điểm thi và do điểm số lớp 12... chưa hề được Bộ GD-ĐT công bố công khai để xã hội giám sát, để các trường, địa phương dè dặt, hạn chế làm sai.
Công khai số liệu để tránh tiêu cực Để công bằng với mọi TS, tránh tình trạng các trường cho điểm ảo, nhiều người đề nghị Bộ GD-ĐT phải công khai số liệu tuyển sinh để các trường không dám tiêu cực. Ông Hồ Hoàng Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trí Đức (Q.Tân Phú), thẳng thắn: “Với các trường, Bộ yêu cầu phải 3 công khai nhưng ngược lại có nhiều thông tin Bộ lại giữ. Theo tôi, nên lấy quá trình học tập ở cấp THPT vào xét tốt nghiệp nhưng với điều kiện Bộ phải công khai hết số liệu tỷ lệ HS tốt nghiệp như thế nào, tức là bao nhiêu phần trăm nhờ kết quả học tập, bao nhiêu do kết quả bài thi quốc gia để các trường không dám làm sai”. Theo một hiệu trưởng, điều này rất đơn giản bởi đầu tháng 5, với phần mềm quy định, các trường báo cáo số liệu điểm trung bình của từng HS lớp 12. Từ đó, sở tổng hợp và báo cáo về Bộ, về các cụm thi... “Tức là Bộ có muốn công khai hay không mà thôi”, vị này khẳng định. Bích Thanh |
Những cách biến hóa điểm Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM cho biết có nhiều hình thức để nâng kết quả điểm trung bình cho HS lớp 12. Chẳng hạn, đối với HS ôn thi ĐH thì “nương tay” trong các môn còn lại hoặc tạo cơ hội cho HS kiểm tra lại. Trong cuộc họp hội đồng sư phạm, ban giám hiệu chỉ cần “bỏ nhỏ” nên tạo điều kiện cho HS lớp 12 tức thì giáo viên sẽ biết cách “sáng tạo” điểm. Nguyên phó phòng giáo dục một quận của TP.HCM cho biết năm học 2014 - 2015 có một trường THPT dân lập không có uy tín lắm về chất lượng nhưng tỷ lệ HS lớp 12 đạt loại giỏi trên 60%. Còn nguyên hiệu trưởng một trường THPT tại Q.Tân Phú (TP.HCM) thừa nhận ngay: “Không trực tiếp nâng điểm nhưng trường chiếu cố cho HS bằng cách giới hạn phạm vi các bài kiểm tra”. Bích Thanh |
Tuệ Nguyễn
(thanhnien.com.vn)